Tân Tổng thư ký NATO đến Kiev chỉ 2 ngày sau nhậm chức, Ukraine được dịp 'tỏ nỗi lòng', đem Israel ra so kè, Mỹ 'dội gáo nước lạnh'

Ngày 3/10, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte đã đến thủ đô Kiev của Ukraine, 2 ngày sau khi ông nắm quyền lãnh đạo liên minh quân sự từ người tiền nhiệm Jens Stoltenberg.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc gặp tại Kiev vào ngày 3/10. (Nguồn: Telegram)

Tổng thư ký NATO Mark Rutte (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc gặp tại Kiev vào ngày 3/10. (Nguồn: Telegram)

Báo điện tử The Kyiv Independent đưa tin, phát biểu tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev, ông Mark Rutte tái khẳng định con đường hướng tới NATO của Kiev quốc gia Đông Âu là "không thể đảo ngược".

Tân Tổng thư ký NATO nói: "Chúng tôi tập trung vào việc mời Ukraine tham gia liên minh. Đây là một bước rất quan trọng và khó. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để đạt được nó".

Theo nhà lãnh đạo Ukraine, tại cuộc gặp với ông Rutte, hai bên trao đổi về việc thực hiện các kết quả đã đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington hồi tháng 7, và về khả năng cùng đánh chặn máy bay không người lái và tên lửa của Nga.

Tổng thống Zelensky phát biểu: "Việc chung tay đánh chặn tên lửa của Iran (Mỹ và Pháp hỗ trợ Israel đánh chặn các tên lửa trong cuộc không kích lớn của Tehran nhằm vào Israel tối 1/10 - PV) không khác gì việc chung tay đánh chặn tên lửa của Nga, đặc biệt là 'Shaheds' (tên lửa do Iran sản xuất mà Nga đang sử dụng - PV)".

Cho đến nay, các đối tác phương Tây vẫn từ chối giúp Ukraine bắn hạ máy bay không người lái và tên lửa trên lãnh thổ nước này vì lo ngại hành động này có thể bị coi là tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột với Nga, hiện đã bước sang năm thứ 3.

Tân Tổng thư ký Mark Rutte là một trong những đồng minh trung thành nhất của Kiev, dẫn đầu các sáng kiến như cung cấp máy bay F-16 cho Ukraine. Trong phát biểu sau khi nhận chức Tổng thư ký NATO hôm 1/10, ông cho biết, Ukraine sẽ vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của mình.

Bên cạnh đó, ông Zelensky cho rằng: "Ukraine cần củng cố vị thế của mình ở tuyến đầu để có thể gia tăng sức ép lên Nga vì mục đích ngoại giao. Đây là lý do tại sao đất nước này cần một số lượng và chất lượng vũ khí đủ lớn, bao gồm cả vũ khí tầm xa, mà theo tôi, việc cung cấp đang bị các đối tác của chúng ta trì hoãn".

Nhà lãnh đạo nhấn mạnh, mục tiêu chính của Ukraine là trở thành thành viên NATO thứ 33 của một cách đầy đủ.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ cùng ngày đã "dội gáo nước lạnh" vào mong muốn phương Tây hỗ trợ bắn hạ các tên lửa của Nga trên bầu trời Ukraine. Trả lời câu hỏi về khả năng này, Phó Thư ký báo chí Lầu năm góc Sabrina Singh tuyên bố nếu các lực lượng đồng minh phương Tây làm điều đó sẽ lôi kéo Mỹ vào cuộc xung đột.

Hiện nay, Mỹ cho rằng, Ukraine "có khả năng tự vệ" và Washington sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine những sự hỗ trợ cần thiết.

Theo bà Singh, Mỹ và các nước khác có nguồn dự trữ tên lửa tầm xa hạn chế và yêu cầu quan trọng là phải đánh giá khả năng sẵn sàng chiến đấu của Ukraine khi quyết định sử dụng loại vũ khí này.

Tình báo Mỹ cảnh báo Washington và các đồng minh về những hậu quả nguy hiểm tiềm tàng khi cho phép Ukraine tấn công sâu vào bên trong lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa của phương Tây.

Bảo Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tan-tong-thu-ky-nato-den-kiev-chi-2-ngay-sau-nham-chuc-ukraine-duoc-dip-to-noi-long-dem-israel-ra-so-ke-my-doi-gao-nuoc-lanh-288700.html