Tân sinh viên nắm vững điều này nếu không muốn lãng phí 4 năm đại học

Môi trường đại học đề cao tính chủ động đã khiến cho nhiều tân sinh viên không có động lực học tập, ảnh hưởng xấu đến kết quả toàn khóa.

Sau khi trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT căng thẳng và trúng tuyển nguyện vọng mơ ước, nhiều tân sinh viên mang tâm trạng vô tư, nhẹ nhõm, có suy nghĩ chủ quan khi bước vào cách cửa đại học.

Theo ThS.Nguyễn Phương Linh - Giám đốc Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp và việc làm, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nếu không chuẩn bị một tâm thế tốt, phương pháp đúng đắn chắc chắn các em sẽ thiếu động lực học tập và lãng phí quãng thời gian 4 năm đại học.

Sinh viên cần chủ động trong học tập

Người Đưa Tin (NĐT): Thưa ông, môi trường học tập ở đại học sẽ khác với bậc phổ thông như thế nào?

Ông Nguyễn Phương Linh: Môi trường học tập tại đại học hiện nay đề cao tính chủ động của bản thân mỗi bạn sinh viên. Hoàn toàn khác với môi trường học tập các bậc học phổ thông khi có theo sát, kèm cặp của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn.

Tại đại học, học theo chế độ tín chỉ, các bạn chủ động sắp xếp lịch và đăng ký học theo chủ động của bản thân để có thể cân đối việc đi làm thêm, tham gia hoạt động câu lạc bộ hoặc học vượt tiến độ để có thế ra trường sớm hơn so với thời gian trung bình là 4 năm.

Về cơ bản chương trình đào tạo của đa phần các ngành để tốt nghiệp sinh viên sẽ học 130 tín chỉ, tương ứng với khoảng 40 môn học.

Một kỳ học kéo dài 15 tuần, có thể đăng kỳ học từ 6 đến 8 môn mỗi kỳ, mỗi giáo viên sẽ có những hình thức đánh giá cho điểm khác nhau bên cạnh những hình thức truyền thống như làm bài kiểm tra, thì có thể làm bài tập nhóm, thuyết trình, làm đề án cá nhân…và cuối kỳ sẽ là kỳ thi hết môn.

Với việc học tập như trên nếu vào đại học với tâm lý "xả hơi", chểnh mảng việc học thì sẽ ảnh hưởng đến kết quả chung toàn khóa của các bạn nếu như điểm các môn học từ năm thứ nhất của bạn quá thấp.

ThS.Nguyễn Phương Linh - Giám đốc Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp và việc làm, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

ThS.Nguyễn Phương Linh - Giám đốc Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp và việc làm, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

NĐT: Trước thay đổi về môi trường, các tân sinh viên cần lưu ý gì để có kết quả học tốt nhất ở những kỳ học đầu tiên?

Ông Nguyễn Phương Linh: Các em vẫn cần giữ sự tập trung trong việc học, học ngay tại trên lớp, tích cực tham gia vào bài giảng của giáo viên, làm bài tập ở nhà nếu có.

Bên cạnh đó, cũng cần tích cực, chủ động trong việc làm bài tập nhóm, thuyết trình cũng sẽ góp phần giúp các bạn hiểu bài và đạt điểm cao khi giáo viên đánh giá.

Với các bài thi cuối kỳ thì cần hệ thống lại những kiến thức quan trọng để dễ dàng ghi nhớ vì lượng kiến thức học trong cả kỳ là rất nhiều. Một chia sẻ nhỏ nữa là tham gia các nhóm sinh viên trên các kênh mạng xã hội để hỏi kinh nghiệm của các anh chị khóa trước đã thi môn đó như nào, để có thể chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi cuối kỳ.

Chuẩn bị kỹ năng cần thiết cho nghề nghiệp

NĐT: Nhiều em mong muốn được đi làm thêm để có thu nhập và kinh nghiệm, các em nên lựa chọn và phân bổ thời gian giữa đi làm và học tập như thế nào cho phù hợp?

Ông Nguyễn Phương Linh: Đầu tiên, vẫn phải xác định rõ việc học vẫn là ưu tiên hàng đầu, và không để những việc khác ảnh hưởng tiêu cực đến việc học.

Hiện nay thì đa số các trường đều học theo chế độ tín chỉ, nên các bạn sinh viên cũng dễ dàng sắp xếp lịch học để cân đối với các việc khác như đi làm thêm hay hoạt động tại câu lạc bộ tại trường. Cá nhân tôi cũng hoàn toàn ủng hộ việc các bạn đi làm thêm hay tham gia các động hội, nhóm để có thêm trải nghiệm, kinh nghiệm cũng như thu nhập trong quãng thời gian học đại học.

Tuy nhiên, với việc đi làm thêm, các bạn cũng nên chọn những công việc từ những đơn vị uy tín, tránh tình trạng lừa đảo, mất tiền, thâm chí nguy hiểm đến bản thân.

Các em sinh viên phải rất nỗ lực trong 4 năm đại học (Ảnh: Hữu Thắng).

Các em sinh viên phải rất nỗ lực trong 4 năm đại học (Ảnh: Hữu Thắng).

Hiện nay, ngoài những công việc mà đa phần các bạn sinh viên lựa chọn như là làm gia sư, nhân viên bán hàng bán thời gian, thì nhiều bạn sinh viên cũng đã chủ động ứng tuyển làm cộng tác viên, thực tập sinh (có thể không lương) cho các công ty ngay từ năm thứ nhất, thứ hai để có thể thêm kinh nghiệm chuyên môn, phù hợp với chuyên ngành đang được học.

Sau khi tốt nghiệp, những kinh nghiệm từ thời sinh viên như này khi đưa vào hồ sơ ứng tuyển sẽ được các nhà tuyển dụng đánh giá rất cao và là lợi thế không nhỏ khi so sánh với những ứng viên khác.

NĐT: Trong thời gian học đại học các em nên có những định hướng nghề nghiệp như thế nào cho bản thân, đồng thời chuẩn bị kỹ năng, kinh nghiệm gì để có hành trang cho mình sau này?

Ông Nguyễn Phương Linh: Trên các phương tiện truyền thông luôn nhắc đến những thuật ngữ như là Cách mạng công nghệ 4.0, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế dần con người. Điều này tác động không nhỏ, làm cho các bạn sinh viên hoang mang trong việc chuẩn bị những kỹ năng gì để có thể phục vụ cho công việc sau này.

Vì vậy, các em cần lưu ý ngoài những kỹ năng cơ bản và rất cần thiết là tiếng Anh và Tin học văn phòng, các bạn sinh viên cũng cần trao dồi thêm kiến thức để sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu như Power BI, R, Python…. Các bạn có khả năng sử dụng thành thạo những công cụ này sẽ được các nhà tuyển dụng đánh giá cao và có thể ứng tuyển ở nhiều vị trí có mặt bằng thu nhập cao hơn.

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn sự chia sẻ của ông!

Theo Kế hoạch triển khai công tác tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục Mầm non năm 2024 chậm nhất là 17h ngày 19/8/2024, các trường đại học sẽ công bố điểm chuẩn và thông báo kết quả trúng tuyển đợt 1 cho thí sinh.

Chậm nhất là 17h ngày 27/8/2024, thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống.

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tan-sinh-vien-nam-vung-dieu-nay-neu-khong-muon-lang-phi-4-nam-dai-hoc-204240802162523756.htm