Tân Thủ tướng Thái Lan với tuổi thơ biến động cùng chính trị
Sinh ra trong gia đình có ít nhất 2 đời làm Thủ tướng Thái Lan, cuộc sống của bà Paetongtarn Shinawatra cũng vì thế gặp đầy biến động, sóng gió cùng sự lên xuống của quyền lực.
Tuổi thơ gắn liền với bất ổn chính trị
Với kết quả quá bán tại Hạ viện, ngày 16/8, bà Paetongtarn Shinawatra – con gái cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra chính thức đắc cử nữ Thủ tướng trẻ nhất xứ sở Chùa vàng.
Bà Paetongtarn Shinawatra, 37 tuổi có biệt danh là "Ung-ing", sinh ra tại Mỹ vào ngày 21/8/1986. Không chỉ tham gia vào chính trị, Paetongtarn còn là cổ đông lớn nhất của Tập đoàn Phát triển bất động sản SC Asset và sở hữu khối tài sản (tính đến năm 2021) là 4,3 tỷ bath.
Bà tốt nghiệp Khoa Khoa học Chính trị từ trường Đại học Chulalongkhorn (CU), sau đó học quản lý khách sạn quốc tế tại Đại học Surrey, Vương quốc Anh.
Bà kết hôn với ông Pidok Sooksawas - một phi công hãng hàng không thương mại và có với nhau hai người con.
Sinh ra trong gia đình có bề dày chính trị khi người cha Thaksin Shinawatra, người cô Yingluck Shinawatra cũng từng là Thủ tướng Thái Lan nên tuổi thơ của bà Paetongtarn cũng luôn biến động cùng với sự lên xuống quyền lực của gia đình.
Người cha là ông Thaksin Shinawatra đầy tham vọng đã thành lập Đảng Thai Rak Thai Party vào năm 1998 sau khi gây dựng sự nghiệp kinh doanh vững chắc và giàu có.
"Khi tôi 8 tuổi, cha tôi đã bước chân vào chính trường. Kể từ đó, cuộc sống của tôi cũng gắn liền với chính trị", bà nói trong bài phát biểu hồi tháng 3/2023.
Người cha Thaksin đã trở thành Thủ tướng vào năm 2001 và có chiến lược tăng cường chi tiêu vào chăm sóc sức khỏe, phát triển nông thôn và trợ cấp cho nông dân được gọi là chính sách "Thaksinomics" cho người nghèo.
Nhưng 5 năm sau, từ trên đỉnh cao quyền lực, ông đã bị quân đội lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006.
Lúc đó, Paetongtarn đang là sinh viên tại Đại học Chulalongkorn ưu tú của Thái Lan, cô gái trẻ phải đối mặt với sóng gió vô cùng lớn.
Bà Paetongtarn từng chia sẻ: "Đó là một trong những giai đoạn khó khăn nhất vì cô cũng bị buộc tội gian lận".
"Đôi khi, tôi nhìn thấy những bức ảnh của cha bị ghim trên tường, bị gạch bỏ và vẽ bậy. Ở độ tuổi 20 đó, bị vây quanh bởi sự thù địch, căm ghét, thực sự rất khó vượt qua", bà nhớ lại.
Sau đó, một thành viên khác trong gia tộc Shinawatra đã đắc cử Thủ tướng là bà Yingluck Shinawatra. Bà Yingluck cũng gây tiếng vang khi trở thành nữ lãnh đạo Chính phủ đầu tiên của Thái Lan. Nhưng bà nhanh chóng bị bãi nhiệm vào năm 2014 và phải rời Thái Lan vào năm 2017 trước khi bị tuyên án 5 năm tù vì lơ là trong vụ trợ giá gạo.
Dù trực tiếp thấm và ngấm đời sống biến động nhưng nay, bản thân bà lại bước vào con đường chính trường đầy cam go.
Paetongtarn từng chia sẻ, bà sẽ luôn có cha bên cạnh để hướng dẫn, dìu dắt như cha và đang làm.
"Từ nhỏ tới lớn, tôi luôn xin ý kiến cha ở mọi vấn đề dù là chuyện đời tư hay công việc", bà Paetongtarn chia sẻ và cho biết lý do là vì ông Thaksin từng trải qua chính trường, từng là Thủ tướng.
Sự nghiệp chính trị của nữ Thủ tướng
Về sự nghiệp chính trị của nữ Thủ tướng 37 tuổi, dù bà sinh ra trong gia tộc có bề dày chính trị nổi tiếng tại Thái Lan, thường cùng cha tham gia các cuộc vận động tranh cử nhưng trước nay bà chưa đảm nhiệm chức vụ trong chính phủ.
Gần đây, bà mới tham gia với một số vai trò trong đảng Pheu Thai.
Đáng chú ý, tháng 10/2021, bà được bầu làm lãnh đạo Ủy ban Tư vấn Đổi mới và Hòa nhập của đảng Pheu Thai, tập trung thu hút, thuyết phục thế hệ trẻ ủng hộ, gia nhập đảng, gia sức kêu gọi ủng hộ đảng trong cuộc bầu cử Thái Lan năm 2023.
Lúc đó, nhiều chuyên gia đã đánh giá Paetongtarn có thể là "át chủ bài" của đảng Pheu Thai để tạo kết nối với thế hệ trẻ và thu hút sự ủng hộ từ cử tri trẻ, cạnh tranh với đảng Tiến lên (Move forward) khi đó đã vươn lên trở thành đảng đối lập lớn thứ 2 tại Thái Lan nhờ tiếng vang trong giới trẻ.
Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2023, bà được đề cử làm một trong ba ứng cử viên thủ tướng của Pheu Thai cùng với ông Srettha Thavisin.
Cuối cùng ông Thavisin đã đắc cử Thủ tướng nhưng chỉ một năm và rồi bất ngờ bị bãi nhiệm vì vi phạm Hiến pháp liên quan tới việc bổ nhiệm một người từng có tiền án vào nội các.
Sau đó, bà được bổ nhiệm làm lãnh đạo Đảng Pheu Thai và hoạt động chính trị tích cực.
Nữ Thủ tướng Thái Lan nhậm chức trong bối cảnh chính trị bất ổn và lập tức phải đối mặt với một loạt thách thức trên nhiều mặt như nền kinh tế đang suy thoái, sự cạnh tranh gay gắt với một đảng đối thủ ngày càng mạnh.
Hơn nữa, đảng Pheu Thai đang chứng kiến nguy cơ giảm uy tín trong bối cảnh chính quyền của liên minh đảng do Pheu Thai dẫn đầu vẫn chưa thực hiện được chương trình phát gần 500 tỷ baht (14,25 tỷ USD) cho người dân qua ví điện tử để kích thích mua sắm.