Tàn Tuyết - hướng đến một nền văn học thế giới
Những câu chuyện là cái cớ để tác giả thực hành lối viết của mình. Từ lối viết ấy, câu chuyện quan trọng hơn được hiện diện: Ngôn ngữ tạo nên thế giới, định hình góc nhìn tác giả.
Những chuyện tình thế kỷ mới của Tàn Tuyết, Thúy Hạnh dịch (Nhã Nam liên kết Nhà xuất bản Phụ nữ). Sách dày hơn 500 trang, đọc mỏi mệt mà lôi cuốn, nhiều lúc muốn buông xuống, nhưng rồi lại gắng để đi hết “đường hầm” với hi vọng tìm được lối ra giữa những hun hút, tăm tối, hoang đường và chằng chịt phi lý.
Thế giới này sẽ thật phi lý, nếu chúng ta nhìn nó bằng những hình thức đã đông cứng bởi quan niệm. Nhưng, Albert Camus, với sự tỉnh táo của mình, đã nói thế giới này không phi lý (tiểu luận: Giao cảm, Bề trái & Bề mặt) chỉ có những nhu cầu, đòi hỏi và giới hạn của chúng ta làm cho nó trở nên phi lý.
Bởi vậy, đọc Tàn Tuyết, cho đến dòng cuối cùng, tôi nhận ra, nỗ lực của mình có thể đã không uổng phí. “Tấm giấy thông hành” phải chờ đến tận trang 521 (và cả sự gợi ý của người dịch) tôi mới được nhận, tựa như nhân vật A Ti phải vượt qua cống ngầm tối tăm, hôi hám, tanh tưởi, với vết cắn của con bọ cạp đỏ để bước vào thế giới bí ẩn của những gì đang thực sự tồn tại. Nhưng, chắc gì tấm giấy thông hành đó sẽ giúp ích cho tôi?
Đường hầm đi qua bóng tối
Điều gì đang diễn ra trong thế giới Những chuyện tình thế kỷ mới? Tôi có thực sự hiểu không? Tôi không chắc, nhưng tôi chấp nhận nó (những phi lý, hoang đường, hỗn loạn, rời rạc) như là một phần của đời sống trong cái nhìn linh hoạt hơn. Ở đây, tôi thấy mình như cô giáo Tiểu Viên khi dừng chân ở huyện Sào và dần học được sự giao tiếp bí ẩn với thế giới xung quanh.
Sẽ cần một sự đảo ngược trong hành trình này để phá bỏ định kiến hay những quy chuẩn về tính hợp lý, hợp thức của tồn tại. Cô giáo thành học trò; thứ bậc đẳng cấp giai tầng bị hóa giải; học trò - trẻ con và những con người bình thường - dưới đáy; cả cỏ cây muông vật cũng sẽ trở thành đối tượng hướng dẫn, chỉ bảo trong logic chiều sâu của thế giới ấy.
Những chuyện tình thế kỷ mới chẳng thể tóm tắt lại được, cũng khó mà kể lại cho ai đó chưa đọc. Đó hẳn là một thất bại theo cái nhìn tự sự kiểu cũ. Mười một chương gắn với câu chuyện của những nhân vật, móc nối vào nhau với cảm giác rời rạc nhưng lại mật thiết.
Cốt lõi nhất về mặt tư tưởng, cơ hồ có thể gợi ra đối với ai sẽ đọc cuốn sách, là tình yêu và khát vọng của con người trong sự hoang tàn của thân phận và thế giới. Sự giằng xé và tranh đấu giữa khả năng lụi tàn với hy vọng vượt thoát, giữa bất hạnh và hạnh phúc, giữa cái tưởng như phi lý và sự hợp lý được giăng lên như là khí hậu chủ đạo của câu chuyện.
Những cô gái (Ngưu Thúy Lan, Long Tư Hương, Kim Châu, A Ti…) rời bỏ nhà máy, công việc để đi làm gái mại dâm cùng khát vọng xây dựng hạnh phúc cho bản thân; những người đàn ông (Vi Bá - công chức phổ thông, Ông Vưu - nhà giám định đồ cổ, A Viện - Kẻ buôn thuốc phiện), luôn tự giày vò mình bởi sự hèn kém, lưu manh, u minh, vô dụng lại được khoác lên khát vọng đi tìm chân lý cho sự hiện hữu; và nhiều nhân vật khác nữa.
Một điều có thể hình dung về các nhân vật trong Những chuyện tình thế kỷ mới là phần lớn họ bị giam nhốt trong một thế giới tối tăm, ngột ngạt, tù đọng, cùng những mối quan hệ phi lý. Nhưng, đó là cái nhìn của chúng ta. Họ không thấy như vậy. Mọi sự đều có nguyên do của nó và họ sống trong đó như một lẽ thường.
Tàn Tuyết có lẽ đã muốn người đọc thay đổi quan niệm về đại tự sự, khi bà tạo dựng thế giới của Những cuộc tình thế kỷ mới.
Tuy vậy, rất nhiều câu hỏi cứ giăng mắc trong tác phẩm: Tôi có hiểu không? Tôi làm sao hiểu được? Điều gì xảy ra trên mảnh đất này vậy? Tôi tìm kiếm điều gì? Rốt cuộc là thế nào?... Không có câu trả lời trực tiếp đáp lại. Chỉ có những diễn biến ngày một mơ hồ, bí ẩn, như là tiếng vọng phía cuối đường hầm (hãy để ý, đường hầm là một biểu tượng trong tác phẩm này).
Xét từ góc độ sự kiện, Những chuyện tình thế kỷ mới không có câu chuyện gì lớn - hiểu theo nghĩa là những biến cố trọng đại/ đại tự sự. Thế nhưng, như cái tên đã gợi lên, Những chuyện tình thế kỷ mới có câu chuyện của đời sống - tình yêu - khát vọng và hành trình đi qua bóng tối, đường hầm của các nhân vật.
Đường hầm là số phận, là không gian sống, ẩn chứa những bí ẩn, bí mật không dễ thuyết phục người đọc quá tin vào logic. Chuyện tình của những con người dưới đáy, những cô gái mại dâm, những người đàn ông tìm kiếm dịch vụ tình dục… nhưng không gợi lên cảm giác suy đồi hay trụy lạc. Họ tìm kiếm và khao khát hạnh phúc một cách rất chính đáng trong chính thế giới - hoàn cảnh bi đát của thân phân.
Thay đổi quan niệm về đại tự sự?
Không có câu chuyện lớn, nhưng sự thật, lại là những câu chuyện rất lớn, nếu nhìn từ sự sống vĩ đại của con người, thế giới, tự nhiên, vũ trụ… Tàn Tuyết có lẽ đã muốn người đọc thay đổi quan niệm về đại tự sự, khi bà tạo dựng thế giới của Những cuộc tình thế kỷ mới.
Những nhân vật như Ngưu Thúy Lan, Long Tư Hương, A Ti, Kim Châu, Vi Bá, Tiểu Viên, Lão Vưu, A Viện… kể câu chuyện gì, tìm kiếm điều gì? Tình yêu, hạnh phúc, con đường để đạt được mơ ước, để thoát khỏi sự lụi tàn của số kiếp, để được sống với cảm xúc thực sự của bản thân… có lẽ là trọng tâm trong hệ thống sự kiện của Những chuyện tình thế kỷ mới.
Thế giới của Những chuyện tình thế kỷ mới, trong vẻ phi lý của nó gợi lên điều bất ổn, không hoàn hảo, đầy những chi tiết khiến chúng ta phải dừng lại để quan sát và suy ngẫm. Tàn Tuyết muốn nói điều gì sau những hình thức phi lý ấy? Truyền thống kể chú trọng vào sự hợp lý của logic tâm trạng nhân vật, sự việc, thời gian, không gian, ngôn ngữ… dường như đã bị phá hủy tất cả. Sự rời rạc được kiểm soát một cách có hệ thống cho thấy tác giả làm chủ thủ pháp cũng như ý hướng của mình.
Xin được dẫn một vài ví dụ để minh chứng cho cuộc đào thoát của trật tự, logic ra khỏi ngôn ngữ, văn cảnh, tâm trạng, sự kiện mà Tàn Tuyết đã dựng nên: “Ngày thứ ba sau khi cắn răng làm cho xong công việc khổ sai như cực hình, đến khi nằm xuống chiếc giường trong buồng giam, anh chợt cảm thấy một niềm hạnh phúc ấm áp trào dâng trong tim… Mặc dù buồn ngủ rũ rượi, nhưng cơn đau rát khủng khiếp hai bên vai khiến anh không thể ngủ nổi. Vi Bá thầm cảm ơn cơn đau đã khiến suy nghĩ của anh linh hoạt hơn, sản sinh thêm những tưởng tượng kỳ diệu” (trang 321).
“A Ti à, cô là người đầu tiên trong nhà máy đi bán dâm, tôi đã ghi lại một vài câu chuyện về cô rồi. Nhà máy dệt sắp biến khỏi mặt đất, nhưng lịch sử sẽ không bao giờ biến mất. Phân xưởng địa ngục này đã đào tạo nên một người phụ nữ xuất sắc như cô, đúng là một phép mầu giữa đời thường. Cô, cánh chim tình yêu, giờ đây sẽ càng bay cao bay xa hơn, cô sẽ không dễ dàng rơi xuống phải không?” (trang 480).
Ngôn ngữ không phù hợp với nhân vật, với tâm trạng và hoàn cảnh là điều dễ nhận ra. Những cô gái phải làm lụng trong các nhà máy cực khổ, tàn phá tuổi trẻ, hi vọng, tương lai của họ. Từ đó, họ bỏ ra ngoài, đi làm gái mại dâm, đối diện với những khó khăn trong cuộc sống tối tăm, tù đọng, bất trắc, phi lý… Thế nhưng, người đọc sẽ bắt gặp một cách nói, cách nghĩ rất khác về họ, trong một hệ thống diễn ngôn mang màu sắc cao cả, vĩ đại, giàu sắc thái huyền thoại: họ là phép mầu, là lịch sử, là huyền thoại, là cánh chim tự do, là người khai mở hay dẫn dắt cộng đồng…
Chính tại đây, người đọc phải dừng lại để ngẫm nghĩ về tính hợp thức của cái biểu đạt và cái được biểu đạt, giữa nghĩa và ý nghĩa, giữa ngôn ngữ và đối tượng - hình tượng được phản ánh. Phá hủy mối quan hệ logic của cái biểu đạt và cái được biểu đạt là cách để Tàn Tuyết hướng người đọc đến một cách đọc khác, nghĩ khác, hoài nghi hay chất vấn, kiếm tìm một trật tự biểu đạt khác phía sau ngôn ngữ: “Hắn ta nắm chặt tay phải của A Ti giống như gã buôn thuốc phiện, rồi cùng cô bước vào đường cống thum thủm thối. Dù trong bóng tối hôi hám, A Ti vẫn có thể ngửi thấy mùi cơ thể của gã đàn ông, đó là mùi kim hoa ngân tươi mát khiến đầu óc người ta khoan khoái, hoàn toàn trái ngược với vẻ bề ngoài thô lỗ của hắn ta” (trang 471).
Có thể thực hành viết này của Tàn Tuyết gợi về những cách diễn đạt to lớn như giải cấu trúc, giải huyền thoại, hậu hiện đại… nhưng kỳ thực, bà đã làm điều đó một cách lặng lẽ, tự nhiên mà triệt để. Người đọc không cảm thấy tác giả phải cố gắng quá sức trong việc tước bỏ quyền lực của các diễn ngôn mang tính đại tự sự. Thể hiện lối viết tự do cũng chính là cách tìm thấy sự tự do, đó là điều mà Tàn Tuyết hẳn đã gửi gắm trong tác phẩm của mình.
Sự đan cài của các yếu tố phi lý, thực tại và tâm linh, cái trực nhận và cái ẩn giấu… đã làm cho thế giới của Tàn Tuyết trở nên linh động hơn.
Những chuyện tình thế kỷ mới rất tiêu biểu cho vấn đề "Viết như thế nào?". Xét ra, những câu chuyện chỉ là cái cớ để tác giả thực hành lối viết của mình. Nhưng, từ lối viết ấy, câu chuyện quan trọng hơn được hiện diện: Ngôn ngữ tạo nên thế giới, định hình góc nhìn, thái độ, quan điểm của người viết.
Ngôn ngữ là của chung, lối viết và văn phong là tài sản riêng của mỗi nhà văn. Người đọc bước vào thế giới ấy là bước vào một hiện thực của quan niệm, không trùng khít với kinh nghiệm của mình. Bởi vậy, mọi thứ sẽ không bị trôi đi, thậm chí nó luôn đòi hỏi người đọc phải dừng lại, vấp ngã vào trong các tình huống ngôn ngữ khác biệt, các biến cố - sự việc phi lý. Chẳng phải đời sống vốn là như thế hay sao?
Nhưng, văn chương đâu cần chúng ta đối chiếu để xem nó hợp lý hay tương thích đến mức nào với thực tại. Văn chương (và nghệ thuật nói chung) là một thế giới khác, thế giới của tinh thần, của tư tưởng. Bởi thế, trải nghiệm văn chương là bước vào một thế giới vốn không cần - không được quy ước. Dẫu vậy, đâu đó trong những đường hầm, những hành lang, con đường, căn phòng, bến cảng, khu vườn, ngọn núi, làng quê… vẫn cất giữ những sợi dây liên kết, nhằm níu giữ con người trong một cấu trúc mật thiết.
Giải trừ kinh nghiệm và tiến đến hóa giải những chuẩn định cứng nhắc trong việc nhận thức thế giới là điều mà Tàn Tuyết thực hành một cách có chủ đích trong Những chuyện tình thế kỷ mới. Sự đan cài của các yếu tố phi lý, thực tại và tâm linh, cái trực nhận và cái ẩn giấu… đã làm cho thế giới của Tàn Tuyết trở nên linh động hơn. Cùng với tình yêu và khát vọng, sắc thái bí ẩn, mơ hồ, huyền ảo đã nuôi dưỡng nguồn mạch của sự sống một cách bền bỉ.
Những câu hỏi giăng đầy trong tác phẩm bám riết lấy người đọc. Nhưng, đó cũng là những câu hỏi muôn thuở của đời sống con người ở bất cứ nơi đâu. Và như thế, quả tình, Tàn Tuyết “viết không chỉ cho dân tộc mình mà viết cho một cộng đồng độc giả mang tính toàn cầu - một cộng đồng văn học thế giới” như lời người dịch.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tan-tuyet-huong-den-mot-nen-van-hoc-the-gioi-post1410574.html