Cùng với Mã Pí Lèng (tỉnh Hà Giang), Khau Phạ (tỉnh Yên Bái), Pha Đin (nằm giữa tỉnh Sơn La và Điện Biên), cung đèo Ô Quy Hồ là một trong 4 cung đường đèo dài, hiểm trở và hùng vĩ ở khu vực Tây Bắc.
Đèo Ô Quy Hồ nằm cạnh quốc lộ 4D, nay thuộc phường Ô Quy Hồ, thị xã Sa Pa. Ngoài ra, tên đèo Ô Quy Hồ còn được gọi là đèo Hoàng Liên, đèo Hoàng Liên Sơn, đèo mây do đèo vượt qua dãy núi Hoàng Liên Sơn và trên đỉnh đèo quanh năm mây phủ.
Đèo Ô Quy Hồ có cung đường đèo dài ngoằn ngoèo, trong đó khoảng 2/3 quãng đường thuộc địa phận H. Tam Đường, Lai Châu; 1/3 còn lại nằm ở phía Sa Pa, Lào Cai.
Đèo Ô Quy Hồ là một con đèo giữ kỷ lục về độ dài tại vùng núi Tây Bắc Việt Nam, với chiều dài lên tới gần 50 km dài hơn cả đèo Pha Đin (dài 32 km, nằm ở ranh giới tỉnh Sơn La và Điện Biên) hay đèo Khau Phạ (gần 40 km, thuộc Yên Bái).
Trước kia người ta ít dám qua lại đèo do hiểm trở, đường đi dài lại mang nhiều câu chuyện truyền miệng ly kỳ. Trong đó có chuyện về những con hổ thần rình bắt người qua lại.
Hiện tuyến đường được nâng cấp nhiều, tuy nhiên, với một bên là vực sâu hun hút và phía còn lại vách đá dựng đứng, đèo Ô Quy Hồ là một thử thách đối với các tài xế đường dài. Những tấm biển chỉ báo nguy hiểm được dựng lên khắp nơi. Đã có nhiều tai nạn thảm khốc xảy ra trên cung đường này.
Cùng với sự ngập nghềnh, hiểm trở, đèo Ô Quy Hồ còn nổi tiếng với vẻ đẹp “bồng lai tiên cảnh”. Ở độ cao 2.073m của đỉnh đèo, Ô Quy Hồ chìm trong biển mây bồng bềnh như cõi thần tiên.
Đằng sau vẻ đẹp tự nhiên, đèo Ô Quy Hồ còn nổi tiếng với câu chuyện tình buồn giữa chàng Ô Quy Hồ - con trai Thần Núi và nàng tiên thứ bảy - con gái Ngọc Hoàng.
Tình yêu không thành, nàng tiên vì thương nhớ người yêu mà lâm bệnh và qua đời. Nàng mất, hóa thành chim phượng hoàng chiều chiều đều bay qua đỉnh đèo cất tiếng gọi da diết: Ô Quy Hồ!... Vì vậy người dân đặt tên cho đỉnh đèo là đèo Ô Quy Hồ và dòng thác cách đèo khoảng 3 km là thác tình yêu.
Hàng ngàn năm qua đi, nhưng câu chuyện một tình yêu dang dở vẫn tỏa một màu trầm mặc lên đèo Ô Quy Hồ mỗi buổi chiều tà. Đôi lúc đi qua đèo, người ta nhìn thấy hiện tượng hết sức kỳ lạ. Bên này đèo phía Lào Cai còn đang nắng ấm, mà bên kia đỉnh đèo phía Lai Châu đã chìm vào bóng mây đen sắp đổ cơn mưa. Điều đó lại tạo nên nét thi vị, độc đáo, thu hút du khách.
Mời độc giả xem video:Nan giải thiếu giáo viên. Nguồn: VTV TSTC.
Thu Hà (TH)