Tân Thạnh nỗ lực xây dựng thương hiệu nông sản địa phương
Những năm qua, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An quan tâm đến việc xây dựng mã số vùng trồng (MSVT), góp phần nâng tầm nông sản địa phương.
Huyện Tân Thạnh là một trong những địa phương chuyển đổi từ đất trồng lúa cho năng suất thấp sang cây ăn trái đa dạng nhất vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh. Huyện có trên 2.100ha trồng cây ăn trái như mít (trên 1.360ha), chanh (gần 80ha), sầu riêng (trên 260ha), mãng cầu (trên 16ha), dưa hấu (trên 85ha), bưởi (trên 15ha),... Diện tích cây ăn trái tập trung chủ yếu ở các khu vực có trạm bơm điện, đê bao khép kín như Tân Lập, Tân Ninh, Tân Thành,...
Chủ tịch UBND xã Tân Thành - Nguyễn Văn Điệp cho biết: “Trên địa bàn xã có trên 300ha trồng cây ăn trái, trong đó chủ yếu là cây sầu riêng, mít. Hiện nay, các loại nông sản này chủ yếu bán qua thương lái nên nông dân thường gặp tình trạng “được mùa, rớt giá” hoặc ngược lại. Do đó, xã chú trọng đến việc xây dựng MSVT cho nông sản.
Qua triển khai, nhiều nông dân hiểu được lợi ích, ý nghĩa của việc xây dựng MSVT và chủ động thực hiện đúng quy trình sản xuất như xây dựng nhà kho, nơi chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng; nơi pha thuốc; ghi nhật ký sản xuất; tăng cường bón phân hữu cơ, hạn chế phân bón, thuốc hóa học; bón phân, phun thuốc theo phương pháp “4 đúng”;… Đến nay, xã được cấp 1 MSVT cho cây sầu riêng với diện tích 11,5ha của 9 hộ. Ngoài ra, xã đang xây dựng MSVT cho cây mít”.
Anh Trịnh Văn Hiền (ấp 1, xã Tân Thành) là một trong những nông dân tiên phong triển khai đầy đủ các yêu cầu về điều kiện canh tác, ghi chép nhật ký sản xuất, biện pháp quản lý dịch hại; đồng thời, hoàn thành các hồ sơ, thủ tục để Cục Hải quan Trung Quốc tiến hành kiểm tra cấp MSVT xuất khẩu chính ngạch sang nước này. Anh Hiền bộc bạch: “Gia đình tôi trồng 1.100 gốc sầu riêng đang cho thu hoạch trái vụ đầu. Bình quân chi phí từ lúc trồng đến thu hoạch trên 6 triệu đồng/cây. Tôi mong đầu ra trái sầu riêng ổn định, không bị thương lái ép giá. Để làm được điều này, gia đình quyết định làm các hồ sơ, thủ tục để được cấp MSVT. Đây chính là “tấm vé thông hành” giúp sầu riêng bán có giá. Đến nay, diện tích trồng sầu riêng của gia đình đã được Cục Hải quan Trung Quốc cấp MSVT”.
Thông tin từ UBND huyện Tân Thạnh, hiện địa phương có 5 MSVT xuất khẩu với tổng diện tích được cấp mã là 57,3ha (cụ thể, 1 MSVT trồng chanh không hạt, diện tích 19,3ha, xuất sang châu Âu; 3 MSVT sầu riêng, diện tích 38ha, xuất sang Trung Quốc; 1 MSVT dưa hấu, diện tích 184ha, xuất sang Trung Quốc). Ngoài ra, huyện còn 3 hồ sơ xin cấp MSVT (1 hồ sơ MSVT mít và 2 hồ sơ MSVT sầu riêng). Ngành chuyên môn huyện đã cấp 2 MSVT nội địa trên cây lúa với tổng diện tích 70ha tại ấp Hai Vụ, xã Kiến Bình, cấp cho Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Kiến Bình.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh - Lê Phước Vẹn cho biết: “Xây dựng được MSVT là điều không dễ nhưng để giữ vững được MSVT còn khó khăn gấp bội. Xác định được vấn đề này, huyện thường xuyên phối hợp Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh kiểm tra, giám sát định kỳ các vùng đã được cấp MSVT. Riêng các địa phương vận động các hộ dân trong vùng đã được cấp MSVT chấp hành tốt quy trình kỹ thuật, đặc biệt là quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, quy trình ký kết với đơn vị thu mua bảo đảm sản lượng theo MSVT được cấp”.
Bằng sự nỗ lực của các cấp, các ngành, nhất là ý thức của nông dân, huyện Tân Thạnh từng bước xây dựng được thương hiệu nông sản địa phương./.