Tân Thạnh duy trì và nhân rộng mô hình lúa ứng dụng công nghệ cao

Với việc ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào trồng lúa, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Tân Thạnh, Tỉnh Long An đã thu lợi nhuận mỗi vụ gần 20 triệu đồng/ha, cao hơn sản xuất thông thường từ 2-4 triệu đồng/ha.

Tiếp tục mở rộng các mô hình sản xuất lúa công nghệ cao

Tiếp tục mở rộng các mô hình sản xuất lúa công nghệ cao

Qua tổng kết, đánh giá mô hình sản xuất lúa ƯDCNC trên lúa Đông Xuân 2021-2022 cho thấy, mô hình này có nhiều triển vọng, tiết kiệm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thu lợi nhuận cao hơn sản xuất lúa truyền thống, mở ra hướng đi mới cho nông dân.

Mô hình sản xuất lúa ƯDCNC được triển khai ở các xã: Nhơn Hòa Lập, Nhơn Ninh, Kiến Bình, Hậu Thạnh Tây,... với quy mô hơn 2.550ha, trong đó có 3 mô hình điểm với diện tích 50ha. Nông dân khi tham gia mô hình sử dụng các giống lúa chất lượng cao: Nàng Hoa 9, Đài thơm 8, OM 18 và OM 380,... Khi tham gia mô hình, nông dân được hướng dẫn ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật trong quá trình canh tác lúa: Sử dụng máy cấy lúa, máy phun hạt giống, sạ hàng khi xuống giống; sử dụng phân bón tan chậm; áp dụng quy trình canh tác “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”,... Qua thu hoạch, năng suất lúa trong mô hình đạt trung bình 7,5 tấn/ha, cao hơn sản xuất thông thường khoảng 0,5 tấn/ha.

Ông Trần Văn Mười Hai (ấp Trại Lòn Nam, xã Nhơn Ninh) cho biết: “Tôi tham gia mô hình được 2 vụ. Qua thực tế canh tác, tôi thấy mô hình rất hiệu quả, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa tăng được lợi nhuận. Hiện nay, tôi sản xuất 2,5ha lúa OM 18. Nhờ tham gia mô hình mà tôi được hỗ trợ lúa giống, phân hữu cơ vi sinh và chi phí sạ hàng”.

Đặc biệt, lúa trong mô hình thường được gieo sạ thưa nên phát triển tốt, ít sâu, bệnh, tiết kiệm chi phí nên cho lợi nhuận mỗi vụ gần 20 triệu đồng/ha, cao hơn sản xuất thông thường từ 2-4 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, sản xuất lúa ƯDCNC còn góp phần giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế những tác động xấu do sản xuất lúa gây ra, cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng và thích ứng biến đổi khí hậu.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Thạnh - Mai Văn On thông tin: “Theo kế hoạch, vụ Hè Thu 2022, huyện sẽ nhân rộng mô hình sản xuất lúa ƯDCNC tại các xã: Kiến Bình, Tân Bình, Tân Ninh, Nhơn Ninh, Bắc Hòa, Hậu Thạnh Đông và Tân Thành, với tổng diện tích sản xuất khoảng 2.000ha. Nông dân khi tham gia mô hình sẽ được hỗ trợ 30% chi phí lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thường xuyên tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật”.

Đối với nông dân Tân Thạnh hiện nay, làm lúa thời kỳ công nghệ cao không còn khái niệm “làm ruộng vất vả”. Bởi, theo người dân trong vùng lúa ƯDCNC, tất cả các khâu trong quy trình làm lúa ƯDCNC từ công đoạn làm đất, rải giống, bón phân, xịt thuốc, tưới, tiêu đến thu hoạch đều gắn với khoa học và trang thiết bị, máy móc hiện đại.

Việc ƯDCNC vào sản xuất lúa góp phần thay đổi tập quán sản xuất cũ, mở ra cánh cửa làm giàu cho nông dân. Đây là xu hướng phát triển tất yếu và có sức thu hút đối với nông dân Tân Thạnh, vì vừa góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, an toàn, vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, vừa gia tăng sản lượng lúa hàng năm và nâng cao thu nhập cho nông dân./.

Minh Tuệ

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tan-thanh-duy-tri-va-nhan-rong-mo-hinh-lua-ung-dung-cong-nghe-cao-a131792.html