Tản mạn chuyện… thẩm thơ
Mấy câu thơ trúc trắc, gập ghềnh như sự chếnh choáng của con người trong cơn bão táp của đời sống tình cảm.

Trong bài thơ “Quê hương” của Giang Nam, độc giả thấy được vẻ đẹp tâm hồn của cô gái qua tiếng cười “khúc khích”. Ảnh minh họa: ITN
Bài 2: Trao đổi về các “nhãn tự”
Hai cách cười dù cùng “khúc khích”
Trong bài thơ “Quê hương” nổi tiếng của Giang Nam, nhà thơ viết về hai cái cười: “Cười khúc khích” và “khúc khích cười”. Số lượng từ ngữ như nhau, chỉ khác về trật tự. Mọi người (có lẽ ngay cả tác giả nữa) cũng không ngờ tay bình thơ lại chẻ sợi tóc làm tám, nhất quyết khẳng định 2 cách cười khác nhau của cùng một nhân vật trữ tình (cô gái). Hãy xem anh ta lí sự.
Giang Nam trong bài thơ “ Quê hương” mà các bạn đã quen thuộc cũng viết về nụ cười người con gái. Nhà thơ không tả vẻ đẹp của nụ cười mà lại chú ý đến tiếng cười. Nhưng từ chuyện “âm thanh” ta cũng biết được không chỉ vẻ đẹp của nụ cười mà còn cả vẻ đẹp tâm hồn của cô gái nữa. Trong bài thơ, nhân vật trữ tình có ba lần cười:
- Cô bé nhà bên, nhìn tôi cười khúc khích
- Cô bé nhà bên (có ai ngờ) cũng vào du kích
Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích
- Lại gặp em thẹn thùng nép sau cánh cửa
Vẫn khúc khích cười, khi tôi hỏi nhỏ
Chắc là cũng ít người để ý đến sự khác nhau của ba lần cười đó, chính xác hơn là lần cười thứ ba khác với hai lần đầu.
- Ui dào, có gì đâu! “cười khúc khích” hai lần, lần thứ ba thì chả nhẽ lại cười khúc khích nữa, e nhàm, vì thế phải viết “khúc khích cười” chớ sao?.
Nếu sự việc chỉ có vậy thì đành phải chấm hết bài viết ở đây. Nhưng xin hãy rộng lượng cho… Ba lần cười đó ở ba hoàn cảnh, ba thời điểm khác nhau thì đã hẳn. Điều quan trọng là đối tượng của tiếng cười và nguyên nhân cười cũng rất khác nhau.
Lần thứ nhất cười anh bạn ham chơi, khéo “ăn vạ” tránh đòn (Mẹ bắt được chưa đánh roi nào đã khóc).
Lần thứ hai, cười cái anh bạn ấy thế mà cũng thành anh bộ đội cơ đấy. Tiếng cười tinh nghịch vẫn còn nguyên cái vẻ hồn nhiên của lần cười trước.
Lần thứ ba, người cười không còn hồn nhiên mà đã thẹn thùng. Đối tượng của tiếng cười không hẳn là “anh ta” như hai lần trước. Lần này cười - chính là tạo ra một khoảng thời gian im lặng cần thiết để nói về câu hỏi không dễ dàng gì trả lời đối với mỗi người con gái.
Để thấy rõ hơn sự khác biệt của ba lần cười, chúng ta hãy chú ý đến cách xưng hô của nhân vật trữ tình tác giả với cô gái:
- Lần thứ nhất: - cô bé nhà bên.
- Lần thứ hai: Cô bé nhà bên. Lần này, tuy xưng hô vẫn như lần trước, nhưng “cô bé” ấy cũng đã vào du kích rồi, và sự lớn nhanh đến bất ngờ ấy đã kịp nhen lên một tình cảm mới lạ ở người con trai: “Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi!).
- Lần thứ ba : - Em!
Từ “cô bé nhà bên” đến “em” là cả một sự biến đổi to lớn, một chặng đường dài dặc mà không phải ai cũng qua được. (Ta nhớ đến A. Puskin khi tình cờ cô gái buột miệng gọi “ngài” bằng “anh”, thi sĩ đã sung sướng và xúc động như thế nào, sau đó viết bài thơ tình nổi tiếng. Nhưng xưng hô “Vư” và “Tư” trong tiếng Nga cũng còn khác rất xa với cách xưng hô rất cụ thể và chặt chẽ của tiếng Việt).
Còn tình cảm của cô gái thì sao? Tác giả không mô tả trực tiếp, nhưng tiếng cười của cô mách ta biết tình cảm của người cười. Từ hai lần “cười khúc khích” đến lần “khúc khích cười” cũng là một biến đổi trong tình cảm rất sâu sắc. (Nhân tiện nói thêm rằng trong bản dịch ra tiếng Nga của A. Che-rơ-nov, người dịch đã không thể cảm nhận hết sự tinh tế này, và cũng có thể là do sự khác biệt về hình thái ngôn ngữ hai thứ tiếng, cả ba lần cười đã được dịch hoàn toàn như nhau - Xem: Các nhà thơ Việt Nam, nhà xuất bản Văn học Nghệ thuật, Matxcơva, 1982). Đâu phải chỉ là chuyện “đỡ nhàm” như đã nói. Cũng không phải là chuyện “đảo ngữ” thông thường cho câu thơ “êm tai” hơn. Ở đây là vấn đề tâm lí rất tinh tế. Chúng ta đã hiểu nguyên nhân và đối tượng của tiếng cười. Hai lần đầu cô bé hồn nhiên, vô tư, nhìn thẳng vào anh bạn mà cười. Vì thế, nhân vật trữ tình tác giả NHÌN THẤY MIỆNG CƯỜI và NGHE THẤY TIẾNG CƯỜI. Nhưng lần thứ ba, “cô bé” đã thành thiếu nữ, đã biết thẹn thùng chứ đâu còn hồn nhiên nữa.
Trong khoảng cách rất gần với người bạn trai (so với hai lần trước); trong tình thế rất khó xử trước câu hỏi không thể không trả lời (mà trả lời ngay thì e là quá nông nổi); cô gái đã thông minh, tế nhị sử dụng nụ cười. Cười, nhưng vì e lệ, vì “tình trong như đã…”, nên cô gái đã giấu nụ cười đi, vì vậy nhân vật trữ tình chỉ NGHE thấy tiếng khúc khích mà biết là cười chứ KHÔNG NHÌN THẤY miệng cười. Nét cười mới ý tứ và duyên dáng, đáng yêu, đáng quý biết bao nhiêu. Giả như lần thứ ba này, cô gái vẫn “cười khúc khích”, nghĩa là ngẩng đầu, nhìn thẳng vào người bạn trai mà cười thì vẻ đẹp của cô sẽ giảm đi nhiều lắm (Trừ phi cô cười để rồi sau đó từ chối thẳng thừng, không để cho anh bạn nắm tay mình, đó lại là chuyện khác!).
Chỉ một chút thay đổi: cười khúc khích - khúc khích cười, nhà thơ Giang Nam đã làm ánh lên ở gương mặt cô gái một nụ cười nết na, duyên dáng, rất thùy mị mà cũng rất Việt Nam. Qua chi tiết cỏn con này cũng thấy được bản lĩnh của người viết. Nhiều khi sự khác biệt của người làm thơ tinh tế với thợ thơ bình thường cũng chỉ là sự khác biệt CỎN CON đó.

Với bài thơ “Đêm Côn Sơn” của Trần Đăng Khoa, nhà thơ Xuân Diệu chữa một chữ nhưng chưa thật đắt giá. Ảnh minh họa: ITN.
Xen giữa Xuân Diệu và Trần Đăng Khoa
Chúng ta đều biết, Xuân Diệu rất quan tâm đến Trần Đăng Khoa. Ông về tận nhà chú bé, xem xét, hỏi han. Ông đưa đoàn nhà báo về quay phim, viết bài giới thiệu thơ Trần Đăng Khoa rất sớm. Trần Đăng Khoa cũng rất quý mến Xuân Diệu, coi nhà thơ như người thầy dạy nghề nghiêm khắc và uyên thâm. Trong cuốn “Chân dung và đối thoại” in lần thứ 4, NXB Thanh Niên, 1999, Trần Đăng Khoa dành 30 trang để viết về Xuân Diệu.
Tôi xen vào vì rằng, đọc bài thơ “Đêm Côn Sơn” của Trần Đăng Khoa, nhà thơ thần đồng khoe được Xuân Diệu chữa cho một chữ. Tôi thấy chữa như thế thì được, nhưng lại cũng mất. Cụ thể, ở: “Mờ mờ ông bụt ngồi nghiêm/ Nghĩ gì, ông vẫn ngồi yên lưng đền...”, nhà thơ Xuân Diệu đã chữa cho cậu học trò hai chữ “sợ gì” thành “Nghĩ gì, ông vẫn ngồi yên lưng đền”. Điều đó làm cho “ông bụt” bỗng trở nên sống động hơn, câu thơ liền mạch hơn. Thế nhưng, hai chữ “sợ gì” ấy là dấu vết rất rõ của nhà thơ trẻ con. Anh ta mới lên 10 tuổi cho nên sợ, sợ ma đã đành, nhưng bụt cũng sợ... Rồi cơn buồn ngủ cũng thắng cả nỗi sợ và sự nghĩ ngợi. Vì vậy, tôi thích cái cách diễn tả ban đầu của chú học trò hơn là cách chữa của ông thầy uy tín!
Phần hai của bài thơ bắt đầu bằng tiếng sấm rền của cơn giông (hay tiếng sấm rền trong cơn mơ) và nhà thơ tỉnh lại. Âm thanh và ánh sáng cái gì cũng mạnh. Đền đỏ hương, chuông kêu, rừng nổi gió, suối tuôn ào ào. Trăng cao tỏa sáng... Vốn nhạy cảm, chú nghĩ tới Nguyễn Trãi trở về. Và hồn nhiên nghe tiếng thơ ngâm đầy huyền bí: “Em nghe có tiếng thơ ngâm”.
Tiếng sấm rền có thể nghe trong mơ, nhưng nhìn thấy đỏ hương, nhìn thấy trăng cao, nghe tiếng chuông, nghe tiếng suối, vậy thì tiếng thơ ngâm là có thật hay là nghe bằng tâm tưởng? Có lần Trần Đăng Khoa viết: “Ánh trăng vừa thực vừa hư. Vườn sau gió nổi nghe như mưa rào” (Đêm thu). Tiếng thơ có giống ánh trăng? Có giống như tiếng thơ thần đọc bài “Nam quốc sơn hà” trên sông Như Nguyệt? Điều lí thú là chúng ta không thể khẳng định dứt khoát “tiếng thơ ngâm”. Nhưng ta biết chắc chắn là: “Ngoài kia nòng pháo ướt đầm sương khuya”. Các chú bộ đội vẫn thức canh cho giấc ngủ của Côn Sơn yên tĩnh. Tiếng thơ ngâm ấy cũng có thể của một chú bộ đội yêu thơ.
Nhãn tự là chữ “sẽ”
Khi đó, tôi đang làm chuyên viên môn Văn trên Vụ Giáo dục Trung học. Tôi hay bàn chuyện văn chương với nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích. Chính nhạc sĩ đã cho tôi mượn cuốn sách của bà Lady Borton, vì bà có trích ca từ “Đưa cơm cho mẹ đi cày” rồi tôi viết bài và làm quen với bà nhà văn người Mĩ này.
Hôm đó, nhạc sĩ đưa cho tôi bài thơ “Có một ngày” của Nguyễn Khoa Điềm và bảo: “Ông đọc đi! Tôi thấy hay nhưng mà khó hiểu!”. Tôi đọc và quả tình cũng thấy hoang mang! Không hiểu sao lại “có một ngày” như thế:
“Có một ngày em không yêu anh
Em đi thật xa
Và mặc chiếc áo
Anh chưa từng thấy bao giờ
Em sẽ có cái cười
Bằng ánh sáng của cái hôn khác[…]
Có một ngày em tràn đầy hạnh phúc
Ngày em không yêu anh”
Rồi tôi đọc đi đọc lại bài thơ, cố tìm cách để hiểu nhà thơ muốn nói gì. Sau cùng thì tôi đã hiểu được và viết lời bình cho bài thơ “khó hiểu” này! Thì ra, đây là một tình huống giả định mà nhà thơ đặt ra. Tác giả hình dung ngày vợ không yêu mình, vợ tràn đầy hạnh phúc… Còn tác giả thì sao? Cái người xưng anh trong bài thơ đó thì thế nào?
“Cái ngày đó
Anh sẽ bắt đầu
Với anh
Bằng bước chân ngày đón em
Anh một chàng trai
Với màu tóc khác”
Đây là đoạn lời bình khi tôi đã nắm được chìa khóa để hiểu bài thơ này:
Người con trai trong bài thơ là người khiêm tốn. Anh biết rằng mình không phải là người có thể đem đến mọi niềm vui sướng, hạnh phúc cho vợ mình. Anh tỉnh táo và dám tỉnh táo nghĩ rằng một ngày vợ không yêu mình, một ngày rời bỏ mình đi, người vợ ấy sẽ “tràn đầy hạnh phúc”, sẽ sống một cuộc đời mới tốt đẹp hơn. Anh biết và không hề ghen, không hề tức tối, chỉ biết do đó mà càng thương vợ hơn, càng sống hết mình.
“Anh từng hôn lên nỗi khó nhọc hàng ngày” - Chỉ một câu thơ này, cũng đủ thấy nhân cách tốt đep của người chồng. Phụ nữ Việt Nam vốn rất cao thượng và rộng lượng. Họ dám hy sinh cho chồng con: “Năm nắng mười mưa dám quản công”. Nhưng chị em đòi hỏi người chồng phải biết cảm thông, phải hiểu được nỗi vất vả ấy. Người chồng trong bài thơ này là người có tấm lòng. Hơn nữa, anh không phải là người “may mắn” có được người vợ tốt rồi cứ bám chặt vào đấy mà lợi dụng, dùng mọi biện pháp mà trói buộc, gò bó vợ. Anh còn đáng kính trọng bởi anh thấy ngày vợ không yêu mình, ngày cô ấy đi thật xa, anh không cố giữ, cố níu kéo. Và anh cũng không gục đổ xuống như một kẻ chỉ biết nương vào vợ.
“Cái ngày đó
Anh sẽ bắt đầu
Với anh
Bằng bước chân ngày đón em”
Mấy câu thơ trúc trắc, gập ghềnh như sự chếnh choáng của con người trong cơn bão táp của đời sống tình cảm. Nhưng rồi thăng bằng đã trở lại trong nhịp thơ cân đối:
“Anh một chàng trai
Với màu tóc khác”
Anh bắt đầu cái ngày biến cố đó, ngày mất mát đó không phải bằng sự thở than hay tuyệt vọng, càng không phải là sự gục ngã. Anh vẫn có thể làm lại cuộc đời khác, anh vẫn có thể hăm hở, hồi hộp đón nhận một hạnh phúc khác mới mẻ (Như anh đã từng đón em) có điều là một tổn thất, một mất mát không thể nào che giấu được, khi anh không còn em. Vẫn là chàng trai đấy, nhưng tóc đã khác màu rồi. Cái màu tóc mất đi ấy chính là gắn với những gì anh bị mất cùng em.
Trước khi nói về hai câu thơ ngắn ngủi kết thúc bài thơ, cần phải nói về một chữ quan trọng nhất, nó làm xương cốt, làm rường cột cho cả bài. Là cái chữ vô cùng quan trọng như vậy, nhưng nó chỉ xuất hiện vẻn vẹn có hai lần, và lại ở vị trí hết sức khiêm tốn nên người đọc đễ không để ý. Nó chính là chữ “sẽ”
“- Em sẽ có cái cười
Bằng ánh sáng của cái hôn khác
Cái ngày đó
Anh sẽ bắt đầu”
E rằng, bài thơ không có chữ “sẽ”, thì chẳng có gì đáng phải bình, nếu bỏ quên chữ này bài thơ có nguy cơ bị hiểu sai lệch. Chữ “sẽ” làm cho ta hiểu đây là giả tưởng của người viết.
Thì ra, đây không phải là việc đã xảy ra. Thì ra, đây chỉ là suy nghĩ, là giả định của người chồng. Người vợ đã không xóa mình đi, không đánh đổi tất cả những gì đã có để lấy hạnh phúc mới; vì rằng có một người chồng như vậy đó chẳng phải là một hạnh phúc tràn đầy hay sao?
Người chồng tất nhiên anh không bao giờ có ý nghĩ xóa bỏ. Và do đó hai câu thơ kết có thể gợi ra nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng theo cái logic tất yếu ấy thì chỉ có một cách hiểu.
“Riêng năm tháng cuộc đời
Thì vẫn như xưa…”
Có một ngày… Nhưng cái ngày ấy chỉ là ngày giả định. Với con trai ấy, người con gái nào lại nỡ bỏ đi. Tôi vẫn muốn tin là bây giờ dưới mái nhà xưa cũ ấy họ “vẫn như xưa” yêu nhau, với tất cả sự vui buồn, vất vả, gieo neo và cả nỗi nghèo khó của đời thường.
_____________________________________
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tan-man-chuyen-tham-tho-post739672.html