Tản văn: Con sẽ gặp lại ông
Con bây giờ đã đủ trưởng thành để hiểu hết những thứ xung quanh nhưng trái tim con thật sự đã chết lặng kể từ giây phút ông rời đi.
Ông kính yêu!
Đã 200 ngày ông rời xa con! Đây có phải là hình phạt cuối cùng mà ông dành cho con không? Thời gian trôi qua nhanh ông nhỉ? Nhanh đến mức khiến con người ta phải ngộp thở vì nó. Con bây giờ đã đủ trưởng thành để hiểu hết những thứ xung quanh nhưng trái tim con thật sự đã chết lặng kể từ giây phút ông rời đi.
Lời hứa ngày tháng đó bây giờ phải làm sao ông nhỉ? Ông từng hứa sẽ đợi đến khi con đậu đại học, hứa sẽ thật mạnh khỏe, hứa sẽ cùng con và bà làm vườn; từng nói đợi đến khi ông khỏe sẽ nấu thật nhiều món ngon cho con ăn cơ mà? Vậy mà ông chẳng giữ lời chút nào. Con không trách ông, con trách chính mình vì đã không nói lời yêu thương ông nhiều hơn.
Để con kể ông nghe, từ ngày ông đi, cuộc sống xung quanh thay đổi nhiều lắm. Chiều chiều, vườn cây chẳng còn ai xách từng xô nước ra tưới nữa. Những nhành hoa, chậu cây cảnh từ lâu đã chẳng được ai chăm sóc, chẳng được tỉa bớt lá. Bể cá cũng chẳng ai dọn.
Bà ít cười hơn, mọi người thì cố gắng vùi mình vào công việc để quên đi nỗi nhớ ông và con cũng thế… Con cố quên nỗi nhớ bằng cách đến trường, gặp gỡ bạn bè, nghe những bản nhạc. Nhưng thú thực, điều đó càng khiến con da diết nhớ ông hơn.
Ông ạ! Ở trưởng, con cũng đạt được một số thành tích nho nhỏ, nhưng tiếc là cảm xúc trong con chẳng còn háo hức vui mừng như xưa nữa. Con chẳng thể chạy về và khoe với ông, giờ đây con chỉ có thể ngồi bên bàn thờ và kể ông nghe thôi. Đau không? Tủi thân không? Có chứ, rất đau, rất tủi thân.
Tủi thân vì không được ông cho kẹo, không được nghe ông khen giỏi và thưởng tiền nữa đấy. Những lúc tủi thân, con thường chạy ra mộ ông, chẳng nói gì cả, chỉ biết nhìn và khóc... và khóc… Vốn dĩ, con là một đứa lạc quan và tích cực, chẳng ai nghĩ rằng sau nụ cười ngây thơ đó là những lần lủi thủi khóc một mình vì nhớ ông; những lần day dứt, hối hận vì chẳng thể ôm ông nhiều hơn, những lần trách móc bản thân vì không nói yêu ông, những lần tủi thân vì nhớ hơi ấm đó.
Ông ạ! Chưa bao giờ con ghét thời gian đến thế. Mới ngày nào còn cùng ông làm diều bằng tờ báo và cơm dẻo; cùng ông đan rổ, làm tủ, làm vườn; cùng ông đi học trên con xe “tám mốt”. Mới ngày nào ông còn chạy theo khắp các ngõ để tập xe đạp cho con. Vậy mà thời gian 200 ngày ấy đã cướp của con tất cả.
Ông có biết không, đã bao nhiêu lần con trốn ông để đi hái xoài non, trèo cây hái khế, hái cóc… Thuở thơ ấu đấy đến bao giờ mới được quay lại đây? Giờ đây, con thật sự mới nếm trải những khoảnh khắc cô đơn, thương nhớ, hiểu rõ nó là cảm giác như thế nào.
Nó không phải là bị đánh đến bất tỉnh, không phải là sự phản bội hay là thất bại, càng không phải là bị mảnh thủy tinh cứa rách chân phải khâu nhiều mũi mà nó là thế này đây, là mất đi chấp niệm lớn nhất cuộc đời, mất đi người mình yêu thương nhất, người mà cứ ngỡ sẽ bên họ cả đời.
Ông à! Nhớ hồi bé, con từng nói, đợi 30 năm nữa cháu sẽ mua một chiếc ô tô và chở ông đi vòng quanh thành phố. Khi ấy, ông cười và nói với con rằng: “30 năm nữa, khi ấy ông xuống huyệt rồi”.
Con không hiểu bèn hỏi lại:
- Xuống huyệt là gì thế ạ?
- Là chết – Ông trả lời.
- Chết là như thế nào ạ, tại sao ông phải chết? – con tò mò hỏi tiếp.
- Là không còn sống nữa – Ông bình thản trả lời.
- Ơ thế nếu ông chết đi thì sẽ ở đâu? Con có được gặp ông nữa không?
- Con sẽ chẳng được nhìn thấy ông nữa, bởi ông sẽ đến một nơi xa, ai mà biết được nó sẽ ở đâu, chỉ biết nó rất xa thôi.
Lúc đó, dù đã hiểu từ “chết” nhưng con vẫn vờ như không biết và vẫn thản nhiên nghĩ nó sẽ chẳng bao giờ xảy ra với ông cả. Nếu được hỏi, mùi vị khiến con lưu luyến mãi là gì thì chắc chắn câu trả lời sẽ là mùi vị thân thương của ông bà ngoại.
Mùi của đất ải, mùi của hương bạc hà còn vương chút trên tóc của ông - người nông dân miền quê, sau những lần ra khu vườn xanh hoa trái. Được hít mùi hương da diết đó là điều khiến con dễ đi vào giấc ngủ nhất. Con quen mùi ông bà đến mức, nếu thiếu thì rất khó ngủ.
Ông ơi, con nhớ! Tuổi thơ của ông là những bom đạn chiến tranh, những năm tháng loạn lạc nghèo khổ, những kiếp nạn đói năm 1945, còn tuổi thơ của con được gói gọn trong ngôi nhà bé nhỏ của ông bà. Là những tháng ngày long nhong ngoài đồng chờ bà gặt lúa, những ngày lẽo đẽo theo ông ra vườn để rồi bị chó hàng xóm đuổi chạy khắp làng, là những bữa ăn cá cơm muối vừng, xơ mít cùng vài con mắm.
Ông thường kể con nghe về nạn nói 1945, những vất vả khó khăn lúc ông đi chiến trường, kể con nghe cảm giác đi qua đường mòn Hồ Chí Minh, ngồi hát bài ca du dương cùng những đồng chí chiến hữu, đặt tay con lên vết sẹo vẫn còn viên đạn… Lúc cảm nhận được viên đạn trong đùi của ông con như muốn khóc, khi ấy con mới thấm được nỗi đau đớn của những chiến sĩ thời ấy và cũng cảm ơn vì ông đã cố gắng sống đến tận bây giờ để lấp đầy tuổi thơ con.
Ông biết không? Khi lần đầu đón nhận nỗi buồn, con biết rằng tuổi thơ mình đã hết. Những ngày tháng ông bệnh nặng nằm trong viện, con đã tưởng tượng đến cảnh một ngày ông sẽ đi xa. Đã khóc và đã chuẩn bị sẵn tinh thần, con còn nghĩ mình sẽ khóc nhiều lắm.
Những giây phút cuối đời của ông, con chẳng dám rời xa ông, cũng chẳng còn sức để ăn cơm nữa. Con đã nói rất nhiều điều, ngắm ông rất lâu, hôn lên vầng trán cao đó và ôm ông ngủ thật chặt. Đến cả giây phút cuối đời đó ông vẫn rất ấm áp. Lúc đó, con ước thời gian ngưng đọng lại, ước ông có thể ôm con một lần nữa nhưng thời gian chưa bao giờ là bạn tốt của con người, ngay khoảnh khắc nghe bác báo tin ông mất, con đã chết lặng nhìn ông đi như thế.
Con vẫn chưa thể tin được ông đã thật sự ra đi, càng không đủ dũng cảm để nhìn ông đi như thế nhưng sự thật là đã kết thúc rồi. Chưa bao giờ con cảm thấy cuộc đời vô thường đến thế, người mà hàng ngày mình nhìn thấy bỗng chốc có thể biến tan khỏi cuộc đời này nhanh và đột ngột đến như vậy. Con tự hỏi, liệu mọi điều xảy ra trong cuộc đời đều đột ngột như thế phải không? Những người mà ta gặp hôm nay biết đâu ngày mai không còn gặp nữa. Giá như con biết đó là lần cuối…
Lúc ông đi trời mưa to lắm, có lẽ ông trời cũng thương xót cho chúng con nhưng ngày tiễn ông, trời lại nắng ấm, nhìn rất đẹp. Có lẽ, ông trời cũng muốn xoa dịu tâm hồn vỡ nát lúc đó của con. Từng có người nói rằng “muốn biết người đó khi sống đã tốt như thế nào thì hãy nhìn lúc người ta chết đi”.
Lúc ông đi, tất cả mọi người và cả làng cùng tiễn ông khắp cả con đường dài, đông đến mức tắc đường. Có những người không là ruột thịt máu mủ nhưng khi ông đi họ đã khóc rất nhiều, họ nói ông hồi trẻ là một thanh niên tích cực nhất, khi về già ông cũng là người luôn tham gia đầy đủ mọi hoạt động làng xóm, người luôn nở nụ cười với mọi người.
Họ quý ông, quý con người đầy chịu khó của ông. Thì ra, không chỉ con mà tất cả mọi người ai cũng yêu quý ông. Ai cũng đau xót khi ông ra đi như thế, nhưng đó cũng là cái chết mĩ mãn. Ông không phải chịu căn bệnh đáng ghét đó hành hạ nữa, không còn mất ngủ hay khó ăn nữa.
Ông ra đi trong nụ cười thanh thản, trên người khoác bộ đồ, đôi giày và cả chiếc mũ chiến sĩ. Những chú bộ đội cũng nghiêm trang tiễn ông ra đi. Hình ảnh đó chắc chắn con sẽ chẳng bao giờ quên…
Tâm trạng của con khi viết bài này đã ổn hơn nhiều rồi. Con tự chữa lành tâm hồn mình bởi con biết không thể để những cảm xúc này ảnh hưởng đến tương lai được. Con chọn cách đọc sách chữa lành, nghe nhạc chữa lành và tìm về chốn Phật.
Con chỉ muốn tìm về nơi an yên là chùa thôi nhưng bất ngờ thay có một người cứ mỗi lần nhìn là con lại nhớ đến ông, người đó giống ông từ gương mặt đến giọng nói, đó là thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Con đọc sách thầy và hiểu được thì ra cái chết không đáng ghét lắm, thầy nói: “Khi ta nhìn lên bầu trời và không thấy đám mây mà ta yêu quý ở đâu nữa, ta nghĩ rằng đám mây đó đã chết, nhưng sự thực là đám mây đó vẫn đang tiếp tục tồn tại, nó tồn tại dưới hình tướng là mưa hay những hình tướng khác mà thôi. Sinh và diệt chỉ là hiện tượng mà ta thấy trên bề mặt. Nhìn sâu một chút ta sẽ thấy không có sinh cũng không có diệt, chỉ có sự tiếp nối không ngừng. Đám mây đó không sợ chết, bởi chúng biết mình có thể biến thành một hình tướng khác đẹp hơn, chẳng hạn như mưa hoặc tuyết”.
À, thì ra ông không đi đâu cả, ông vẫn luôn hiện hữu ở đó. Chỉ là hiện thực thì con không thể nhìn ông bằng thân hình gầy gò đó nhưng con có thể thấy ông ở bất cứ đâu, những đồ vật mà ông từng chạm, những nơi mà ông từng đi hay đơn giản là bầu trời.
Sống cho hiện tại, con biết hôm qua chỉ là quá khứ, ngày mai là một điều bí ẩn, chỉ hôm nay mới là món quà đích thực. Con nghĩ đã đến lúc bản thân phải chấp nhận và mỉm cười với cái chết.
Bởi có những chuyện nếu không tự nguyện từ bỏ thì ông trời sẽ khiến con từ bỏ một cách đau đớn nhất. Tất cả sự gặp gỡ của chúng ta đều do nhân duyên được thu xếp từ trước qua luật nhân quả, mỗi người đi qua đều cho con một bài học và ông cũng thế.
Hôm nay, nhìn vào sự trống vắng, con mới hiểu ông đã cho con rất nhiều bài học. Sau này, con sẽ kể cho người mình yêu thương nghe rằng, ông ngoại của con tuyệt vời đến nhường nào.
Sau này, chắc chắn sẽ có những ngày hoài niệm, kỷ niệm sẽ tìm đến con, khiến con khó thở vì chấp niệm và nỗi nhớ quá lớn nhưng tất cả rồi sẽ ổn thôi. Từng có một vị triết gia đã dự đoán rằng 129.600 năm sau, tất cả mọi vật sẽ tái diễn lại một lần nữa, cũng có nghĩa là, khi đó ông cháu mình lại được gặp nhau.
Con hẹn ông vào 129.600 năm nữa nhé. Khi đó, con sẽ ôm ông thật chặt và nói con thương ông nhiều lắm!
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tan-van-con-se-gap-lai-ong-post647441.html