Tản mạn nghề nặn tò he

Tò he là đồ chơi dân gian làm bằng nguyên liệu bột gạo. Bằng niềm đam mê và nhiệt huyết, các nghệ nhân nặn tò he trong tỉnh vẫn kiên trì giữ nghề với mong muốn tò he tìm lại

Tò he là đồ chơi dân gian làm bằng nguyên liệu bột gạo. Bằng niềm đam mê và nhiệt huyết, các nghệ nhân nặn tò he trong tỉnh vẫn kiên trì giữ nghề với mong muốn tò he tìm lại “chỗ đứng” trên thị trường đồ chơi truyền thống.

Anh Vũ Đình Hiển, phường Vị Hoàng (thành phố Nam Định) có 15 năm làm nghề nặn tò he ở hồ Vị Xuyên.

Chúng tôi bắt gặp anh Vũ Đình Hiển, phường Vị Hoàng (thành phố Nam Định) khi anh đang hướng dẫn nặn tò he cho các cháu Trường Mầm non tư thục Hoa Ban Trắng (thành phố Nam Định). Xung quanh anh là những thùng carton lớn nhỏ đựng hàng trăm sản phẩm tò he khác nhau để giới thiệu cho các cháu nhỏ. Cẩn thận xếp sản phẩm lên những khay đan bằng tre, anh Hiển cho biết: “Nghề nặn tò he đến với tôi như một cái duyên. Năm 2004, khi đang kinh doanh dịch vụ trò chơi giải trí cho thiếu nhi ở Hồ Vị Xuyên, tình cờ tôi gặp một lão nghệ nhân nặn tò he. Sau nhiều cuộc trò chuyện, người nặn tò he có nhã ý truyền nghề cho tôi. Không chút đắn đo, tôi nhận lời và nhanh chóng được dạy các kỹ năng làm bột, pha màu, tạo hình sản phẩm”. Là dân “tay ngang” trong nghề nên thời gian đầu anh Hiển chật vật mới nặn được thành phẩm là những bông hoa. Nhờ sự kiên trì, chỉ trong thời gian ngắn những con giống tò he như 12 con giáp, Tôn Ngộ Không… được anh Hiển nặn thành thạo. Quyết tâm theo nghề, anh Hiển luôn trăn trở tìm hướng đi mới để vừa bán hàng, vừa hướng dẫn học sinh trải nghiệm nặn tò he và tích cực tham gia các sự kiện văn hóa... Trước áp lực của cơ chế thị trường, phần đông những người làm nghề trở nên “ăn xổi” nhưng anh Hiển vẫn giữ cách làm tò he truyền thống và luôn tìm tòi sáng tạo những sản phẩm tò he mới nên uy tín của anh được khẳng định. Trong lúc trò chuyện với chúng tôi, điện thoại của anh liên tục đổ chuông. Đó là những đơn đặt hàng chuẩn bị cho Tết Trung thu, các trường học mời anh hướng dẫn học sinh trải nghiệm nghề nặn tò he. Bằng niềm đam mê, tận tâm với nghề, anh Hiển cho rằng: “Sự kiên trì và niềm đam mê vô điều kiện chính là “chìa khóa” để anh có những thành công bước đầu trên con đường tìm lại vị thế các sản phẩm tò he trên thị trường đồ chơi hiện nay”.

Anh Hoàng Duy Quang ở xóm 4, xã Hồng Quang (Nam Trực) sinh ra trong gia đình có 3 đời làm nghề nặn tò he. Năm 10 tuổi, Quang đã theo bố rong ruổi đi nặn tò he ở các lễ hội trong và ngoài tỉnh. Từ những cục bột thừa, Quang bắt chước nặn theo những gì quan sát được từ bố. Đến năm 11 tuổi, Quang đã thành thục các kỹ năng nặn tò he. Những cục bột gạo đủ sắc màu rực rỡ được đôi bàn tay thoăn thoắt của Quang uốn nặn bỗng chốc biến thành những món đồ chơi đủ hình thù, màu sắc bắt mắt, có hồn và sống động như thật. Anh Quang cho biết, trước đây, làng có nhiều người biết nặn tò he, nhưng hiện nay chỉ còn anh làm nghề. Trước nguy cơ nghề truyền thống đang dần bị mai một, anh Quang rong ruổi khắp phố phường và các lễ hội trong tỉnh để hành nghề và cố gắng dạy nghề, truyền nghề cho những người yêu thích. Nhiều năm qua Bảo tàng tỉnh và một số trường học trên địa bàn thành phố Nam Định thường xuyên mời anh Quang hướng dẫn học sinh trải nghiệm nghề nặn tò he. Với anh Quang việc đưa trò chơi dân gian tò he đến với trẻ em thành phố vốn chỉ biết đến những món đồ chơi hiện đại là thành công ngoài mong đợi.

Nghề nặn tò he truyền thống ở thôn Hà Dương, xã Hoàng Nam (Nghĩa Hưng) đến nay vẫn được duy trì. Những năm 1960, nặn tò he là nghề chính nuôi sống nhiều gia đình trong thôn, từ đứa trẻ bi bô tập nói đến các cụ đầu bạc ai ai cũng biết nặn tò he. Do bột nặn làm bằng nguyên liệu bột gạo không có hóa chất nên khi bán ế hàng, mâm tò he lại trở thành món ăn của cả nhà. Cụ Nguyễn Văn Khương (85 tuổi) có hơn 60 năm làm nghề nặn tò he cho biết: Để có một sản phẩm tò he theo cách truyền thống của thôn Hà Dương phải trải qua nhiều khâu, từ chọn nguyên liệu đến cách “gây” thành bột. Gạo để làm bột phải là loại gạo tẻ pha với một ít gạo nếp mùa, ngâm với nước mưa trong 3-4 tiếng, sau đó đãi sạch, giã kỹ, cho vào chõ đun nhỏ lửa. Sau đó, bột được nắm lại thành từng vắt rồi nhuộm màu. Màu nhuộm được chế biến từ các loại cây lá tự nhiên: Màu vàng làm từ hoa hòe hoặc củ nghệ, màu đỏ từ quả gấc, màu đen thì dùng cây nhọ nồi, màu xanh lấy từ lá riềng hoặc lá trầu không; các màu sắc trung gian khác được phối từ bốn màu cơ bản này. Nhờ bí quyết truyền thống, sản phẩm tò he của thôn Hà Dương luôn nổi bật với nhiều chi tiết tinh tế, màu sắc tự nhiên, bắt mắt. Từng là nghề cực thịnh nhưng hiện nay những nghệ nhân nặn tò he ở Hà Dương đều cao tuổi. Để khơi dậy nghề truyền thống, hàng năm, trong xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội truyền thống và các hoạt động văn hóa địa phương, xã đều tạo điều kiện về địa điểm để các nghệ nhân nặn tò he bán con giống và truyền dạy lớp trẻ kỹ năng nghề truyền thống.

Những con giống tò he như mục đồng ngồi trên lưng trâu thổi sáo, Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc, Thạch Sanh dũng mãnh đánh thắng trăn tinh… được nặn khéo léo bởi những nghệ nhân đều gắn với một câu chuyện, sự tích, mang tính truyền thụ, giáo dục, hướng thế hệ trẻ đến những giá trị chân - thiện - mỹ trong cuộc sống. Dù đang đứng trước nguy cơ mai một, nhưng cũng giống như nhiều di sản văn hóa khác, nghề nặn tò he vẫn có chỗ đứng vững vàng, bởi đây là nét đẹp văn hóa truyền thống./.

Bài và ảnh: Viết Dư

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5092/201909/tan-man-nghe-nan-to-he-2533128/