Tản mạn cùng… cải lương
Hồi còn nhỏ, tôi nhớ xuân về là lúc cả nhà háo hức đón xem cải lương trên các chương trình truyền hình tết. Mấy chị em tôi rất háo hức, gần tết là 'canh me' xem các đài thông báo lịch phát sóng. Chủ yếu là đón xem ngày nào chiếu vở cải lương gì. Đó cũng là thời hoàng kim của cải lương với những tên tuổi như Minh Vương, Minh Phụng, Minh Cảnh, Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ…
“Áo mới” cho cải lương
Trở lại với hiện tại, thời công nghệ số, cải lương đang sống như thế nào?
Không khó để nhận ra, sân khấu cải lương những năm gần đây có khá nhiều cuộc thi vinh danh các tài năng trẻ. Thế nhưng, xét trên bình diện chung, cải lương vẫn chưa thực sự “khoe hương tỏa sắc” với những giá trị vốn có; cũng chưa có nhiều sân diễn, “đất dụng võ” cho các tài năng tỏa sáng.
Song cải lương chưa bao giờ và chắc chắn không bao giờ chết trong lòng khán giả. Vấn đề là loại hình nghệ thuật này “sống” như thế nào trong bối cảnh hiện nay?
Cải lương có lẽ cần “chiếc áo mới” để “sống” hợp thời hơn. Trước mắt là về kịch bản. Nói đến kịch bản “nóng”, khán giả thuộc thế hệ U50 trở về trước sẽ không thể quên vở kịch “Nhân danh công lý” của hai tác giả Doãn Hoàng Giang và Võ Khắc Nghiêm. Vở kịch xuất hiện vào đầu thập niên 80 thế kỷ XX thực sự đã tạo “cơn địa chấn” trên sân khấu khi đề cập thực trạng chạy án, chạy chức, chạy quyền. Năm 2020, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (TP. Hồ Chí Minh) chuyển thể thành vở cải lương cùng tên tham dự Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân” và xuất sắc đoạt huy chương vàng.
Tương tự, vở kịch “Dạ cổ hoài lang” của cố Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Thanh Hoàng ra mắt năm 1994 đã tạo nên “cơn sốt” ngay sau đó với hơn 1.000 suất diễn. Sân khấu Nhà hát nhỏ 5B Võ Văn Tần (TP. Hồ Chí Minh) thời điểm đó luôn trong tình trạng kín rạp, cháy vé dù mỗi ngày có đến 3 suất diễn. Đầu tháng 1-2023, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang lại tiếp tục chuyển thể cải lương vở này (chuyển thể Lâm Hữu Tặng, đạo diễn Nghệ sĩ nhân dân Thanh Điền, cố vấn NSƯT Bảo Quốc) và đã không làm thất vọng khán giả! Dù chiếc bóng lớn của NSƯT Thành Lộc và NSƯT Việt Anh chưa mờ phai trong tâm trí khán giả nhưng NSƯT Bảo Quốc, NSƯT Vũ Luân cũng đã tạo được dấu ấn riêng trong lần tái xuất này.
Trở về trước nữa, những “Kiếm sĩ dơi”, “Mùa thu trên Bạch Mã Sơn”, “Đường gươm Nguyên Bá”, “Thái hậu Dương Vân Nga”, “Bên cầu dệt lụa”, “Nửa đời hương phấn”, “Đời cô Lựu”... cũng gây “sốt” các hãng băng đĩa một thời!
Khán giả hiện nay vẫn đến rạp xem cải lương, những cuộc thi vẫn còn người xem. Nhưng tìm vở gây “sốt” với đề tài mang hơi hướng thời đại thì quá hiếm. Quanh quẩn cũng là những đề tài lịch sử, cổ trang, những vở “kinh điển” vẫn chiếm sóng sân khấu cải lương thời hiện đại. Một thực tế là bên cạnh cải lương, có vô số loại hình giải trí khác để người ta chọn lựa. Vậy thì muốn kéo khán giả đến rạp, đưa cải lương lên sàn diễn cũng đòi hỏi những yêu cầu cao hơn nhiều.
Cải lương vẫn có thế hệ kế thừa từ những cuộc thi như: Triển vọng Trần Hữu Trang, tài năng trẻ cải lương toàn quốc, Chuông vàng vọng cổ… Thế nhưng, trên thực tế cũng không nhiều người trụ được với nghề và làm nên danh tiếng bằng những vai diễn để đời như bậc tiền bối tài danh đã làm được; khó tìm ra những giọng ca độc quyền, không có “bản sao” và cả những tuyến vai khác nhau như kép mùi, kép độc, đào lẳng, vai hài... cũng chưa được định hình tên tuổi xét trên bình diện chung hiện nay.
“Cải lương không chết, nó chỉ chết khi người cuối cùng yêu nó chết”, đây là một nhận định sâu sắc. Và dĩ nhiên, không có người cuối cùng yêu cải lương! Thế nhưng, khán giả cũng không dễ dãi mà luôn đòi hỏi cải lương phải luôn có cái mới - hay - lạ, hợp thời. Những vở kinh điển nhưng dần sẽ không còn phù hợp với số đông khán giả thời công nghệ số.
Để cải lương hướng về nhân dân
Đủ sắc màu, kịch bản phong phú mang đến nhiều tuyến nhân vật đa dạng và cả khâu kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng hiện đại hỗ trợ... đã tạo nên những “bữa tiệc” nghệ thuật đặc sắc làm thỏa lòng khán giả mộ điệu khi đến với Cuộc thi tài năng diễn viên cải lương toàn quốc năm 2023, diễn ra tại Nhà hát Cao Văn Lầu, tỉnh Bạc Liêu cuối tháng 9 của năm.
Hàng loạt trích đoạn đậm chất sử Việt ra mắt khán giả tại cuộc thi. Những “Bức ngôn đồ Đại Việt”, “Dấu ấn giao thời”, “Kẻ sĩ Thăng Long”, “Nỗi lòng quân vương”, “Bão lòng Trần Thị Dung”, “Bến nước Ngũ Bồ”... trên sân khấu với cung điện hoành tráng, phục trang đẹp, lối diễn đầy oai phong đã giúp khán giả lật lại lịch sử vương triều của từng thời đại. Nhất là khi nhìn ngắm những nghệ sĩ, diễn viên hóa thân thành Nguyễn Trãi, Lê Chiêu Thống, Lê Tư Thành, Lê Quyết, Lý Huệ Tông, Lý Chiêu Hoàng, Trần Thị Dung, Trần Thủ Độ...
Nghệ sĩ Mai Xuân Hùng, Nhà hát cải lương Hà Nội trong trích đoạn “Truân chuyên dải yếm đào” tại Cuộc thi tài năng diễn viên cải lương toàn quốc năm 2023
Rời ánh hào quang của sân khấu thời vua chúa, khán giả có khi lặng đi trong bom đạn vang rền - là những trận ném mìn hòng tiêu diệt bước chân mở đường của những cô gái Trường Sơn, rồi hình ảnh quân giặc tàn ác giày xéo quê hương, những màn tra tấn dã man trên sân khấu... Song, chúng không khuất phục được những người dân yêu nước, đó có thể là một lão lái đò đưa khách sang sông, một ông già nhà quê, một cô gái chân yếu tay mềm nhưng khẩu khí và chí khí trước quân thù luôn cao ngất... Cải lương chuyển tải chân thật nên dễ gieo cảm xúc vào lòng khán giả!
Riêng ở vai trò khán giả, người viết có những đúc kết “bỏ túi” cho cải lương. Trước hết, nếu kể câu chuyện lịch sử bằng sự giản dị, bằng cảm xúc trong từng lời thoại, ánh mắt, cử chỉ nhân vật và khai thác các ưu thế vốn có của nghệ thuật cải lương (đưa vào các bài bản, điệu thức phù hợp bối cảnh) thì không lo kịch bản sử Việt thiếu khán giả. Về nguồn nhân lực, đội ngũ diễn viên, lực lượng kế thừa sân khấu cải lương vẫn đầy sung lực. Vấn đề còn lại là “ông bầu” cần tư duy tìm kịch bản hay, hợp thời, cần có “đất diễn” để nghệ sĩ được thể hiện hết khả năng.
Và để nâng cao chất lượng biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhân dân, vấn đề không thể không nhắc là cần có những vở hướng về nhân dân, được nhân dân quan tâm. Nhiều khán giả nhận định, cơ cấu xưa - nay của kịch bản cải lương đang thiếu phần “nay”, những trích đoạn chính kịch còn ít và đề tài “hot” đương đại chưa hiện diện. Những đề tài “hot” là gì? Cần có câu trả lời của những người tâm huyết đang tiếp tục tìm tòi để làm mới cải lương vốn luôn là niềm đam mê - không chỉ của những “kiếp tằm” trên sân khấu mà còn của nhiều thế hệ khán giả vẫn trung thành với sân khấu cải lương.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/153622/tan-man-cung-cai-luong