Tân tổng thống Philippines nhậm chức: Hướng đến phục hồi kinh tế và kiểm soát giá lương thực
Ông Ferdinand Marcos Jr đã bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống Philippines 6 năm tới vào thứ Năm (ngày 30/6).
Nhà tân lãnh đạo Philippines sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, từ lạm phát gia tăng, quá trình phục hồi từ đại dịch Covid-19 đến việc cân bằng quan hệ giữa các siêu cường Mỹ và Trung Quốc.
Nhà lãnh đạo 64 tuổi này vẫn chưa bổ nhiệm đầy đủ tất cả các vị trí trong nội các, tuy nhiên, cho đến nay, ông đã đề cử nhiều nhà kỹ trị có kinh nghiệm nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế để giúp giảm bớt một số lo ngại của thị trường về nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Những ưu tiên cần quan tâm ngay lập tức
Ông Marcos Jr tiếp nhận một nền kinh tế đang trên đà phục hồi vững chắc sau những khó khăn suốt thời kỳ dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này cũng chịu nhiều sức ép để duy trì đà phục hồi đó giữa bối cảnh lạm phát tăng cao. Việc đưa nền kinh tế chống chọi được với lạm phát sẽ là một ưu tiên hàng đầu của ông Marcos.
Từng cam kết trong chiến dịch tranh cử rằng sẽ giảm một nửa giá gạo, loại lương thực chính của quốc gia, ông Marcos Jr đã tự mình đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng nông nghiệp nước này với mục tiêu cấp bách là phải thúc đẩy sản xuất nông nghiệp để tăng cường an ninh lương thực và cũng giúp kiểm soát giá lương thực.
Lạm phát gia tăng do chi phí thực phẩm và nhiên liệu cao hơn đã khiến Philippines phải cùng hành động với các nước khác trong việc thực hiện các biện pháp kích thích chính sách. Thống đốc ngân hàng trung ương mới của Philippines Felipe Medalla đã ra tín hiệu về việc thực hiện một loạt các đợt tăng lãi suất dần dần để chống lại lạm phát.
Các chương trình dài hạn
Cơ sở hạ tầng yếu kém từ lâu đã là trở ngại cho việc thu hút đầu tư nước ngoài ở Philippines. Và việc nâng cấp các cảng, đường bộ, đường sắt, nhà ga hàng không, hệ thống truyền tải điện và các cơ sở hạ tầng công ích khác đã là nhu cầu cần thiết từ lâu nay.
Đội ngũ của ông Marcos Jr nói rằng họ sẵn sàng khai thác các quỹ tư nhân để phát triển cơ sở hạ tầng và sẽ tiếp tục chương trình "Xây dựng, Xây dựng, Xây dựng" bị trì hoãn bởi đại dịch Covid-19 của người tiền nhiệm Rodrigo Duterte.
Việc thúc đẩy dự án này sẽ giúp ông Marcos Jr mang lại những kết quả rõ ràng cho đời sống người dân, đồng thời tạo ra việc làm và thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, để tránh bị ràng buộc về nguồn vốn, ông Marcos Jr và nhóm cố vấn kinh tế của ông cũng sẽ cần kiểm soát nợ chính phủ đã tăng lên tới 60,5% GDP vào cuối năm 2021, tỷ lệ cao nhất trong 16 năm qua, trong khi mức trước đại dịch là 39,6%.
Bộ trưởng Tài chính mới của Philippines là ông Benjamin Diokno đã nói rằng ông muốn tập trung vào việc cải thiện quản lý thuế, bao gồm giảm tình trạng tham nhũng để tăng nguồn thu cho ngân sách.
Cách tiếp cận nào cho vấn đề khai thác mỏ?
Ông Marcos Jr đang phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn là cân bằng giữa lợi ích kinh tế của việc khai thác tài nguyên khoáng sản khổng lồ còn nhiều tiềm năng của Philippines với việc bảo vệ môi trường tự nhiên nước này.
Khai thác mỏ hiện chỉ chiếm 1% sản lượng kinh tế của Philippines và ước tính chỉ khoảng 5% khoáng sản của nước này được khai thác cho đến nay. Một phần ba diện tích đất của họ đang được các chuyên gia đánh giá là có tiềm năng khoáng sản cao.
Ông Marcos Jr đã nói rằng ông sẽ thúc đẩy việc "khai thác sạch" và muốn thấy ngành khai thác mỏ đạt doanh thu cao từ việc xuất khẩu các loại quặng đã được chế biến thay vì nguyên liệu thô ban đầu. Philippines là nhà cung cấp quặng niken thô lớn nhất của Trung Quốc.
Chính sách đối ngoại của ông Marcos sẽ ra sao?
Trong khi ông Marcos Jr được nhiều người đánh giá là thân thiện với Trung Quốc, các nhà quan sát chính trị tin rằng cách tiếp cận của ông sẽ khác với người tiền nhiệm Duterte, người đã xích lại gần Bắc Kinh - trong khi đe dọa hạ cấp quan hệ với Mỹ.
Ông Marcos Jr cho biết trong chiến dịch tranh cử rằng ông sẽ phải chọn lựa "đi một đường rất, rất cân bằng" giữa Bắc Kinh và đồng minh hiệp ước quốc phòng Washington.
Trong khi bày tỏ ý định nâng cao quan hệ với Trung Quốc, ông Marcos cũng tuyên bố sẽ đứng vững trước bất kỳ mối đe dọa nào mà Bắc Kinh đặt ra đối với các lợi ích chủ quyền của Philippines.
Richard Heydarian, một tác giả và là một học giả chuyên về chính trị và quan hệ đối ngoại, cho biết: "Ông Marcos nhận ra công chúng đang rất hoài nghi với cách tiếp cận thân thiện với Trung Quốc nhiều năm qua của ông Duterte vì nó không mang lại nhiều kết quả".
Nhà phân tích Heydarian cũng cho rằng việc duy trì quan hệ đồng minh giữa Philippines và Mỹ sẽ là điều cần thiết để đảm bảo được niềm tin của quân đội và công chúng tại một quốc gia có mối liên hệ chặt chẽ trong lịch sử với Mỹ.