Tản mạn về 'đầu cơ nghiệp'
Năm Tân Sửu đã đến, nhà nhà nô nức chuẩn bị đón xuân sang. Theo cách tính của lịch âm, Tân Sửu bắt nguồn từ Thiên can Tân; còn Sửu bắt nguồn từ Ðịa chi Sửu.
Theo vòng quay của 12 con giáp, năm Tân Sửu “cầm tinh”, nói cách khác là năm “trị vì” của con trâu, chữ hán là ngưu. Thực chất, ngưu là từ chỉ chung cho cả trâu và bò. Trâu còn có tên thủy ngưu.
Từ lâu, hình ảnh con trâu đã được đưa vào ca dao, tục ngữ, cũng như đã được đưa vào các sự kiện hàng ngày của cuộc sống. Trước đây, nước ta là một nước thuần nông, lấy việc trồng lúa nước làm chính nên con trâu rất gắn bó với người nông dân “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Người đàn ông thường có mong ước lớn nhất trong đời là làm được 3 việc, “làm nhà, cưới vợ, tậu trâu”.
Trâu được coi như người bạn: “Trâu ơi, ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng, trâu cày với ta/ Cấy cày vốn nghiệp nông gia/ Ta đây, trâu đấy, ai mà quản công”. Hay “Trên đồng cạn dưới đồng sâu/ Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa”.
Trâu là gắn bó thân thiết: “Lao xao gà gáy rạng ngày/ Vai vác cái cày, tay dắt con trâu/ Bước chân xuống cánh đồng sâu/ Mắt nhắm, mắt mở, đuổi trâu ra cày”.
Người ta cũng tổng kết được những kinh nghiệm của nhà nông: Trâu ra, mạ vào. Việc chăm sóc con trâu cũng không hề dễ dàng: “Một con tằm cũng phải hái dâu/ Một con trâu cũng phải đứng đồng”.
Để chống lại tư tưởng phong kiến trọng nam khinh nữ, người ta đã đề cao giá trị của người con gái “Ruộng sâu, trâu nái, không bằng con gái đầu lòng”. Nghĩa là ruộng sâu, trâu nái đã quý, song cũng không quý bằng sinh con gái đầu lòng. Để an ủi những chàng trai, cô gái đến tuổi cặp kê, hãy yên tâm lấy vợ, gả chồng nơi quê cha, đất tổ, người ta khuyên: “Trâu ta ăn cỏ đồng ta/ Tuy rằng cỏ cụt, nhưng mà cỏ thơm”.
Người ta thường so sánh sức vóc, khỏe mạnh của một người, như “khỏe như trâu”. Và cũng không hài lòng với những chàng trai, vụng về, lười nhác “Đi cày trâu húc, đi xúc phải cọc, đi học thầy đánh, đi gánh đau vai, nằm dài nhịn đói”.
Người ta cũng khéo động viên những người vợ trẻ, mà trí thông minh có hạn: “Vợ dại thì đẻ con khôn”, “Trâu chậm lắm thịt, rựa cùn chịu băm”. Đôi khi an ủi: “Thứ nhất vợ dại trong nhà/ Thứ nhì trâu chậm, thứ ba rựa cùn”.
Hình ảnh của con trâu, bò còn được mượn để nói lên nỗi cô đơn buồn tủi của người vợ có chồng đi lính: “Sáng trời chàng mới tập binh/ Em ngồi vò võ, một mình em lo/ Ruộng nương không ai cày cho / Trâu, bò hèn mọn, em lo đường nào”.
Người ta khuyên mọi việc nên sốt sắng, mới thu được kết quả nhanh chóng, nếu không “trâu chậm, uống nước đục”. Trong cuộc sống nên làm những việc thiện, để tinh thần thanh thản: “Ăn cơm thịt bò thì lo ngay ngáy/ Ăn cơm nước cáy thì gáy cả đêm”. Người ta lên án những người làm ăn lòng vòng, luẩn quẩn: “Ngựa ô chẳng cưỡi, cưỡi bò” hay “Đường ngay không chạy, chạy dò đường quanh”.
Người ta coi nhẹ những người ít hiểu biết “Đàn gẩy tai trâu”. Lên án thói đố kỵ trong cuộc sống “Trâu buộc ghét trâu ăn”. Người ta cũng rất ngại, khi “trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết”. Người ta dùng hình ảnh ví von giữa con người và trâu, bò: “Trâu bò được ngày phá đỗ, con cháu được ngày giỗ ông”. Song người ta cũng so sánh giữa sức lực giữa trâu và bò “Trâu 5, 6 tuổi còn nhanh/ Bò 5, 6 tuổi đã tranh về già” hay “Trâu gầy cũng tầy bò giống” và “Yếu trâu cũng bằng bò khỏe”.
Trong cuộc sống, người ta đã tích lũy được những kinh nghiệm để chọn lọc tự nhiên những con trâu, bò tốt: “Lang đuôi thì bán, lang trán thì cày” hay “Trâu hoa tai, bò gai sừng”; “Tháng tư đi tậu trâu bò/ Để ta sắm sửa làm mùa tháng năm”.
Con trâu cũng có mặt trong những câu ca dao: “Dù ai đi đâu về đâu/ Mồng mười tháng tám, chọi trâu thì về!” hay “Dù ai buôn bán trăm nghề/ Mồng 10 tháng 8 thì về chọi trâu”. Thiết nghĩ, lễ hội Chọi trâu cũng là một hoạt động rất sống động. Vừa mang ý nghĩa động viên tinh thần lại có ý nghĩa về mặt thể chất. Chọn được những con trâu khỏe mạnh, sức vóc, được chăm sóc cẩn thận trong cả một năm, để đến ngày lễ hội cho nghinh chiến. Nhưng có điều rất bất công, là những con trâu chiến thắng, là những con trâu có sức vóc nhất, có nhiều ưu điểm nhất, lại bị giết sau khi xung trận. Do đó, hãy để những con trâu chiến thắng, được hưởng một diễm phúc, được sống và để làm giống, vì nó đã được tuyển chọn tự nhiên tốt nhất.
Con trâu còn cung cấp cho chúng ta nhiều vị thuốc quý giá: sỏi mật của trâu (bò) cho vị thuốc ngưu hoàng. Thực chất là những mảnh sạn nhỏ có màu hơi vàng, có chứa acid mật, cholesterol, ngưu hoàng tố, nhiều loại acid amin, các khoáng chất Ca, Mg, Fe, Cu, P... Ngưu hoàng có tác dụng chống co giật, tác dụng giảm đau và hạ sốt rất tốt; với hệ thống tuần hoàn có tác dụng hạ áp; tác dụng bảo vệ gan; tác dụng hưng phấn cơ trơn; tác dụng chống thiếu máu; tác dụng chống ho, bình suyễn; ức chế nhiều loại vi trùng: tụ cầu vàng, trực khuẩn ho gà...
Ngưu hoàng có trong thành phần nhiều phương thuốc quý có giá trị, cụ thể như:
Ngưu hoàng thượng thanh hoàn, gồm: ngưu hoàng 1g; hoàng liên, hoàng cầm, chi tử đều 9g; uất kim 6g; chu sa 4,5g. Tác dụng thanh tâm tả hỏa, an thần khai khiếu. Dùng trị ôn tà nội hãm, nhiệt nhập tâm bào, khiến trẻ bị kinh phong co giật, hai hàm răng cắn chặt, mê sảng.
Ngưu hoàng thanh tâm hoàn, gồm: ngưu hoàng, linh dương giác, xạ hương, chu sa. Tác dụng thanh tâm hóa đàm, trấn kinh, khứ phong. Dùng khi thần chí hỗn loạn, ngôn ngữ rối loạn, nhiều đờm dãi, đau đầu, hoa mắt.
Ngoài ngưu hoàng ra, sừng trâu còn gọi thủy ngưu giác, cũng có tác dụng hạ sốt, chống co giật.
Xương trâu, bò được nấu cao riêng rẽ hay phối hợp với một số xương động vật khác như xương chó, mèo, lợn... để trị đau xương cốt, thiếu máu.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tan-man-ve-dau-co-nghiep-n185866.html