Tận tụy với bản làng

Họ có điểm chung là sẵn sàng lặn lội đến từng bản, làng heo hút để 'đi từng ngõ, gõ từng nhà' tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô dần xóa bỏ những hủ tục lạc hậu đã đeo đẳng dưới những mái nhà sàn từ thuở lập bản, lập làng; hay trở thành người 'truyền cảm hứng' cho các em học sinh dân tộc Vân Kiều, Pa Kô vươn lên trong học tập.

Nữ hộ sinh Hồ Thị Thục hướng dẫn chị em phụ nữ dân tộc Bru Vân Kiều chăm sóc sức khỏe sinh sản - Ảnh: S.H

Nữ hộ sinh Hồ Thị Thục hướng dẫn chị em phụ nữ dân tộc Bru Vân Kiều chăm sóc sức khỏe sinh sản - Ảnh: S.H

Không còn “vượt tuyến”

Tốt nghiệp Trường Trung cấp Y tế Huế, năm 1992 nữ hộ sinh Hồ Thị Thục về nhận công tác tại Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa. Đến năm 2018, nữ hộ sinh Hồ Thị Thục quyết định chuyển công tác về Trạm Y tế xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa. Vào nhận công tác ở Trạm Y tế xã Hướng Việt hôm trước, hôm sau nữ hộ sinh Hồ Thị Thục đã xuống các bản, làng để tìm hiểu, hướng dẫn chị em phụ nữ chăm sóc sức khỏe sinh sản; chăm sóc dinh dưỡng.

Qua 6 năm gắn bó với Trạm Y tế xã Hướng Việt, nữ hộ sinh Hồ Thị Thục đã “mòn gót chân” đến từng hộ gia đình để vận động chị em phụ nữ không sinh đẻ ở nhà mà phải đến Trạm Y tế xã Hướng Việt; tư vấn về chăm sóc trẻ trong 1.000 ngày vàng; vận động các thành viên trong gia đình tích cực tham gia thực hành dinh dưỡng tại nhà đúng cách cho trẻ với các thực phẩm có sẵn tại địa phương.

Bằng những việc làm thiết thực trên, đến nay tỉ lệ chị em phụ nữ đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều đến Trạm Y tế xã Hướng Việt để sinh nở chiếm 80%; chưa có trường hợp nào bị tai biến sản khoa. Và chỉ những trường hợp sinh khó mới được đưa lên tuyến trên. Ngoài ra, nữ hộ sinh Hồ Thị Thục đã cùng với các y, bác sĩ ở Trạm Y tế xã Hướng Việt vận động người dân ở các bản, làng trên địa bàn xã Hướng Việt thu gom rác thải; truyền thông về vệ sinh môi trường.

Truyền cảm hứng” cho học sinh

Cô giáo Võ Thị Mỹ Dung cứ băn khoăn rằng, so với nhiều thầy, cô giáo khác gắn bó trọn vẹn đời người với sự nghiệp “trồng người” ở các bản, làng vùng cao của huyện miền núi Hướng Hóa thì thành tích của cô “không nhiều”.

Thành tích “không nhiều” của cô giáo Võ Thị Mỹ Dung là bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ vì đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo đối với đồng bào dân tộc thiểu số năm 2010; bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” năm 2020- 2021 cùng nhiều bằng khen, giấy khen, danh hiệu chiến sĩ thi đua.

Cô giáo Võ Thị Mỹ Dung đang giảng bài cho các em học sinh - Ảnh: S.H

Cô giáo Võ Thị Mỹ Dung đang giảng bài cho các em học sinh - Ảnh: S.H

Cô giáo Võ Thị Mỹ Dung cho biết, năm 2001, tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Huế, cô về nhận công tác tại Trường THCS Khe Sanh, huyện Hướng Hóa. Mặc dù về công tác ở trường đóng trên địa bàn thị trấn Khe Sanh nhưng do đặc thù là huyện miền núi nên tỉ lệ học sinh dân tộc Vân Kiều, Pa Kô chiếm 30-40%.

Nhiều em học sinh dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở bản Pa Nho, Khóm 5,6 (thị trấn Khe Sanh) phải vượt quãng đường từ 7-10 km để đến trường, nên nhiều hôm trời mưa to, gió lớn hoặc về mùa đông lạnh giá, một số em học sinh không đi học. Những lần như vậy, cô giáo Mỹ Dung cùng các đồng nghiệp phải lặn lội vào tận bản, tận nhà để “gọi” học sinh đi học.

Trong giảng dạy, chỉ tính riêng năm học 2023-2024, cô giáo Võ Thị Mỹ Dung đã bồi dưỡng 3 học sinh giỏi môn Sinh được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh và đoạt 2 giải Nhất, 1 giải Nhì.

Cô Dung luôn tham gia viết và ứng dụng sáng kiến, kinh nghiệm đạt kết quả cao; sử dụng đầy đủ và có hiệu quả các đồ dùng dạy học trong mọi tiết dạy để năng cao chất lượng và hiệu quả học tập cho học sinh; thường xuyên nghiên cứu sách tham khảo để tìm ra phương pháp giảng dạy mới, nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình giảng dạy, soạn bài bằng giáo án điện tử; cập nhật các thành tựu về khoa học kỹ thuật trong các bài giảng để nâng cao hiệu quả giờ dạy.

“Là người con của dân tộc Vân Kiều nên tôi có lợi thế là có thể “truyền cảm hứng” vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập cho các em học sinh đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Thực tế, nhiều em học sinh đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô của Trường THCS Khe Sanh đã đạt thành tích cao về học tập trong những năm qua”, cô giáo Võ Thị Mỹ Dung chia sẻ.

Tiến Sỹ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/tan-tuy-voi-ban-lang-189776.htm