Tân Thuận (IPC) lãi lớn dưới quyền điều hành của ông Phạm Phú Quốc
Công ty mẹ Tân Thuận có lợi nhuận sau thuế bán niên đạt gần 663 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ năm ngoái. Tân Thuận đang sở hữu hệ thống thành viên chất lượng như Phú Mỹ Hưng, Tân Thuận (TTC), Long Hậu…
Ông Phạm Phú Quốc từng giữ vị trí quan trọng tại nhiều doanh nghiệp Nhà nước của TP HCM
Việc ông Phạm Phú Quốc có tên trong Hồ sơ Síp đang thu hút sự chú ý trên truyền thông. Hồ sơ này cho biết những ai đầu tư ít nhất 2,15 triệu euro (khoảng 59 tỷ đồng) để sở hữu hộ chiếu Cộng hòa Síp có thể được đi lại, làm việc tự do ở 27 nước thành viên EU và có thể nhập cảnh vào 174 quốc gia mà không cần visa.
Trả lời trên báo giới mới đây, ông Quốc thừa nhận có quốc tịch Cộng hòa Síp vào năm 2018 và quốc tịch của ông do “gia đình bảo lãnh”, đang tiến hành các thủ tục để báo cáo cơ quan có thẩm quyền.
Theo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Quốc hội vừa được Quốc hội khóa 14 thông qua vào tháng 6 năm nay, ĐBQH Việt Nam chỉ được phép có 1 quốc tịch. Tuy nhiên, luật này đến 1/1/2021 mới có hiệu lực. Năm 2016, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường, cựu ĐBQH của Hà Nội, đã bị bác tư cách đại biểu vì sở hữu 2 quốc tịch (thêm quốc tịch Malta) nhưng không khai báo trong hồ sơ ứng cử.
Ông Phạm Phú Quốc sinh năm 1968, quê quán Quảng Trị, là Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và là đại biểu Quốc hội khóa XIV nhiệm kỳ 2016-2020 thuộc đoàn TP HCM. Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng tại doanh nghiệp như Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Bến Thành, Chủ tịch HĐQT Khahomex, Tổng giám đốc Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP HCM (HFIC), Chủ tịch HĐQT Thương mại - Dịch vụ Bến Thành, thành viên HĐQT Thương mại Hóc Môn…
Ngày 3/12/2019, UBND TP HCM điều động và bổ nhiệm ông Phạm Phú Quốc giữ chức vụ Thành viên không chuyên trách HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) trong thời gian 5 năm.
Quyết định bổ nhiệm của ông Quốc được diễn ra sau khi ông Tề Trí Dũng (cựu Tổng giám đốc) bị khởi tổ, bắt giam hồi tháng 5/2019 do cáo buộc có hành vi tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.
Tân Thuận lãi lớn nửa đầu năm 2020
Công ty Tân Thuận sau hơn nửa năm dưới quyền điều hành của ông Quốc đã có kết quả kinh doanh khả quan. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 công ty mẹ dù đạt 20 tỷ đồng, giảm 10% nhưng lợi nhuận sau thuế lại đạt gần 663 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ năm ngoái.
Thực tế hoạt động của công ty mẹ Tân Thuận không quá phức tạp với doanh thu thuần thu chủ yếu từ cho thuê văn phòng. Tuy nhiên điểm hấp dẫn nhất ở doanh nghiệp này chính là nguồn thu khổng lồ từ các đơn vị thành viên.
Cụ thể trong nửa đầu năm nay, thu nhập khác từ lợi nhuận được chia của các đơn vị thành viên lên đến 644 tỷ đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ năm 2019. Trong đó nổi bật nhất là nguồn thu từ công ty Phát triển Phú Mỹ Hưng.
Phát triển Phú Mỹ Hưng là liên doanh giữa giữa Tân Thuận và Công ty Phú Mỹ Hưng Asia Holdings năm 1993. Đây là đơn vị phát triển khu đô thị Phú Mỹ Hưng diện tích 750 ha ở quận 7, TP HCM. Đây là một trong những khu đô thị hiện đại bậc nhất Sài Gòn với 5 cụm đô thị chạy dọc theo đại lộ Nguyễn Văn Linh dài 17,8km. Hiện Tân Thuận sở hữu 30% cổ phần liên doanh (giá gốc 250 tỷ đồng) này nhưng khoản lợi nhuận được chia các năm gần đây không thấp hơn 400 tỷ đồng/năm.
Công ty TNHH Tân Thuận (TTC) cũng là một liên doanh khác giữa Tân Thuận với Phú Mỹ Hưng Asia Holding. Liên doanh này được thành lập năm 1991 với việc đầu tư vào Khu Chế Xuất Tân Thuận, thu hút hơn 200 nhà đầu tư từ 20 quốc gia với tổng vốn đăng ký gần 1,7 tỷ USD. Khu chế xuất có vị trí thuận lợi khi nằm tại quận 7 và giáp ranh với quận 1, quận 2; có lợi thế hưởng thuế VAT 0%, miễn thuế xuất khẩu sản phẩm, miễn nộp thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài… Hiện Tân Thuận nắm giữ 31,5% cổ phần TTC với giá gốc 132 tỷ đồng.
Ngoài ra, Tân Thuận còn nắm giữ cổ phần ở một số doanh nghiệp khác như khu chế xuất Sepzone Linh Trung, doanh nghiệp khu công nghiệp Long Hậu (HoSE: LHG) và Hiệp Phước (UPCoM: HPI), công ty Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) đang phát triển khu dân cư An Phú Tây…
Tổng tài sản công ty mẹ Tân Thuận tại cuối tháng 6 là 5.682 tỷ đồng. Tính chất đầu tư thể hiện rõ như khoản đầu tư tài chính dài hạn lên đến 1.783 tỷ đồng, chi phí xây dựng dở dang 1.495 tỷ đồng (chủ yếu là dự án dở dang của các đơn vị thành viên). Thậm chí lượng tiền và tiền gửi ngân hàng ngắn hạn tăng 340 tỷ so với đầu năm lên 1.228 tỷ đồng, chiếm 64% tài sản ngắn hạn.