Tân Toàn quyền của Canada - nhà đấu tranh cho quyền của người bản địa
Nhà lãnh đạo người Inuit - bà Mary Simon sẽ giữ chức Toàn quyền mới, trở thành người bản địa đầu tiên đại diện cho Nữ hoàng Anh ở Canada.
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, nhà lãnh đạo người Inuit, bà Mary Simon sẽ là đại diện mới của Nữ hoàng Anh tại Canada, ghi dấu lần đầu tiên một người bản địa nắm giữ vai trò này.
Toàn quyền thứ 30 này của Canada từng đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Inuit Tapiriit Kanatami - một tổ chức quốc gia bảo vệ và thúc đẩy quyền và lợi ích của người Inuit.
Bà Simon khẳng định: “Tôi có thể tự tin nói rằng việc tôi được bổ nhiệm làm Toàn quyền là một thời khắc lịch sử và đầy cảm hứng đối với Canada và là một bước tiến quan trọng trên con đường dài hướng tới hòa giải."
Bà Simon lớn lên ở Kuujjuaq, một ngôi làng nhỏ bên bờ Vịnh Ungava ở Quebec, từng là phát thanh viên và nhà sản xuất của CBC North trước khi bắt đầu sự nghiệp kéo dài hàng thập kỷ ủng hộ quyền của người bản địa.
Bà Simon đã giúp đàm phán Thỏa thuận "Vịnh James và Bắc Quebec" vào năm 1975, một thỏa thuận mang tính bước ngoặt giữa người Cree và người Inuit ở phía Bắc Quebec, với chính quyền tỉnh và Hydro-Québec (tập đoàn điện lực của Quebec).
Được coi là "hiệp ước hiện đại đầu tiên" của Canada, tỉnh Quebec lần đầu tiên thừa nhận các quyền của người Cree và người Inuit ở khu vực Vịnh James - chẳng hạn như quyền săn bắn, đánh bắt và quyền tự quản ở một số khu vực - và đề nghị bồi thường tài chính để đổi lấy việc xây dựng các đập thủy điện mới nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của tỉnh.
Bà Simon được bầu làm Chủ tịch của Makivik Corp. vào năm 1982. Makivik Corp. được thành lập để quản lý các quỹ mà người Inuit nhận được từ sự phát triển trên vùng đất của họ.
Hiện tổ chức này đang quản lý các khoản đầu tư trị giá hàng chục triệu CAD, bao gồm cả cổ phần sở hữu tại Canadian North, một hãng hàng không lớn ở Bắc Cực.
Năm 1986, bà Simon đảm nhiệm việc dẫn dắt Inuit Circumpolar Conference (ICC), một tổ chức được thành lập vào năm 1977, đại diện cho người Inuit ở tất cả các nước Bắc Cực.
Trên cương vị "thuyền trưởng" chèo lái ICC, bà Simon đã đấu tranh vì hai ưu tiên cho người bản địa ở phía Bắc: bảo vệ lối sống của họ khỏi tác hại của môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế có trách nhiệm trên lãnh thổ truyền thống của người bản địa.
Năm 2002, cựu Thủ tướng Jean Chrétien đã bổ nhiệm bà Simon là Đại sứ Bắc Cực đầu tiên của Canada, một vị trí mà bà Simon hợp tác chặt chẽ với 8 quốc gia khác để thúc đẩy hợp tác trong khu vực. Bà Simon cũng từng đảm nhiệm cương vị Đại sứ Canada tại Đan Mạch.
Mặc dù chủ yếu đóng vai trò nghi lễ, song Toàn quyền cũng nắm giữ vị trí Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Canada và đại diện cho Canada tại các sự kiện, buổi lễ và các chuyến thăm chính thức trong và ngoài nước.
Bà Simon nói tiếng Anh và tiếng Inuktitut, nhưng không nói được tiếng Pháp. Đảng Tự do dưới quyền lãnh đạo lâm thời của ông Bob Rae đã từng phản đối việc bổ nhiệm ông Michael Ferguson làm Tổng kiểm toán vào năm 2011 vì lý do ông Michael Ferguson không sử dụng được tiếng Pháp.
Sau khi bà Julie Payette từ chức Toàn quyền Canada, Thủ tướng Justin Trudeau đã thành lập một tổ tư vấn nhằm giúp chính phủ xác định các ứng viên tiềm năng cho vị trí Toàn quyền.
Tổ tư vấn này do Bộ trưởng Các vấn đề liên chính phủ, ông Dominic LeBlanc làm Chủ tịch.
Canada đã không có đại diện của Nữ hoàng Anh kể từ ngày 21/1/2021 khi bà Julie Payette từ chức Toàn quyền Canada sau một cuộc điều tra độc lập về các cáo buộc bà ngược đãi một số nhân viên dưới quyền.
Sau khi bà Payette từ chức, ông Richard Wagner, Chánh án Tòa án tối cao Canada, đã kiêm nhiệm cương vị này.
Việc bổ nhiệm bà Simon diễn ra trong bối cảnh liên tiếp có những phát hiện chấn động liên quan đến hệ thống trường nội trú của Canada dành cho người bản địa. Công nghệ radar xuyên đất đã phát hiện hàng trăm hài cốt trẻ em gần các trường nội trú cũ.
Vào năm 2008, Chính phủ Canada đã xin lỗi tại Quốc hội và thừa nhận rằng tình trạng lạm dụng thể chất và tình dục trong hệ thống trường nội trú này diễn ra tràn lan.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 25/6 tiếp tục lên tiếng xin lỗi về chính sách đồng hóa người bản địa gây tổn thất lớn này./.