Tận mắt xem đường kim mũi chỉ của nghệ nhân ngôi làng thêu long bào cho vua chúa
Đông Cứu từng là làng duy nhất ở miền Bắc chuyên thêu long bào cho vua chúa, áo mũ cho quan lại và nổi tiếng với trang phục tín ngưỡng khăn chầu áo ngự.
Từ long bào tới khăn chầu áo ngự
Nằm trong chuỗi hoạt động “Đối thoại với truyền thống” do câu lạc bộ Kết nối di sản - Hội đồng Anh tổ chức, mới đây công chúng được tận mắt thấy từng đường thêu mũi chỉ do chính những nghệ nhân làng Đông Cứu, xã Dũng Tiến (Thường Tín - Hà Nội) thực hiện trên long bào và trang phục hầu đồng khăn chầu áo ngự trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.
Theo thời gian ghi trên bản sắc phong mà làng Đông Cứu vẫn gìn giữ được, làng thêu hình thành từ thời vua Lê Cảnh Hưng (1746). Thần tích của làng và bản sắc phong các triều đại cũng cho thấy làng thờ tổ nghề Lê Công Hành - nhà khoa bảng thời vua Lê Thần Tông (1637).
Theo thần tích, khi Tiến sĩ Lê Công Hành đi sứ Trung Hoa, ông có học được kỹ thuật thêu của người phương Bắc nên khi về nước đã truyền dạy cho dân, trong đó có làng Đông Cứu.
Thế nhưng, ít ai biết nghề thêu làng Đông Cứu có nguồn gốc bắt đầu từ nghề bắt nét kim tuyến, thợ thêu ở đây từng được các vua nhà Nguyễn mời vào kinh đô Huế lập thành một đội chuyên thêu các trang phục hoàng cung. Nghệ nhân Nguyễn Thế Nhận cho biết, công cụ của các thợ nghề không quá cầu kỳ, nhưng công sức và sự kỳ công thì vô cùng lớn.
“Việc thêu trang phục cung đình đòi hỏi những người thợ tỉ mỉ, tập trung và khéo léo. Với những quy tắc khắt khe, mang tính chuẩn mực trong quá trình thêu long bào thì có những bộ trang phục phải mất hàng năm trời để hoàn thành.
Điều này đã được kiểm nghiệm khi nghệ nhân Vũ Văn Giỏi cùng tám thợ làng nghề Đông Cứu mất khoảng hơn 1 năm để hoàn thành phục dựng lại bộ long bào của vua Bảo Đại”, nghệ nhân Nguyễn Thế Nhận cho hay.
Trải qua hàng trăm năm, qua nhiều đời vua, Đông Cứu là làng duy nhất ở miền Bắc chuyên thêu long bào cho vua chúa, áo mũ cho quan lại. Tuy nhiên, đến đầu thế kỷ 20, nghề thêu mới tiến thêm một bước do có nguyên vật liệu nhập ngoại như các loại chỉ và màu công nghiệp của phương Tây.
Đối mặt với thời cuộc, làng nghề đã có những thay đổi để tiếp tục tồn tại và gìn giữ nghề gia truyền. Hoàng bào, mấn, mão hay lọng giờ đây được chế tác để phục vụ cho việc bảo tồn di sản, nghi thức thờ cúng và làm phim, các sản phẩm thêu nhằm phục vụ lễ hội, đặc biệt là trang phục hầu đồng.
Nghề thêu Đông Cứu có nhiều kỹ thuật đặc trưng, dễ phân biệt với các địa phương khác như vừa thêu vừa phải nhồi đặc chỉ, vừa thêu xoắn lại vừa phải bắt nét quanh kim tuyến sao cho mềm mại.
Các kỹ thuật này kết hợp nhịp nhàng với nhau tạo thành hoa văn tinh xảo mà chỉ có những người có tay nghề, trình độ cao trong làng mới thực hiện được. Toàn bộ quá trình thêu đều được thực hiện hoàn toàn bằng tay, chủ yếu phục vụ mục đích trưng bày tại các bảo tàng, lễ hội, tín ngưỡng dân gian, góp phần lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Khôi phục nhiều mẫu thêu cổ xưa
Theo nghệ nhân Nguyễn Thế Nhận, thiết kế mẫu cho một bộ trang phục của các vị thánh hay thánh mẫu là công đoạn đầu tiên trước khi bước vào những công đoạn phức tạp sau đó, muốn cho ra những bộ trang phục đúng tín ngưỡng, quy chuẩn dân gian thì cũng phải am hiểu lịch sử và tín ngưỡng của hầu thánh.
Sau khi việc vẽ mẫu được hoàn thiện, người thợ thêu tiến hành in mẫu lên tấm vải một cách chi tiết theo quy tắc của ông cha để lại. Tấm vải sau khi in mẫu sẽ chuyển đến tay thợ thêu trang trí tạo ra hình dáng, thần thái linh vật.
Sau khi hoàn thiện vẽ mẫu, thợ thêu tiến hành in mẫu lên tấm vải. Trong quá trình in họa tiết, người thợ vẫn phải vận dụng sự sáng tạo của mình để các hình khối được phối hợp hài hòa.
Những người nghệ nhân của làng Đông Cứu cũng được ví như những người nghệ sĩ. Bởi lẽ khi thêu những bộ trang phục đúng tín ngưỡng, quy chuẩn dân gian thì bản thân người thêu phải am hiểu lịch sử và tín ngưỡng của hầu thánh.
Những nghệ nhân làng Đông Cứu không trải qua lớp học hay trường đào tạo nào, họ chỉ học qua phương thức truyền miệng nhưng sản phẩm được tạo nên vẫn luôn đảm bảo vẻ đẹp thuần khiết.
Trong khi nhiều mẫu thêu cổ xưa vốn đã rất quen thuộc trong các lễ hội truyền thống đã bị thất truyền, thì nay nghệ nhân Đông Cứu đã tìm tòi và khôi phục lại. Từ đó, hầu hết các địa phương đều tìm về Đông Cứu mong có những mẫu phục đẹp mắt nhưng trang nghiêm nhã nhặn.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất với nghề thêu Đông Cứu chính là đầu ra cho sản phẩm. Mặt hàng mẫu áo của các vị vua chúa, hoàng gia rất kén khách và chỉ lưu hành trong một bộ phận rất nhỏ như đoàn làm phim, sân khấu.
Có những bộ sản phẩm ở Đông Cứu có giá lên tới 500 triệu đồng, lại có những sản phẩm đặc biệt thêu chỉ vàng và trang trí bằng ngọc có giá lên tới cả tỷ đồng.
Tuy nhiên không phải giá cao mà thu nhập của nghệ nhân Đông Cứu tăng, sản phẩm giá cao vì đòi hỏi nguyên liệu quý và số ngày công nhiều. Theo thống kê, thu nhập bình quân của người thợ chỉ dao động từ 150 - 300 nghìn đồng/ngày.
Giá cao thường khó bán hàng nên để sống được với nghề thêu, bên cạnh những người duy trì cách làm truyền thống thủ công, tỉ mỉ, kĩ lưỡng thì ở làng Đông Cứu cũng xuất hiện xu hướng làm hàng rối, hàng nhái giá rẻ để phục vụ nhu cầu đám đông. Đó cũng là mối lo trong việc giữ gìn danh tiếng của làng nghề trong sứ mệnh bảo tồn và nối dài sợi chỉ di sản.
Tại Talk show “Đối thoại với truyền thống” tại làng nghề Đông Cứu, giới chuyên gia và nghệ nhân cho rằng, để bảo tồn giá trị truyền thống thì phải hiểu truyền thống là gì - là mẫu mã, đường nét, màu sắc hay một điều gì khác? Giữ truyền thống nhưng làm sao phải giữ được khách hàng, bởi thị trường là yếu tố quan trọng nhất giữ cho truyền thống tồn tại.
Hơn nữa trong thực tế không có quy chuẩn nào là đúng, nên việc giữ lại chi tiết đặc trưng - chỉ nhìn qua là nhận ra nét riêng mới là điều cơ bản để bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - nghề thêu Đông Cứu.