Tận mắt bắt 'ma men' trên đường miền núi xứ Nghệ

Lực lượng CSGT các huyện phía Tây Nghệ An đã tăng cường TTKS, xử lý vi phạm nồng độ cồn ở khu vực này.

CSGT Đội TTKS 1.7, Phòng CSGT Nghệ An kiểm tra xử lý người điều khiển giao thông vi phạm nồng độ cồn trên QL7

CSGT Đội TTKS 1.7, Phòng CSGT Nghệ An kiểm tra xử lý người điều khiển giao thông vi phạm nồng độ cồn trên QL7

Để ngăn chặn TNGT ở khu vực các huyện phía Tây Nghệ An thường gia tăng vào dịp lễ hội Xuân do thói quen đã uống rượu, bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện giao thông của đồng bào miền núi, lực lượng CSGT đã tăng cường TTKS, xử lý vi phạm nồng độ cồn ở khu vực này.

Linh hoạt nhiều giải pháp

13h ngày 7/3, PV Báo Giao thông theo chân Tổ TTKS của Phòng CSGT, Công an tỉnh Nghệ An đi bắt “ma men” tại vị trí Km23 QL7 đoạn xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành. Thiếu tá Nguyễn Hồng Thuận, Phó đội trưởng Đội TTKS giao thông 1.7 cho hay, khoảng một tiếng vào đầu giờ trưa và đầu buổi tối là “khung giờ cao điểm người điều khiển xe uống rượu, bia”.

Vị trí Km23 QL7 là đoạn đường đồi dốc nhưng mật độ phương tiện lưu thông khá đông đúc. Trong một giờ, Tổ TTKS dừng hơn 20 phương tiện, đo nồng độ cồn tài xế chỉ phát hiện duy nhất 1 trường hợp vi phạm mức 0,686 mg/lít khí thở (vượt 274% mức cho phép).

"Việc lực lượng công an tăng cường TTKS, xử lý vi phạm nồng độ cồn ở khu vực miền núi đã góp phần đảm bảo TTATGT và kéo giảm TNGT trên địa bàn. Hai tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 48 vụ TNGT làm chết 36 người, bị thương 31 người, so với cùng kỳ năm trước, giảm 13% số vụ, 5% số người chết, 14% số người bị thương”.

Ông Võ Minh Đức
Chánh văn phòng
Ban ATGT tỉnh Nghệ An

Anh Nguyễn Anh Tuấn, điều khiển xe máy BKS 37S1-006.35 vi phạm nồng độ cồn cho biết: “Bình thường tôi không dám uống rượu rồi chạy xe, đường này ngày nào cũng có CSGT đo nồng độ cồn. Bữa nay lên Đô Lương thăm thày, thày trò lâu ngày không gặp vui quá có uống 5 chén rượu nhỏ thôi. Thấy vẫn còn tỉnh táo nên mới đánh liều lái xe về”.

Thấy lỗi này bị tạm giữ phương tiện 5 ngày, anh Tuấn nhất mực xin Tổ TTKS cho ngồi tại chỗ nghỉ, chờ đến khi máy đo không phát hiện nồng độ cồn thì lái xe về. Tuy nhiên, Tổ TTKS giải thích đây là quy định bắt buộc nhằm ngăn chặn các nguy cơ TNGT và tạo tính răn đe cho người tham gia giao thông.

“Ở các huyện miền núi, việc xử lý nồng độ cồn gặp rất nhiều khó khăn. Đa phần người dân thiếu hiểu biết pháp luật, lại thêm hơi men nên khi vi phạm bị xử lý thường tỏ ra nóng nảy, tìm nhiều cách để chống đối. Người làm nhiệm vụ phải kiên nhẫn, nhẹ nhàng thuyết phục người vi phạm hiểu, chấp hành”, Thiếu tá Thuận nói.

Thiếu tá Thuận cho biết, thời gian gần đây, do lực lượng chức năng đo nồng độ cồn liên tục, xử nghiêm nên số người vi phạm giảm mạnh, có khi làm liên tiếp mấy ngày cũng chỉ có 1 - 2 trường hợp vi phạm.

Tại thị trấn vùng cao Đô Lương, lực lượng CSGT tiến hành tuần tra lưu động kết hợp đo nồng độ cồn. Lực lượng CSGT huyện sử dụng xe mô tô tuần tra lưu động trên tất cả các tuyến đường trong thị trấn, những trường hợp vi phạm sẽ được đưa về trụ sở để xử lý và kiểm tra nồng độ cồn. Cách làm này vừa tăng tính răn đe, vừa hạn chế được các hành vi tránh né của người vi phạm khi thấy có sự xuất hiện của lực lượng CSGT.

Thiếu tá Hồ Minh Tuấn, Đội trưởng Đội CSGT, Công an huyện Đô Lương cho biết, 2 tháng đầu năm đã tổ chức 100 ca TTKS, huy động hơn 300 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia. Qua đó, phát hiện lập biên bản xử lý 469 trường hợp vi phạm, trong đó có 31 trường hợp vi phạm nồng độ cồn cho phép.

Nắm tập tục để “bắt” trúng

Tại đường Hồ Chí Minh, một trong những trục giao thông “huyết mạch” ở phía Tây tỉnh Nghệ An, vi phạm nồng độ cồn là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT, do đó công tác kiểm tra xử lý vi phạm nồng độ cồn được tiến hành thường xuyên, liên tục.

Hai tháng đầu năm, lực lượng CSGT ở Nghệ An đã kiểm tra, phát hiện xử lý 4.577 trường hợp vi phạm, tổng tiền phạt dự kiến 5,5 tỷ đồng, trong đó lỗi vi phạm nồng độ cồn là 531 trường hợp, chiếm 11,6% tổng số trường hợp vi phạm.

Thiếu tá Nguyễn Xuân Vinh, Phó đội trưởng Đội CSGT số 3 cho biết, để xử lý hiệu quả vi phạm nồng độ cồn, ngoài việc bố trí lực lượng tăng cường kiểm tra vi phạm trong các khung giờ cao điểm (từ 13h - 14h và 18h - 19h) hàng ngày, lực lượng CSGT ở đây còn phải nắm quy luật, phong tục tập quán của người dân địa phương để ngăn chặn vi phạm.

“Tuyến đường dài, dân cư chủ yếu là người đồng bào dân tộc Thái sống phân tán dọc theo tuyến đường, người dân thường có thói quen uống rượu khi ăn cơm, khi trong bản có ma chay, hiếu, hỉ… sau đó điều khiển phương tiện. Vì vậy, khi thực hiện tuần tra, chúng tôi phải nắm vững địa bàn, hiểu phong tục của người dân để có biện pháp ngăn chặn từ xa. Chúng tôi thường đưa Tổ TTKS về khu vực đông dân cư để kiểm tra, xử lý người vi phạm, thường xuyên phối hợp với Ban ATGT các huyện, công an các xã để tuyên truyền cho người dân về tác hại của rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông...”, Thiếu tá Vinh nói.

Văn Thanh

Nguồn Giao Thông: http://www.atgt.vn/tan-mat-bat-ma-men-tren-duong-mien-nui-xu-nghe-d141966.html