Tân Long Group: Hệ sinh thái nông nghiệp của doanh nhân Trương Sỹ Bá doanh thu cao nhưng không có lãi?
Tân Long, cái tên mới nổi trong làng bóng đá, cũng là 'ông trùm' buôn gạo đứng đầu thị trường kinh doanh thua lỗ liên tục dù doanh thu tăng vọt. Nhưng không riêng Tân Long, các công ty thành viên khác của tập đoàn này cũng bết bát không kém.
Bài liên quan
Tân Long Group – từ ông trùm buôn gạo cho tới ông bầu bóng đá nhưng kinh doanh thì trồi sụt
Hệ sinh thái nông nghiệp doanh thu cao nhưng không lãi
Tân Long Group tiền thân là Công ty cổ phần Hóa chất Công nghiệp Tân Long được thành lập từ năm 2006. Quá trình hình thành và phát triển của tập đoàn này gắn liền với vai trò của Chủ tịch Trương Sỹ Bá. Vị doanh nhân sinh năm 1967 xuyên suốt thời gian dài là người đứng đầu và cổ đông lớn, duy trì tỷ lệ nắm giữ 88% tại Tân Long Group và có tầm ảnh hướng lớn tới hệ sinh thái bao gồm một số công ty đều hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Một trong những cái tên đáng chú ý trong hệ sinh thái là Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (BaF), được thành lập năm 2017 và giới thiệu là một đơn vị thành viên thuộc Tân Long Group.
Cũng như Tân Long Group, quy mô doanh thu của BAF cũng không kém cạnh bất kỳ doanh nghiệp chăn nuôi lớn nào. Từ mức hơn 2.900 tỷ khi đi vào hoạt động năm đầu tiên, chỉ hai năm sau doanh thu của BAF đạt tới hơn 17.000 tỷ đồng, trước khi thu hẹp về còn 12.840 tỷ vào năm 2020.
Tuy vậy, trong suốt bốn năm gần đây, chỉ duy nhất năm 2020 BAF có lãi, vỏn vẹn 46 tỷ đồng. Ba năm trước đó, công ty này đều báo lỗ.
Tân Long cũng có một công ty con là Công ty cổ phần Thăng Hoa được thành lập vào năm 2008.
Tương tự như Tân Long, doanh thu thuần của Thăng Hoa cũng rất cao, trong năm 2019 đạt tới 16.467 tỷ đồng, trước khi giảm còn 14.300 tỷ đồng trong năm 2020. Dẫu vậy, năm 2019, doanh nghiệp này báo lỗ 65 tỷ đồng, còn năm 2020 lãi chưa nổi 10 tỷ đồng.
Hệ sinh thái liên quan đến Tân Long Group còn có Công ty cổ phần Hóa chất Hưng phát Hà Bắc và Công ty cổ phần Gạo Hạnh Phúc (viết tắt Hạnh Phúc JSC). Trong đó với Hóa chất Hưng Phát, cả ông Trương Bá Sỹ và Tân Long đều đã từng sở hữu cổ phần tại đây, tuy nhiên cập nhật ở lần thay đổi gần nhất (năm 2013) Tân Long đang nắm giữ 6,67% cổ phần.
Tại ngày 31/12/2019, vốn điều lệ và tổng tài sản của Hưng phát Hà Bắc ở mức 84 tỷ đồng và 154 tỷ đồng. Năm 2019, công ty này thu về 2,9 tỷ đồng lợi nhuận, với 75,6 tỷ đồng doanh thu thuần.
Riêng đối với Hạnh Phúc JSC, doanh thu thuần trong năm 2019 ở mức 2.878 tỷ đồng, còn lợi nhuận chỉ vỏn vẹn 142 triệu đồng. Năm 2020, doanh thu của Hạnh Phúc JSC tăng vọt lên gần 7.000 tỷ đồng, còn lợi nhuận chưa nổi 200 triệu đồng.
Một cái tên khác cũng liên quan mật thiết tới Tân Long là Công ty cổ phần HUM. Và kịch bản cũng tương tự những cái tên kể trên, doanh thu tăng vọt những năm gần đây, đạt tới hơn 37.000 tỷ đồng trong năm 2020. Tuy nhiên, chưa năm nào doanh nghiệp này có lãi.
Không chỉ các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Tân Long có kết quả kinh doanh lạ lẫm như vậy mà chính bản thân tập đoàn này cũng ghi nhận báo cáo với mức lợi nhuận thấp tới khó hiểu.
"Ông trùm" buôn gạo gắn liền thương hiệu với các đội bóng đá
Trên thực tế, cái tên Tân Long trước giờ không mấy khi được quan tâm. Nhưng cho tới gần đây, khi doanh nghiệp này trở thành nhà tài trợ chính cho Sông Lam Nghệ An với bản hợp đồng được đánh giá là “lớn nhất trong lịch sử” CLB thì Tân Long cùng vị chủ nhân của tập đoàn là cái tên gây chú ý trong giới chủ.
Việc “bạo chi” cho thể thao, vốn là sân chơi của những tập đoàn tư nhân hàng đầu, khiến giới đầu tư tò mò về tiềm lực của tập đoàn này. Và thực tế, Tân Long cũng không phải cái tên mờ nhạt.
Ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long phát biểu trong lễ tiếp nhận CLB SLNA. Nguồn: TL.
“Ông trùm” về nông sản, đặc biệt là buôn gạo, đã thắng thầu những hợp đồng xuất khẩu quy mô lớn từ nhiều năm nay, với mức giá hấp dẫn vượt xa trung bình. Đến mức, ông Trương Sỹ Bá còn chia sẻ với truyền thông rằng: “Buôn gạo chưa bao giờ lãi như vậy”.
Nhưng với riêng Tân Long Group, dường như kết quả kinh doanh lại phản ánh một chiều hướng khác. Năm 2019, tập đoàn này báo lỗ sau thuế tới 493 tỷ đồng, xét cho cả giai đoạn 2016-2019, Tân Long chỉ có lãi “tượng trưng” 39 tỷ đồng năm 2016 và 29 tỷ đồng năm 2018, xen giữa là năm 2017 cũng lỗ khá lớn 277 tỷ đồng.
Năm 2020, dù doanh thu tăng vọt lên trên 50.000 tỷ, lợi nhuận của Tân Long Group chỉ vỏn vẹn 51 tỷ đồng. Như vậy, tính chung giai đoạn 2016 – 2020, Tân Long thực tế là âm lợi nhuận 650 tỷ đồng, một con số tương đối bất ngờ với một doanh nghiệp tầm cỡ như Tân Long.