Tân Thủ tướng trẻ tuổi nhất lịch sử Thái Lan
Chính trường Thái Lan vừa trải qua những biến động lớn. Mở đầu cho đợt biến động lần này là việc tòa án Hiến pháp giải tán đảng Tiến bước và bãi nhiệm thủ tướng Srettha Thavisin, vì ông bổ nhiệm vào nội các một cựu luật sư từng ngồi tù. Đến sáng nay, 16/8, Quốc hội Thái Lan đã bỏ phiếu bầu bà Paetongtarn Shinawatra, con gái của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra làm Thủ tướng thứ 31 của Thái Lan.
Chân dung nữ thủ tướng trẻ tuổi của Thái Lan
Bà Paetongtarn Shinawatra là con út trong số ba người con của ông Thaksin. Sinh ra và lớn lên tại Thủ đô Bangkok, bà theo học một trường tư ở trung tâm thành phố. Bà Paetongtarn đã có cơ hội tiếp xúc và làm quen với môi trường chính trị từ nhỏ khi theo chân cha mình tham dự các sự kiện, cũng như gặp gỡ các chính khách Thái Lan và thế giới vào thời điểm ông Thaksin giữ chức vụ bộ trưởng ngoại giao.
Bà Paetongtarn học tại Đại học Chulalongkorn - một trong những trường đại học danh tiếng nhất Thái Lan - trong thời điểm rối ren của đất nước khi cha bà bị phế truất khỏi ghế Thủ tướng và bị cấm tham gia vào các hoạt động chính trị. Sau khi tốt nghiệp Đại học Chulalongkorn, bà Paetongtarn đến Anh để học ngành quản lý khách sạn và kết hôn với phi công Pidok Sooksawas vào năm 2019.
Trước khi bước chân vào chính trường Thái Lan và trở thành ứng viên trong các cuộc bỏ phiếu vào năm 2023 và 2024, bà Paetongtarn từng có thời gian điều hành mảng khách sạn trong đế chế kinh doanh của gia đình và cùng ông Thaksin tham gia các sự kiện chính trị.
Khi ông Thaksin Shinawatra nhậm chức Thủ tướng vào năm 2001, ông là chính trị gia đầu tiên của Thái Lan giành được đa số ghế. Vì vậy truyền thông quốc tế nhận định sự nổi tiếng và những ảnh hưởng còn lại của ông Thaksin góp phần giúp thu hút sự ủng hộ của các đảng chính trị dành cho bà Paetongtarn.
Bà Paetongtarn được đánh giá là nổi bật với hình ảnh nhiệt huyết, trẻ trung và tràn đầy sức sống.
Nói với Hãng tin AFP, nhà phân tích chính trị Yuttaporn Issarachai nhận định, việc bà Paetongtarn giữ vai trò quan trọng trong Đảng Pheu Thai là động thái cho thấy đảng này đang có chiến lược ủng hộ phong trào thanh niên, nhằm thu hút sự ủng hộ từ giới trẻ. Dù vậy, có thể thấy mặc dù Đảng Vì nước Thái có thể thu hút sự ủng hộ từ giới trẻ, nhưng việc vượt qua sức ép từ quân đội và các đảng thân quân đội đối lập vẫn là một thách thức lớn. Đây cũng là thử thách dành cho bà Paetongtarn ở cương vị tân thủ tướng Thái Lan.
Khu vực tư nhân Thái Lan tin rằng bà Paetongtarn Shinawatra, lãnh đạo Đảng Vì nước Thái cầm quyền sẽ tiếp tục các chính sách của chính phủ. Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan cho rằng mặc dù bà Paetongtarn là gương mặt tương đối mới trong chính trường, nhưng tuổi trẻ của bà sẽ là một thế mạnh chứ không phải là trở ngại.
Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan (TCC) kỳ vọng chính phủ do đảng Vì nước Thái lãnh đạo sẽ tiếp tục hầu hết các chính sách kinh tế của mình để khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư Thái Lan và nước ngoài. Ông cũng hy vọng rằng chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy khả năng cạnh tranh của Thái Lan trên phạm vi quốc tế và đàm phán các hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác hơn để thúc đẩy lĩnh vực xuất khẩu.
Thăng trầm của cựu thủ tướng Srettha
Trước đó, Tòa án Hiến pháp Thái Lan có hai phán quyết làm rung chuyển chính trường Thái Lan.
Quyết định thứ nhất được đưa ra vào tuần trước nhằm giải thể Đảng Tiến bước, đảng đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm ngoái, với lý do đảng này đã vi phạm Hiến pháp khi đề xuất sửa đổi luật chống xúc phạm Hoàng gia, còn gọi là luật khi quân. Nay đảng Tiến bước đã tái hợp thành Đảng Nhân dân.
Quyết định thứ hai gây chấn động chính trường Thái Lan là việc cách chức Thủ tướng Srettha Thavisin với cáo buộc ông đã vi phạm luật khi bổ nhiệm ông Pichit Chuenban, một người từng có tiền án 6 tháng tù, vào vị trí Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ. Sự ra đi của ông Srettha cũng chóng vánh như sự thăng tiến của ông khi vươn lên vị trí dân bầu cao nhất ở đất nước có 66 triệu dân này. Chỉ chưa đầy một năm sau khi nhậm chức, ông đã bị tòa án bãi nhiệm khỏi chức Thủ tướng, đẩy nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị.
Cựu giám đốc điều hành của Sansiri, một trong những công ty bất động sản lớn nhất Thái Lan, Srettha bước vào chính trường chỉ vài tháng trước cuộc bầu cử vào tháng 5 năm ngoái với tư cách là ứng cử viên Thủ tướng của đảng Vì nước Thái (Pheu Thai). Đảng Vì nước Thái đứng thứ hai trong cuộc bầu cử, nhưng đảng Tiến Bước giành chiến thắng trong cuộc bầu cử đã bị các nhà lập pháp ngăn cản thành lập chính phủ, mở ra cơ hội để ông Srettha thành lập một liên minh cầm quyền.
Nhiệm kỳ của Srettha đã bị bao phủ bởi những thất bại, và các cuộc thăm dò cho thấy phần lớn người Thái có cái nhìn không mấy thiện cảm về khả năng lãnh đạo của ông. Theo một cuộc khảo sát vào tháng 6 của Viện Quản lý Phát triển Quốc gia, chỉ có 12,85% số người được hỏi ủng hộ sự lãnh đạo của ông Srettha, giảm so với mức 22,35% vào tháng 12.
Kế hoạch chủ lực của chính phủ ông - một "ví kỹ thuật số" trị giá 500 tỷ baht (14,22 tỷ đô la) để tặng 50 triệu người Thái mỗi người 10.000 baht - đã bị trì hoãn nhiều lần. Đến nay, thời điểm giải ngân dự kiến sẽ bắt đầu vào quý 4. Một số chuyên gia, bao gồm cả các cựu giám đốc ngân hàng trung ương, đã gọi chương trình này là vô trách nhiệm về mặt tài chính, và gây tranh cãi giữa ngân hàng với chính phủ về khoản tiền phát cho dân và lãi suất chủ chốt.
Ông Srettha ưu tiên mở cửa Thái Lan, thường xuyên đi nước ngoài để đàm phán thương mại. Chính phủ của ông cũng quảng bá các sản phẩm văn hóa Thái Lan thông qua một cơ quan "quyền lực mềm" và ngành du lịch bằng cách nới lỏng các yêu cầu nhập cảnh và các biện pháp khác. Tuy nhiên việc ông thường xuyên đi nước ngoài để thu hút đầu tư cũng nhận phải không ít chỉ trích.
Vào cuối tháng 4, ông Sretta tiến hành một cuộc cải tổ nội các, dẫn đến việc bộ trưởng ngoại giao từ chức trong bối cảnh đang diễn ra giao tranh dọc biên giới Thái Lan - Myanmar, tạo tiền đề cho vụ kiện cuối cùng hạ bệ ông. Việc ông bổ nhiệm Pichit Chuenban, một cựu luật sư của gia đình cựu thủ tướng Shinawatra, đã khiến một số nhà lập pháp bất bình. Nhóm 40 thượng nghị sĩ bảo thủ lập luận rằng việc bổ nhiệm này không đáp ứng các tiêu chuẩn đạo đức - và tòa án hiến pháp cũng ủng hộ cáo buộc trên, sau đó miễn nhiệm ông Srettha.
"Tôi tôn trọng quyết định của Tòa án Hiến pháp, nhưng tôi muốn khẳng định rằng trong suốt một năm làm Thủ tướng, tôi đã cố gắng làm mọi thứ đúng đắn. Tôi thực sự tâm huyết với công việc của mình, thực hiện công việc của mình một cách trung thực và chính trực, lắng nghe ý kiến của tất cả các bên. Nhưng tôi xin khẳng định lại một lần nữa rằng tôi tôn trọng quyết định của Tòa án Hiến pháp".
Ông Srettha Thavisin - cựu Thủ tướng Thái Lan
Hai thập kỷ qua, đất nước Thái Lan đã chứng kiến nhiều cuộc đảo chính và nhiều chính phủ và đảng phái chính trị sụp đổ vì quyết định của tòa án. Các phán quyết vừa qua nhấn mạnh vai trò trung tâm của ngành tư pháp trong cuộc khủng hoảng kéo dài của Thái Lan.
Bất ổn chính trị làm lung lay lòng tin nhà đầu tư
Các nhà đầu tư nước ngoài từ lâu đã đánh giá cao Thái Lan vì sự ổn định kinh tế vĩ mô, tuy nhiên trong những thập kỷ gần đây, lợi thế kinh tế tương đối của quốc gia này so với các nước láng giềng như Indonesia và Philippines đã bị xói mòn, khiến những mặt trái càng trở nên rõ ràng hơn. Bất ổn chính trị kéo dài đang ảnh hưởng đến lòng tin của nhà đầu tư và lấn át lợi thế vốn được đánh giá cao của Thái Lan, đó là quản lý vĩ mô lành mạnh. Những chỉ số của nền kinh tế đang chứng minh điều đó.
Sự bất ổn chính trị liên tục của Thái Lan đang cản trở quá trình phục hồi kéo dài của nước này sau đại dịch COVID-19. Trong thời gian bế tắc kéo dài sau cuộc bầu cử tháng 5/2023, cộng đồng doanh nghiệp đã cảnh báo rằng điều này có thể tác động đặc biệt đến đầu tư nước ngoài.
Sanan Angubolkul, Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan nhận định: "Họ càng kéo dài thì tác động tiêu cực đến sự phục hồi kinh tế của Thái Lan càng lớn, vì nó sẽ làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư và gây áp lực lên các khoản đầu tư nước ngoài mới".
Nền kinh tế Thái Lan ước tính tăng trưởng 2,5 % vào năm 2023, mức thấp thứ 2 ở Đông Nam Á sau Myanmar. Cựu lãnh đạo đảng Pita Limjaroenrat cho rằng: việc giải thể đảng Tiến bước, đảng đối lập lớn nhất của Thái Lan - và là đảng ngày càng được ủng hộ nhiều hơn kể từ năm ngoái - có thể "ảnh hưởng đến lòng tin vào đất nước, nền chính trị. Người ta cũng lo ngại rằng việc giải thể đảng này sẽ thúc đẩy các cuộc biểu tình đường phố gây bất ổn quay trở lại. Việc bãi bỏ tiền thân của đảng này là Future Forward, vào tháng 2/2020 là một trong những chất xúc tác chính cho các cuộc biểu tình chống chính phủ năm 2020 và 2021.
Nợ hộ gia đình đạt mức 16,4 nghìn tỷ baht, tương đương 90,8% GDP vào cuối tháng 3, một trong những mức cao nhất ở châu Á. Nợ hộ gia đình tăng vọt cũng ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ô tô. Thái Lan là nơi đặt nhà máy của Toyota Motor và Honda Motor và tổng sản lượng trong ngành đã giảm trong 11 tháng liên tiếp cho đến tháng 6, do doanh số bán hàng tại địa phương giảm mạnh.
Đồng thời, nền kinh tế, bị ảnh hưởng bởi đại dịch, vẫn đang xoay xở để tăng tốc. Theo dự báo của Bộ Tài chính, vào năm 2024, dự kiến nền kinh tế sẽ chỉ tăng trưởng 2,7%, nhờ vào lượng khách du lịch và xuất khẩu phục hồi. Thị trường chứng khoán Thái Lan là thị trường chứng khoán hoạt động kém nhất ở châu Á trong năm nay, giảm 9,3%. Tâm lý công nghiệp cũng đạt mức thấp nhất trong hai năm vào tháng 6, trong khi niềm tin của người tiêu dùng vào tháng 7 đạt mức thấp nhất trong vòng 11 tháng.
Tuy nhiên, mặc dù bất ổn chính trị, nền kinh tế của đất nước này vẫn khá vững vàng, phát triển mạnh mẽ bất chấp nhiều cuộc đảo chính và các cuộc biểu tình đường phố ồn ào. Nhờ quản lý kinh tế vĩ mô lành mạnh, Thái Lan đã tránh được việc phải trả giá cho tình trạng bất ổn chính trị dai dẳng của mình, nhưng không có gì đảm bảo rằng điều đó sẽ tiếp tục vô thời hạn.
Bà Wilai, chủ một cửa hàng sách bày tỏ: "Hãy nhìn vào nền kinh tế hiện tại. Hãy nhìn vào ngày Đảng Tiến Bước bị giải thể tuần trước; hoạt động kinh doanh rất im ắng. Hôm qua - khi họ bãi nhiệm Thủ tướng - cũng rất im ắng. Tôi nghĩ nếu chính trị tiếp tục như thế này, nền kinh tế sẽ không thể tiến triển được".
Việc chứng minh mối liên hệ giữa bất ổn chính trị và tình hình kinh tế Thái Lan không hề đơn giản. Nền kinh tế của đất nước này vẫn khá vững vàng, phát triển mạnh mẽ bất chấp nhiều cuộc đảo chính và các cuộc biểu tình đường phố ồn ào. Nhờ quản lý kinh tế vĩ mô lành mạnh, Thái Lan đã tránh được việc phải trả giá cho tình trạng bất ổn chính trị dai dẳng của mình, nhưng không có gì đảm bảo rằng điều đó sẽ tiếp tục kéo dài vô thời hạn. Sự bất ổn chính trị mà một phần xuất phát từ các phán quyết của tòa - cụ thể là việc miễn nhiệm ông Srettha - không có lợi cho nền kinh tế yếu kém của đất nước.
Ông Prajak Kongkirati, Phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Thammasat đánh giá: “Nhìn vào Thái Lan , từ một quốc gia từng khá hòa bình, dân chủ, một quốc gia tốt để đầu tư. Bây giờ, không dân chủ, không ổn định và không còn điều kiện tốt nào nữa cho bất kỳ khoản đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nào, đầu tư vào Thái Lan".
Việc miễn nhiệm thủ tướng Srettha nhấn mạnh những rạn nứt sâu sắc giữa các đảng phái tại Thái Lan. Mâu thuẫn kéo dài hàng thập kỷ gây ra các cuộc đảo chính và các đợt bất ổn. Các nhà phân tích cho rằng, triển vọng dài hạn của Thái Lan vẫn còn chưa chắc chắn nếu không có giải pháp lâu dài để giải quyết các mâu thuẫn.
"Thái Lan vẫn chưa tìm ra giải pháp để thu hẹp khoảng cách chính trị sâu sắc của đất nước. Nếu không có giải pháp cho vấn đề này này, sự bất ổn có vẻ sẽ vẫn tồn tại trong khi chủ nghĩa dân túy kinh tế có khả năng trở nên tồi tệ hơn, gây ra tác động tiêu cực đối với niềm tin của nhà đầu tư".
Gareth Leather, Chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Á tại Capital Economics
Việc bầu Thủ tướng mới chỉ diễn ra trong vòng 48 giờ kể từ khi Thủ tướng Svettha bị miễn nhiệm cho thấy các nhà lãnh đạo Thái Lan hiểu rất rõ về tác động của bất ổn chính trị đối với nền kinh tế đất nước, đặc biệt là đấu tư nước ngoài. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, nếu những mâu thuẫn sâu xa chưa được giải quyết thì bất ổn chính trị có thể lại xảy ra bất kỳ lúc nào.