Tản mạn về thơ Ninh Bình nhân Ngày thơ Việt Nam
Ninh Bình là vùng đất của di sản. Nơi đây không chỉ có hệ thống các di tích có giá trị cao về lịch sử, mỹ thuật, kiến trúc… mà còn có các di sản văn hóa phi vật thể quý giá. Một trong những di sản đó chính là thơ.
![Giao lưu nhân Ngày thơ Việt Nam tại thành phố Tam Điệp.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_442_51451609/597a1730227ecb20926f.jpg)
Giao lưu nhân Ngày thơ Việt Nam tại thành phố Tam Điệp.
Với cảnh sắc “sơn thanh thủy tú”. Ninh Bình chính là vùng đất thu hút nhiều danh nhân, thi sĩ, tao nhân, mặc khách tới du ngoạn, thưởng lãm và họ đã để lại nhiều áng thơ bất hủ ghi lại những xúc cảm về mảnh đất này như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương…
Ngày nay bút tích của một số thi nhân còn được lưu lại trên núi Non Nước tạo nên “ngọn núi thơ” độc đáo có một không hai của Việt Nam. Núi Non Nước được mệnh danh là “bảo tàng thơ” độc đáo giữa thiên nhiên, làm nên vẻ đẹp khác biệt, riêng có của Ninh Bình.
Ninh Bình là vùng đất "địa linh, nhân kiệt" với nhiều nhà khoa bảng nổi tiếng, nơi đây cũng là “vùng đất của thi thư”. Nhiều nhà trí thức Nho học với sở học uyên thâm, tấm lòng thiết tha với dân với nước, tâm sự đau đáu với thế cuộc, nhân tình đã gửi tâm sự ấy vào thơ. Ngày nay trong di sản văn hóa Ninh Bình còn lưu giữ được nhiều sáng tạo thi ca rất có giá trị của các tác giả như: Vũ Duy Thanh, Vũ Phạm Khải, Ninh Tốn, Nguyễn Tử Mẫn…
Nối tiếp mạch nguồn thi ca ấy, các nhà thơ Ninh Bình thời hiện đại cũng tích cực sáng tác, viết nên nhiều tác phẩm thơ có giá trị. Nhiều tác giả đã tìm được chỗ đứng trong lòng người yêu thơ.
Hiện tại, Ninh Bình có một đội ngũ đông đảo các nhà thơ, quy tụ dưới mái nhà chung Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Sáng tác của các hội viên đang ngày ngày đắp bồi, làm giàu có thêm kho tàng thi ca của tỉnh. Nhiều tác giả đã trở nên quen thuộc với bạn đọc và được yếu mến như: Lâm Xuân Vi, Bình Nguyên, Lê Thi Hữu, Mai Văn Phấn, Đinh Ngọc Lâm, Đinh Hữu Niên, Võ Ngột, Trần Quang Hiển, Nhuệ Giang, Trần Anh Thuận, Thanh Thản, Trần Duy Đới, Vũ Đức Thanh, Trương Minh Phố, Mạc Khải Tuân, Bùi Thị Nhài, Nguyễn Thị Bình, Tâm An, Đặng Diệu Thoa, Hoàn Nguyễn, Phạm Nga, Trần Xuân Trường…
Các nhà thơ Ninh Bình không chỉ sáng tác để thỏa mãn cái tôi cá nhân, thể hiện cá tính sáng tạo mà với sự “ưu thời mẫn thế” vốn có, thơ của họ đã đề cập tới nhiều vấn đề xã hội, thể hiện ý thức công dân, trách nhiệm xã hội của nhà thơ trước thời cuộc.
Thơ cùng với văn xuôi, nhiếp ảnh, mỹ thuật, sân khấu… làm nên sự đa dạng trong diện mạo văn nghệ Ninh Bình, chứng tỏ sự giàu có trong đời sống văn hóa tinh thần của vùng đất này.
![Biểu diễn văn nghệ trong Ngày thơ Việt Nam tại Trường THPT Yên Mô A.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_442_51451609/b747fd0dc843211d7852.jpg)
Biểu diễn văn nghệ trong Ngày thơ Việt Nam tại Trường THPT Yên Mô A.
Muốn hiểu về văn hóa một địa phương, người ta thường nhìn vào lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật, di tích, di sản, lễ hội, ẩm thực… nhưng muốn cảm nhận chiều sâu tâm hồn của con người nơi ấy, người ta thường tìm ở thơ. Bởi chỉ có thơ với đặc tính nghệ thuật của mình mới hàm tải trọn vẹn bề sâu tâm hồn con người của một vùng đất.
Thơ Ninh Bình cũng vậy, từ trong quá khứ tới hiện tại luôn luôn thể hiện cốt cách, tinh thần của người Ninh Bình. Di sản thơ trong quá khứ cũng như những sáng tạo thời hiện đại không chỉ đóng vai trò là minh chứng cho sự sáng tạo mà còn biểu hiện của sự thấu cảm, là “kênh” kết nối, giao lưu tinh thần, đưa văn học, văn hóa Ninh Bình đến gần hơn với bè bạn, ở phương diện này, các nhà thơ Ninh Bình ở một góc độ nào đó cũng chính là một “sứ giả văn hóa”.
Bên cạnh đội ngũ nhà thơ là các hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, Ninh Bình hiện tại có phong trào thơ ca quần chúng phát triển mạnh. Ông Trần Quốc Vương, Chủ tịch Câu lạc bộ thơ Việt Nam tỉnh Ninh Bình cho biết: Câu lạc bộ thơ Việt Nam tỉnh Ninh Bình hiện có gần 400 hội viên sinh hoạt ở 7 chi hội thuộc các huyện, thành phố trong tỉnh. Các câu lạc bộ là nơi tập hợp những người yêu thích thơ ca, sinh hoạt khá nền nếp. Từ sân chơi này, nhiều sáng tác thơ có giá trị đã ra đời, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của các hội viên.
Tuy chỉ là một câu lạc bộ thơ quần chúng nhưng qua thời gian Câu lạc bộ thơ Việt Nam tỉnh Ninh Bình không ngừng phát triển lớn mạnh. Chính những người yêu thơ trong câu lạc bộ này đã tổ chức thành công chương trình “Liên hoan trình diễn thơ toàn quốc lần thứ VI”.Liên hoan thu hút 35 đoàn đến từ 27 tỉnh, thành phố trong cả nước, đã biểu diễn hơn 30 tiết mục, được xây dựng trên cơ sở các tác phẩm thơ với nhiều thể loại, do hội viên Câu lạc bộ thơ Việt Nam sáng tác. Hoạt động này cũng cũng chính là cách tôn vinh thơ, tôn vinh người sáng tác thơ, thể hiện tình yêu lớn đối với thơ của người Ninh Bình.
Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều trại sáng tác, nhiều sinh hoạt văn nghệ lại chọn điểm đến là Ninh Bình. Cũng không phải ngẫu nhiên mà chương trình Hội quán Dục Thúy Sơn trong khuôn khổ Festilval Ninh Bình lần thứ III được mệnh danh là một "thi đường", một “yến tiệc" của thi ca. Với chương trình này, di sản thơ Ninh Bình trong quá khứ được “tái sinh” theo cách giàu có, sang trọng.
Thơ không chỉ là thơ mà còn là minh chứng cho năng lực sáng tạo, là kết tinh các giá trị văn hóa. Tôn vinh thơ cũng chính là thể hiện sự trân quý các giá trị văn hóa.
Ngày nay Ninh Bình đang hướng mạnh đến việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản. Thơ với tư cách là một loại hình di sản cũng rất cần được bảo tồn, phát huy hết những giá trị to lớn của thơ trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân.