Tân Thủ tướng Nhật Bản có thể học gì từ chính sách kinh tế của Hàn Quốc?

Việc tân Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio có củng cố được quyền lực trong một năm điều hành đất nước hay không phụ thuộc vào khả năng phục hồi tăng trưởng kinh tế của nhà lãnh đạo này.

Tân Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. (Nguồn: AFP)

Tân Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. (Nguồn: AFP)

Ngày 14/10, Nhật Bản giải tán quốc hội để mở đường cho cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào ngày 31/10 tới đây. Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của tân Thủ tướng Kishida Fumio và đảng liên minh Komeito đang phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế và địa chính trị chắc chắn sẽ gia tăng từ bây giờ cho tới thời điểm tổng tuyển cử.

Các ưu tiên trước mắt của ông Kishida là chặn đà suy thoái kinh tế và thắt chặt mối quan hệ Nhật-Mỹ. Nền kinh tế và chính trường Nhật Bản đã chịu ảnh hưởng đáng kể từ cuộc chiến thương mại dưới thời Tổng thống Donald Trump, vì vậy mục tiêu quan trọng nhất của chính quyền Thủ tướng Kishida là đưa mối quan hệ thương mại song phương về đúng quỹ đạo.

Việc tân Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio có củng cố được quyền lực hay không phụ thuộc vào khả năng phục hồi tăng trưởng kinh tế của nhà lãnh đạo này.

Bài học từ Hàn Quốc

Vài tuần sau khi người tiền nhiệm Suga Yoshihide tuyên bố từ chức, chỉ số Nikkei tăng lên mức cao nhất trong 31 năm qua với nhiều kỳ vọng vào những cải cách lớn sắp tới dưới thời ông Kishida.

Phát biểu trong một cuộc họp báo sau cuộc bầu cử, ông Kishida nhấn mạnh: "Không có tăng trưởng thì không thể có phân phối lại. Nhưng không có phân phối lại, chúng ta không thể kích thích tiêu dùng và nhu cầu mới".

Tuy nhiên, thách thức thực sự đối với chính quyền của ông Kishida là mục tiêu xây dựng "một mô hình chủ nghĩa tư bản mới" đơn thuần là sự lặp lại của chiến lược hiện đang gặp thất bại tại Hàn Quốc.

Tháng 5/2017, khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhậm chức, ông đã cam kết cải thiện tốc độ "tăng trưởng nhỏ giọt" của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á. Ý tưởng của ông Moon khi đó là thay đổi các ưu đãi về thuế và cải tổ các tập đoàn gia đình chaebol.

Theo ông Moon, việc chuyển dịch quyền lực từ các tập đoàn chaebol sang các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ tạo ra năng lượng kinh tế từ cơ sở chứ không phải từ trên xuống. Tổng thống Hàn Quốc cho rằng, lợi nhuận doanh nghiệp gia tăng nên để chi trả cho các mạng lưới an sinh xã hội và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.

Tuy vậy, sau đó ông Moon không thể tiếp tục theo đuổi khi nhận thấy quy mô cải cách quá sâu rộng và bỏ cuộc trước quyết tâm của phe lợi ích nhằm bảo vệ hiện trạng nền kinh tế.

Những cải cách này dường như đang được ông Kishida tiếp tục lựa chọn theo đuổi tại Nhật Bản, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang vươn lên phía trước.

Kế hoạch tăng thuế thu nhập ban đầu của ông Kishida hiện là điều không còn bàn cãi. Các thay đổi chính sách hướng tới tăng khả năng cạnh tranh và tạo niềm tin cho ban lãnh đạo các doanh nghiệp để khuyến khích tăng lương và chấp nhận những rủi ro mới. Ưu tiên của chính quyền ông Kishida đã chuyển sang tăng cường kích thích để thúc đẩy tăng trưởng.

Nhà kinh tế học Michael Pettis tại Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) nhận định: “Nền kinh tế Nhật Bản đã bị suy yếu trong nhiều thập niên do mức tiêu thụ tương đối thấp. Trong những năm 1970 và 1980, điều này được bù đắp bởi đầu tư cao và thặng dư thương mại lớn, nhưng kể từ đó nền kinh tế đã khó khăn hơn rất nhiều".

Các chuyên gia cho rằng, thế giới có thể học được nhiều điều từ phản ứng của Seoul trong cuộc chiến chống Covid-19. Phản ứng về chính sách kinh tế của chính phủ Hàn Quốc cũng đáng được khen ngợi - và nhận được sự chú ý từ Tokyo.

"Phản ứng kinh tế vĩ mô của Hàn Quốc là chắc chắn và nhanh chóng, nhưng cũng rất thận trọng", nhà kinh tế Sangheon Lee của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) bình luận.

Theo đó, Seoul đã tập trung vào mục tiêu cụ thể hơn Tokyo khi tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua trợ cấp tiền lương và huy động tín dụng để duy trì hoạt động kinh doanh.

“Seoul cũng cung cấp hỗ trợ thu nhập trực tiếp cho toàn bộ người dân và đó là chìa khóa để duy trì nhu cầu của người tiêu dùng”, ông Lee phân tích.

Khó có sự cải cách lớn

Ông Pettis cho rằng, việc phân phối lại thu nhập khiến tiêu dùng nội địa tăng lên, từ đó khuyến khích hoạt động đầu tư, kinh doanh. "Trong nhiều năm, Tokyo đã nói nhiều đến việc phục hồi tiêu dùng nội địa. Tôi hy vọng lần này, chính quyền ông Kishida thực sự nghiêm túc", ông Pettis nói.

Theo chuyên gia Takeshi Yamaguchi của Morgan Stanley, chính quyền của tân Thủ tướng cần đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển ở những lĩnh vực khoa học và công nghệ tiên tiến như kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo (AI), lượng tử, công nghệ sinh học, cũng như chi tiêu nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở các khu vực bao gồm 5G, chất bán dẫn và trung tâm dữ liệu. Ông Yamaguchi cho hay: "Chúng tôi cho rằng đây sẽ là những lĩnh vực trọng tâm của nền kinh tế trong tương lai”.

Nhật Bản trải qua thời kỳ tăng trưởng kinh tế chậm chạp trong nhiều năm. (Nguồn: Reuters)

Nhật Bản trải qua thời kỳ tăng trưởng kinh tế chậm chạp trong nhiều năm. (Nguồn: Reuters)

Nếu không thực hiện được những điều này, ông Kishida sẽ rơi vào vết xe đổ của vở kịch "Moononomics" (kế hoạch cải cách kinh tế của Tổng thống Moon Jae-in). Nói một cách khác, đây là một "trò chơi lớn" về cải cách nhưng thực thi bất thành.

Ông Kishida có thể gây ấn tượng với cử tri bằng cách thực hiện tốt cam kết tạo ra mức thuế cố định 20% đối với thu nhập tài chính, áp dụng chủ yếu đối với tầng lớp giàu có. “Thành quả của sự phát triển tập trung vào tay một số ít người. Tôi muốn phổ biến những lợi ích rộng rãi nhất có thể để mọi người cùng hưởng lợi", ông Kishida tuyên bố.

Thời điểm trước đại dịch, giảm phát dai dẳng, tăng trưởng chậm chạp, sự gia tăng số lượng lao động tạm thời đã đeo bám nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong nhiều năm. Mặc dù Nhật Bản tự hào là một trong những nền kinh tế có khoảng cách thu nhập thấp nhất trong số các quốc gia công nghiệp, nhưng trải qua hàng thập kỷ giảm phát, doanh nghiệp nước này vẫn đang phải trả giá.

Dù vậy, ông Masaki Kuwahara đến từ Nomura Securities cũng không kỳ vọng nhiều vào sự cải cách từ chính quyền tân Thủ tướng Kishida.

Ông nói: “Với nền kinh tế yếu kém, không có nhiều dư địa để ông Kishida đi chệch hướng khỏi Abenomics. Ông ấy dường như muốn tập trung vào việc phân phối lại của cải, nhưng chính sách thiên tả như vậy không nhất thiết phải phù hợp với tăng trưởng kinh tế. Ông Kishida rất giỏi trong việc xây dựng sự đồng thuận và điều này sẽ mang lại sự ổn định cho nền chính trị cần thiết để định hướng kinh tế xã hội”.

Moody’s Investors Service cũng không mong đợi những điều lớn lao từ chính quyền của ông Kishida. Nhà phân tích Christian De Guzman của Moody cho biết: “Chúng tôi không kỳ vọng nhiều về sự rời bỏ các chính sách tài chính và tiền tệ hiện đang phù hợp".

(theo Asia Times)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tan-thu-tuong-nhat-ban-co-the-hoc-gi-tu-chinh-sach-kinh-te-cua-han-quoc-161860.html