Tân Thủ tướng Pháp ngồi 'ghế nóng' giữa ngàn chông gai, đối mặt 'lằn ranh đỏ' của phe đối lập, làm thế nào để đoàn kết thay vì chia rẽ?
Ngày 13/12, chính trị gia trung dung kỳ cựu Francois Bayrou đã được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bổ nhiệm làm Thủ tướng, giữa lúc quốc gia châu Âu đang rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị lớn thứ hai trong 6 tháng qua.
Ông Bayrou, 73 tuổi, lãnh đạo đảng Phong trào dân chủ (MoDem), là Thủ tướng thứ ba được bổ nhiệm trong chính quyền của Tổng thống Macron trong năm nay, |kế nhiệm ông Michel Barnier, vốn bị buộc phải từ chức sau một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội Pháp vào ngày 4/12 vừa qua.
Ông Bayrou từng là giáo viên lịch sử trước khi tham gia vào chính trường Pháp. Năm 2007, ông tham gia tranh cử tổng thống và xếp thứ ba ở vòng đầu tiên với 19% số phiếu bầu. Năm 2012, ông Bayrou tiếp tục thử vận may, song thất bại.
Vào năm 2017, khi ông Emmanuel Macron được bầu với tư cách là ứng cử viên tổng thống trung dung của đảng En Marche, ông Bayrou đã quyết định ủng hộ ông Macron thay vì tự mình ra tranh cử.
Sau khi ông Macron đắc cử Tổng thống, ông Bayrou được trao cho chức Bộ trưởng Tư pháp, song sớm bị buộc phải từ chức trong bối cảnh diễn ra một cuộc điều tra cáo buộc đảng MoDem biển thủ quỹ Nghị viện châu Âu.
Ngày 13/12, trong phát biểu đầu tiên trước báo giới sau khi được bổ nhiệm làm Thủ tướng Pháp, ông Bayrou, đồng minh lâu năm của Tổng thống Macron, khẳng định hiểu rõ những khó khăn và thách thức đang chờ đợi trong nhiệm kỳ của mình.
Ông nêu rõ: "Tất cả mọi người đều nhận thức được sự khó khăn của nhiệm vụ này. Chúng ta cần tìm ra một con đường để đoàn kết thay vì chia rẽ", đồng thời nhấn mạnh, hòa giải là điều cần thiết.
Theo AFP, một trong những nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất của Thủ tướng Bayrou là phải thương lượng với các nhóm chính trị trong Quốc hội để đạt được một "thỏa thuận không kiến nghị bất tín nhiệm" đối với chính phủ mới.
Bên cạnh đó, ông còn phải tiếp tục thảo luận và hoàn thiện dự thảo ngân sách năm 2025, một vấn đề nhạy cảm cần được Quốc hội thông qua. Ngoài ra, các vấn đề nóng khác như cải cách hưu trí và chính sách nhập cư cũng sẽ là những thách thức lớn đối với tân Thủ tướng.
Một câu hỏi lớn hiện nay là liệu ông Bayrou có thể đạt được thỏa thuận với các đảng đối lập, bao gồm cả cánh hữu và cánh tả, để duy trì sự ổn định của chính phủ cũng như tránh nguy cơ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm hay không.
Việc bổ nhiệm một nhân vật từ phe tổng thống vào chức vụ thủ tướng đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các đảng cực tả và cực hữu. Đảng cực tả Nước Pháp bất khuất (LFI) tuyên bố sẽ nhanh chóng đưa ra kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ mới, trong khi đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) cũng cảnh báo sẽ đưa ra lựa chọn nếu chính phủ vượt qua các "lằn ranh đỏ" mà họ đã vạch ra.
Ngoài các đảng đối lập, Thủ tướng Bayrou cũng phải đối mặt với sự phản đối từ đảng Xã hội (PS), một thành viên trong liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NFP), cùng với LFI. Mặc dù PS không phản đối ông Bayrou, nhưng họ yêu cầu ông phải áp dụng một phương pháp đổi mới thực sự, tôn trọng cuộc tranh luận trong Quốc hội và từ bỏ việc sử dụng Điều khoản 49.3 của Hiến pháp để thông qua các dự luật.
Đảng Xanh và Đảng Cộng sản Pháp (PCF), cũng là thành viên của liên minh NFP, đồng tình với yêu cầu này.
Thách thức lớn đối với Thủ tướng Bayrou là xây dựng một đa số ổn định trong Quốc hội để đảm bảo chính phủ không bị bãi nhiệm và các dự luật được thông qua. Trong số 577 ghế tại Quốc hội, các đảng trong phe tổng thống chỉ chiếm 163 ghế, khiến ông cần sự đồng thuận từ các đảng cánh tả như PS, Xanh và PCF.
Tân Thủ tướng Bayrou dự kiến sẽ công bố danh sách bộ trưởng trong nội các của mình vào những ngày tới. Theo giới phân tích, có khả năng ông sẽ phải đối mặt với những khó khăn tương tự người tiền nhiệm Barnier.