Tản mạn nhà nông
Đừng tưởng làm nông là thứ dễ. Sinh thời, ba tôi bảo; 'Làm nông là nghề ai cũng làm được, nhưng không phải ai cũng trở thành người làm nông giỏi'. Thời bây giờ, điều ấy lại càng đúng. Người làm nông dẫu có siêng năng, giàu kinh nghiệm đến mấy mà thiếu tri thức về khí hậu, sinh vật, thổ nhưỡng, vật nuôi, cây trồng, giống, thị trường, tập quán người tiêu dùng… thì làm sao gọi là biết làm nông.
Tôi là đứa con của ruộng đồng. Hàng chục đời, bên nội lẫn bên ngoại, đều là nhà nông và sống ở nông thôn.
Thiệt tình, tôi không thấy tự hào hay vinh dự gì với cái gốc gác gieo trồng ấy. Làm nông cũng như đi buôn, làm muối, đốn củi, đánh cá, làm công nhân… vậy thôi. Ông bà, cha mẹ tôi chẳng phải là điền chủ, nhưng cũng không thuộc thành phần bần cố nông, nên tôi không biết thành phần ấy hay ho như thế nào. Song chắc chắn là cơ cực, không ai muốn. Là chạy ăn từng bữa, lắm người không có rẻo đất mà đặt quan tài. Nó khác xa mấy anh bần cố nông, vô sản thời nay. Toàn biệt phủ với siêu xe, ăn chơi đủ ngón.
Là nhà báo sống ở nông thôn, tôi đoan chắc, ở quê tôi, 100% gia đình nông dân làm nghề nông mà có được của ăn, của để, thoát được đói nghèo thì nhà ấy ắt có lao động làm thêm một nghề cơ cực khác: đi buôn, làm thợ, thu mua nhôm nhựa phế thải, buôn bán với đồng bào miền cao, hay chí ít cũng hủ tiếu gõ hoặc “kim chỉ” tận Sài Gòn. Mỗi khẩu lao động chỉ có bình quân 300m2 đất (cách đây vài mươi năm), nay giải cứu dưa, mai giải cứu ớt. Mía đốn sạch trồng khoai mì. Củ khoai mì có khi vài ngàn một ký. Giàu là giàu làm sao? Cỡ như Đoàn Nguyên Đức, qua tận bên Lào trồng mía mà lỗ sấp mặt. Có mà mơ!
Ở nông thôn, nếu chẳng được xếp vào nhóm “có tiền” thì cũng vào hàng khó mà đói khổ, ấy là các thành phần:: thầy giáo, thầy lang, thầy địa, coi bói, buôn bò, bán cám lợn, phối tinh heo… vân vân. Và hưu trí, như tôi. À, quên, cán bộ xã nữa.
Tôi là người ở nông thôn, có vườn, có ruộng, không làm nông thì làm gì? Chả nhẽ hết ngày này qua ngày kia đánh cờ, uống rượu, xách máy ảnh đi rông. Làm thơ bì bõm, đì đẹt chẳng ra cái thá gì. Viết báo con cháu giành nghề rồi. Nghiên cứu là “chuyện đêm khuya”, lại hay rách việc. Thôi thì làm vườn cho sắp nhỏ có búng rau sạch trong bữa ăn. Nhiều hơn một chút, mang cho bà con, bạn bè. Kiếm cây hoa trồng ngoài sân, sáng ra ngắm con bướm là đà, cũng thích. Chiều xuống ra sân tưới cây với cháu. Tưới xong, tắm luôn một phát rồi vào ăn cơm, thấy mát mẻ, nhẹ nhàng.
Nhưng các ông, các bà đừng tưởng làm nông là thứ dễ. Sinh thời, ba tôi bảo; “Làm nông là nghề ai cũng làm được, nhưng không phải ai cũng trở thành người làm nông giỏi”. Thời bây giờ, điều ấy lại càng đúng. Người làm nông dẫu có siêng năng, giàu kinh nghiệm đến mấy mà thiếu tri thức về khí hậu, sinh vật, thổ nhưỡng, vật nuôi, cây trồng, giống, thị trường, tập quán người tiêu dùng… thì làm sao gọi là biết làm nông. Ông bạn học cùng lớp thời tiểu học, ở cùng làng, đến nhà thăm chơi, thấy tôi đang ươm mướp, nhắc nhở: Mướp lên chừng 1 mét, ông cuộn vùi xuống đất lần nữa rồi mới cho bò lên giàn đó. Tôi giả vờ hỏi: - Chi vậy ông? - Ông đúng là dân bàn giấy. Cuộn xuống để tăng bộ rễ với lại tiết kiệm diện tích giàn. Đến đây thì tôi bật cười ha hả, mà rằng: Lạc hậu lắm ông ơi. Mướp này bò lên chừng 1 mét là ra hoa, ra nụ. Bò lên thân bắp, thân ớt đã thu hoạch. Tôi trồng, chỉ chọn mỗi dây 1 trái. Nghe đến đây, ông bạn tôi mắt chữ O mồm chữ A, nhìn trông quá ư hài hước.
Ngày trước, dẫu đã là người ra phố làm công ăn lương, tôi vẫn là một trong những người sạ lúa giỏi nhất xóm An Khánh, trồng bí đỏ (bí ngô), bí đao, đu đủ nhiều trái cả xóm Mỹ Yên ai cũng mê. Khi đã về hưu, trở lại với nghiệp ruộng đồng, nhờ sự trợ giúp của ông em nhiều giống lai Lương Văn Minh Đạo, tôi trở thành một trong số rất ít người (có khi duy nhất chứ chẳng chơi!) đã gieo các giống lúa ST24, ST25 (thơm ngon nổi tiếng thế giới) đầu tiên ở Quảng Ngãi , năng suất không thua một giống lúa nào. Ai muốn ăn thử để biết giống này ngon cơm ra sao, xin mời đến nhà tôi. Nhà lại có sẵn cá bống kho tiêu. Rau muống bón bánh dầu cũng có. Rượu nữa. Ngon và đậm.
Tôi viết mấy dòng này khi vừa ngoài đồng. Hôm qua, dọn ruộng khi chiều xuống, sạ lúa khi trời chập choạng. Sáng nay ra đồng xem lại. Seo phì mấy phát để cúng phây. Rửa ráy chân tay mặt mũi, vào nhà mẹ thắp hương cho bố đẻ, tưới cây. Qua nhà vợ thắp hương cho bố vợ, mẹ vợ, cô vợ. Rồi về.
Thôi vậy. Cố gắng thêm vài nhiệm kỳ sống nữa cho lẫy lừng. Cuộc đời này dzui dzẻ lắm!
Xóm Mỹ Yên, ngày cuối tháng năm, năm hai mốt
Tham khảo báo Lao động: Kỳ tích gạo Việt
“Chỉ sau 14 năm, Việt Nam đã khiến cho thế giới kinh ngạc và nể phục khi từ quốc gia thiếu đói vươn lên trở thành một trong những cường quốc xuất khẩu gạo. Đặc biệt những năm gần đây, gạo Việt liên tục có mặt top đầu tại cuộc thi gạo ngon nhất thế giới. Đó là kỳ tích do Việt Nam tạo nên”.
“TS Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) - cho biết: Sản lượng XK gạo 11 tháng năm 2020 đạt 5,4 triệu tấn, giá trị đạt khoảng 2,85 tỉ USD. Trong chủng loại gạo XK của Việt Nam trong thời gian vừa qua giá trị XK gạo trắng chiếm khoảng 40,3% tổng kim ngạch XK gạo, gạo Jasmin và gạo thơm chiếm khoảng 37%, gạo nếp chiếm khoảng 17,6% còn lại là gạo Japonica và gạo giống Nhật chiếm khoảng gần 4,5%”.
“Nhà nông và DN sản xuất đã tập trung sâu vào chất lượng chứ không còn chạy theo số lượng; ngay vụ Đông Xuân 2020-2021 này, tại các cánh đồng lớn liên kết của Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đang xuống giống, Công ty đã loại hẳn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) bằng hóa chất ra khỏi đồng ruộng trên diện rộng, được nông dân, ngành NN, chính quyền các địa phương và người tiêu dùng ủng hộ và đồng hành”.
Nông dân Việt Nam là lực lượng chủ yếu góp phần làm nên kỳ tích đó!
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/tan-man-nha-nong-a3231.html