Tán sỏi qua da cứu thai phụ suy thận cấp
Chị P. mang thai tháng thứ 6, nhưng không có nước tiểu vì đường niệu quản 2 bên bị tắc hoàn toàn do sỏi. Các bác sĩ đã quyết định tán sỏi qua da để cứu thai phụ bị suy thận cấp.
Ngày 15/10, TS. Dương Văn Trung, Trưởng Khoa Ngoại Tiết niệu (BV Bưu Điện) cho biết, BV vừa thực hiện tán sỏi qua da kịp thời cứu thai phụ Nguyễn Thị P. (37 tuổi, ở Hà Nội).
Trước đó, thai phụ nhập viện trong tình trạng không có nước tiểu trong 24h, đau bụng quằn quại, thai 6 tháng tuổi. Qua siêu âm và xét nghiệm khẩn cấp, chị P. được các bác sĩ chẩn đoán không có nước tiểu vì đường niệu quản 2 bên bị tắc hoàn toàn do sỏi, do ảnh hưởng của sỏi sản phụ bị suy thận cấp.
Theo bác sĩ Trung, BV quyết định phải tán sỏi niệu quản nội soi ngược dòng 2 bên ngay để cứu 2 quả thận. Đầu tiên, ekip tiến hành tán sỏi bên trái trước. Tuy nhiên, bác sĩ không thể đưa được ống soi lên vì niệu quản quá hẹp, chỉ còn một lỗ nhỏ. Rất may là sau một thời gian ngắn cố gắng thực hiện kỹ thuật thì niệu quản của người bệnh giãn ra, nhờ đó viên sỏi đã được lấy ra, thận trái được cứu.
Tiếp tục với bên phải, kíp bác sĩ đã đưa ống soi vào trong niệu quản bên phải, nhưng vì niệu quản gấp khúc nên không thể đưa lên tiếp để tới viên sỏi. Tình huống này nếu không tiếp tục xử lý viên sỏi mà để lại thì quả thận bên phải sẽ hỏng, còn nếu chỉ dẫn lưu thận thì người bệnh sẽ phải chịu một cuộc phẫu thuật nữa để lấy sỏi. Như vậy sẽ rất tốn kém và quan trọng hơn là thêm một lần nguy cơ cho thai nhi.
Ngay lập tức, bác sĩ Trung quyết định chuyển sang phương án ngoài dự kiến là tán sỏi thận đường hầm nhỏ qua da. Đây là 1 quyết định khá táo bạo đối với bệnh nhân đang có thai. Sau gần 15 phút thực hiện kỹ thuật, Bác sĩ Trung và đồng nghiệp đã thực hiện thành công ca mổ, toàn bộ viên sỏi niệu quản bên phải đã được lấy ra hết.
"Chỉ với một vết rạch da nhỏ 6 mm ở vùng hông lưng, phẫu thuật viên tạo một đường hầm nhỏ qua da vào thận, với sự hỗ trợ của máy siêu âm định vị sỏi (hoàn toàn không có hại cho thai), chúng tôi dùng máy tán sỏi Laser công suất cao để tán vỡ sỏi. Kết quả sạch sỏi có thể đạt tới gần 100%. Đây là một phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn mà đạt hiệu quả tối đa, giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Chúng tôi rất vui khi đúng phút thứ 13 toàn bộ viên sỏi niệu quản bên phải của thai phụ đã được lấy ra hết. Nhìn xuống túi nước tiểu thấy vạch chỉ 500 ml đã đầy, tôi và cả ekip thật sự hài lòng với quyết định này", bác sĩ Trung chia sẻ.
Sau thời gian ngắn điều trị tại Bệnh viện, sức khỏe của chị Nguyễn Thị P. đã ổn định.
Để phòng và chữa bệnh sỏi thận, TS. Dương Văn Trung khuyến cáo mọi người nên uống nhiều nước (trên 2 lít/ngày). Bởi việc uống nhiều nước cũng sẽ hạn chế được 50% sỏi tái phát nếu người bệnh đã từng điều trị sỏi thận. Các loại nước uống như: Nước cam, nước chanh… rất tốt cho thận. Bạn có thể ăn thực phẩm tôm, cua, cá nhưng nên hạn chế ăn nhiều thịt. Khi thấy cơ thể có những dấu hiệu hoặc triệu chứng bất thường liên quan đến các bệnh lý về thận thì cần phải tới ngay BV hoặc các cơ sở y tế uy tín để được phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.