Tản văn: Đón Tết là tháng Giêng
Chiều 28 Tết, tôi ngồi bên thềm học cách cha tôi chẻ lạt buộc bánh. Cái rét cuối mùa như từng mũi kim châm vào mười đầu ngón tay.
Vậy mà cha vẫn cần mẫn ngồi tách những ống giang ra thành lạt. Từng sợi lạt mềm cứ thế mà nhân ra từ đôi bàn tay đã gầy guộc và nhăn nheo...
Cha tôi giờ đã già rồi, đôi mắt không còn tinh, đôi tay chẳng còn khỏe và linh hoạt như ngày xưa nữa. Rồi một ngày nào đó chắc chắn cha sẽ già hơn, chẳng biết còn khỏe đến khi nào để còn có thể chẻ được những ống giang làm lạt buộc bánh chưng như thế nữa...
Mặc cho cái rét cuối mùa ngọt đến mức nào, tiếng bọn trẻ con trong xóm vẫn lao xao ngoài đầu ngõ, say sưa với mấy trò chơi quen thuộc của lũ trẻ nhà quê sau chuỗi ngày học hành vất vả ở trường.
Mấy thằng con trai lẫn cả mấy đứa con gái thỏa thuê đá bóng. Dưới bàn chân mảnh khảnh của những đứa ngày ngày chỉ biết học và học, quả bóng nhựa đã rách được chuyền qua đá lại, thi thoảng lại có tiếng reo hò ầm ĩ làm con ngõ trở nên náo nhiệt hơn.
Nhìn bọn trẻ vui đùa, lòng bâng khuâng nhớ về những kỷ niệm đã trôi xa tự thuở nào, nhất là kỷ niệm về Tết lại ùa vào hồn tôi một cách thiết tha với những gì giản đơn và lắng đọng.
Nhìn những sợi lạt mềm được nhân ra từ đôi bàn tay gầy guộc của cha, lòng tôi chợt rưng rưng nửa như cũng mềm ra, nửa như muốn chùng xuống, với bao nỗi nghẹn ngào...
Lắng đọng là vì mỗi năm chỉ có một lần Tết, và chỉ Tết mới có những thứ để có những món ăn, để có những trò chơi khác hẳn với ngày thường. Đơn giản bởi vì một đứa trẻ nhà nghèo như tôi thì chả bao giờ hoặc ít khi dám nghĩ đến những thứ gì đó cao sang... Còn nghẹn ngào, rưng rưng vì điều gì thì hình như tôi còn chưa cắt nghĩa được...
Đấy là vào sớm ngày 28 Tết, mẹ giục tôi dậy sớm để theo mẹ đi chợ Tết. Trên mặt đê gập ghềnh đất sét, mẹ tôi gánh gánh khoai lang kĩu kịt đi trước, tôi chạy theo sau bước thấp bước cao, thi thoảng vấp ngã nhào lại hăm hở đứng dậy chạy theo.
Chợ Tết với bao nhiêu là thứ mới lạ và hấp dẫn như quần áo đẹp, hoa nhựa, hoa tươi, tranh treo tường... nhưng chẳng có gì háo hức hơn bằng chờ mẹ bán xong gánh khoai để được đưa ra hàng bún ăn một bát bún chả.
Ăn no nê xong, đứng dậy rồi còn chưa muốn rời đi, còn muốn đứng đấy thật lâu để hít hà mùi vị của chả nướng ngầy ngậy và ấm nóng... Bởi vì với tôi, chỉ cần thế là Tết!
Hoặc đấy còn là vào một sớm 30 trời tối đen như mực, gió bấc ù ù lùa qua mái rạ. Rét thấu đến xương... Vậy mà tôi vẫn hăm hở vùng khỏi chăn để đi cùng cha đến nhà hàng xóm. Tôi háo hức chờ người ta mổ lợn cốt chỉ để xin cái “bong bóng” mang về. Ông nội tôi lấy xe điếu luồn vào, thổi phồng lên rồi buộc chặt bằng dây chun cho khỏi xì hơi. Suốt mấy ngày, anh em tôi thỏa thuê chơi đá bóng bằng cái quả bóng nhầy nhầy, ươn ướt nửa như tròn, nửa như hình bầu dục ấy... Với những đứa trẻ nhà nghèo như anh em tôi, cũng chỉ cần thế là Tết!
Còn nữa, có những chiều 30, vẫn là cái rét cắt thịt cắt da. Mẹ ngồi rán mỡ trong bếp mà mồ hôi đầm đìa nơi vầng trán, má mẹ ửng lên vì suốt cả chiều, cái hồng rực của lửa nồi bánh chưng bên cạnh và dưới cái chảo mỡ hắt lên.
Khói bếp lùa qua mái rạ, mang theo hơi ấm và mùi thơm của mỡ khiến tôi cảm thấy ấm áp lạ thường! Từng miếng tóp được mẹ gắp ra bỏ vào cái sàng phía sau. Mấy anh em tôi thay nhau lẻn vào lấy trộm những miếng tóp mỡ hôi hổi nóng, tay nọ chuyền tay kia, phù phù thổi rồi đưa lên mồm ăn nghiến ngấu, vừa hờ hờ hơi nóng vừa nhai... Và tất nhiên, với những đứa trẻ nhà nghèo như anh em tôi, chỉ cần thế cũng là Tết!
Thế rồi, qua mấy ngày Tết là đến tháng Giêng.
Tháng Giêng, thúng gạo mẹ xay giã hồi trước Tết vẫn còn hơn một nửa, âu tóp mỡ treo trên tường cũng còn chừng lưng lưng... Suốt những ngày đầu tháng Giêng, bữa cơm nhà tôi có phần tươm tất hơn những ngày giáp hạt tháng Hai, tháng Ba sau đó nhờ có bát tóp mỡ sốt với cà chua tỏa hơi ngun ngút... Đấy cũng là nhờ dư âm của Tết mà còn... Chỉ thương, có những năm, tiết trời tháng Giêng vẫn căm căm rét, mưa phùn khắp chốn giăng giăng, vậy mà mỗi sáng mẹ chỉ ăn vội mấy củ khoai rồi choàng tấm vải mưa, lấy cái dây buộc bánh thắt ngang lưng vác cuốc xuống đồng bì bõm cuốc góc, phạt bờ...
Bây giờ, anh em tôi đều đã khôn lớn và trưởng thành, cuộc sống ít nhiều đã có bát để bát ăn, mà chả hiểu sao mỗi khi Tết về lại cảm thấy lòng mình rưng rưng khó tả! Liệu có phải vì thương mẹ thương cha ngày xa xưa vất vả trăm đường mà miếng ăn ngon cũng phải chờ đến Tết? Hay bởi vì bây giờ có bát để bát ăn mà đôi mắt mẹ không còn tinh, có bát để bát ăn mà đôi tay cha đã nhăn nheo gầy guộc, và cả mẹ, cả cha đều đã già nua, chẳng còn nhiều sức khỏe như những ngày xa xưa, ngày mà đầu tắt mặt tối làm lụng để cho anh em tôi có được miếng cơm manh áo và lớn khôn nên người!
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tan-van-don-tet-la-thang-gieng-post673087.html