Tản văn mới của Nguyễn Ngọc Tư: Ngắm nước
'Hồi tui còn trẻ thiên hạ nhìn nước ngắm mây nhiều lắm, giờ hiếm hoi mới gặp được một người như cô đây', ông già nói, móng tay bâng quơ cào lên mấy vết xi măng dính trên vạt áo bảo hộ bạc màu.
Bữa đầu ngang quán Đắng, thấy vắng nên tấp vô, sau vẫn ưng quán ấy vì thưa khách. Đoạn bãi biển đằng trước quán cũng thoáng đãng, không bị mấy tiểu cảnh dành cho dân sống ảo chắn tầm mắt. Biển lành lặn, ít nhất từ chỗ bạn ngồi. Gọi một ly cà phê dở không tin nổi, lót dạ ổ bánh mì nguội mang theo từ nội đô, bạn ngồi làm việc xuyên trưa. Nhưng giai đoạn đó bạn hay mất tập trung, hay có cảm giác bồn chồn, những lúc vậy bạn chỉ ngồi ngắm nước. Thứ nước đen kín đáo ra vào bãi cát đen, cả hai thẫm lại bởi phù sa từ hai con sông Đồng Nai, Soài Rạp.
Đó là mùa hè bất thường. Thành phố liền khối thân thuộc lâu nay đã vỡ ra từng mảnh, và mảnh nào cũng bén nhọn, nhưng không thể trốn đi xa, bạn đành trốn ở Cần Giờ. Ở đó, trống trải bạn nhìn nước. Đau vai mỏi mắt, nhìn nước. Và ngó nước khi nhớ ra chiều nay không cần phải đón con, khi tiếng cối xay sinh tố ở quầy pha chế ré lên, khi xong một cuộc gọi. Hồi đầu chằm chằm vào nước như một cách trì hoãn để khỏi quay lại màn hình máy tính, sau lậm sâu vẻ ẩn mật của thủy triều, của cuộc lớn ròng mà một kẻ lạ khó lòng nắm bắt.
Chuyển động nhưng tĩnh mịch, dào dạt mà thong dong, nước đen thẳm đầy lên mấp mé mớ đá kè bờ, nhưng lúc rút đi cũng vô cùng ráo riết, để lại bãi cát ngút dài không thấy ngấn nước đâu. Ngó nước đủ lâu, lúc sực tỉnh nhìn quanh, thấy mình như thể lạc đi đâu đó, mới về. Chung quanh người ta đang nhìn nhau, nhìn điện thoại, ti vi, nhìn đá viên tan trong ly nước, hoặc chẳng nhìn gì hết. Họ khiến bạn rụi luôn cái ý định gọi cho ai đó nào đó, để miên man về con nước ban trưa. Nghĩ, nếu có người chăm chú lắng nghe, bạn cũng chẳng biết nói gì khi nói về thủy triều.
Nhưng với ông già thợ hồ, người sau này tấp vô chung quán trưa với bạn, thì khác, ông có nhiều chuyện để nói về con nước. Nay nó vô lừng khừng hết sức, kiểu như nửa muốn vô bãi nửa không. Con bói cá hay đậu trên cọc đó đó, không biết mấy rày đâu mất tiêu, tui thấy lo á chớ. Không biết có phải tại màu nước đen không mà tui thấy nước ở đây nhìn nó cứ khó hiểu, bí hiểm kiểu gì. Họ cứ nói nước đây đen mà không dơ, nhưng phải mấy chục năm trước thì mới là sạch đúng nghĩa, giờ thì rác dữ quá. Nói chung biển xứ này coi bộ hiền, cả mấy bữa giông mưa nó cũng không điên khùng sùi bọt, dữ dằn như biển chỗ khác.
Ngay bữa đầu tiên, thay vì chào hỏi làm quen, ông già nói luôn khi bạn còn chưa ngồi xuống ghế, “Nay nước cao lắm cô ơi, lé đé bờ kè, phải cô tới sớm chút…”. Cảm giác ông già đã ngóng bạn cả buổi, chắc sốt ruột lắm khi nước rút đi mà người tiễn chẳng thấy đâu. Hẳn ông kín đáo quan sát bạn khá lâu, biết người khách này chịu để nước đầy trong mắt.
Sau này ông già nói ông để ý bạn từ bữa đầu tiên ghé qua. Quán đâu ai khác dành cả tiếng đồng hồ nhìn nước ra vô bãi. “Hồi tui còn trẻ thiên hạ nhìn nước ngắm mây nhiều lắm, giờ hiếm hoi mới gặp được một người như cô đây”, ông già nói, móng tay bâng quơ cào lên mấy vết xi măng dính trên vạt áo bảo hộ bạc màu. Ông nói không nhiều, không phải kiểu xởi lởi lắm điều, trò chuyện với bạn đều là những thứ liên quan tới chuyện nước rong nước kém.
Nhìn bộ dạng đoán ông là thợ hồ, công trường chắc gần đây. Không phải là bạn không tò mò, kiểu như nhà cửa quê quán đâu, hoàn cảnh sao mà có tuổi rồi vẫn còn làm công chuyện nặng nhọc, nhưng sợ khơi gợi phía ông thì bạn cũng phải nói về mình. Thứ mà bạn đang né tránh. Nói gì khi công việc chữ nghĩa rạc rài vừa đủ sống, cuộc hôn nhân vừa mới rã, một mình nuôi con, đứa con gái đang tuổi dậy thì im như bóng tối.
Mỗi người một thế giới, những buổi trưa bên biển, bạn và ông già, hai con người như thể không căn cước không danh tính không biết tới từ đâu sau đây sẽ đi đâu, nhưng kết nối với nhau bằng con nước đang thủng thẳng vào thăm bãi. Ngó ông già treo cái võng giữa hai cây bàng ngay bên gian quán xây bằng gạch trần mà bạn hay ngồi, bỗng nghĩ ở đâu đó vẫn có người nhìn nước, nhìn cây, bầy kiến, hay những đám mây nhàn tản. Vẫn còn người tự làm mình chậm lại, giữa một thế giới tăng động, cồn cào.
Ngay quán bạn ngồi thôi, có bao nhiêu khách đâu mà cũng khua khoắng quá chừng. Họ nói về những con số xổ chiều qua, về sắp tới vạt rừng nào bị ủi trọc đất nhà ai ra mặt tiền, con lộ nào bị quên lãng, về cô bé từng chạy bàn cho quán bỏ đi thi hoa hậu, về những ngày mưa liên miên làm mớ khô cá đù không được nắng, nặng mùi. Riêng cái bộ lạc ngắm nước của bạn tách mình ra, lặng lẽ. “Nay hăm ba ha, hèn chi nước chỉ vô nửa bãi rồi ra”, những câu kiểu vậy, hoặc bạn, hoặc ông già lên tiếng, thay cho lời chào lúc đến và đi.
Chỉ một xế trưa, ông già ra khỏi quán một lúc, bạn nhìn thấy con chim bói cá đậu trên cây cọc ngoài kia. Cây cọc mà bạn ngờ chính ông già đã cố tình cắm ở đó. Bạn không biết đây là con chim ông trông ngóng bữa giờ hay một con khác cùng loại. Tự dưng bạn muốn gọi cho ông. Dĩ nhiên là bạn không có số điện thoại.
Khoảnh khắc đó, bạn hình dung lỡ như ông già không ghé quán nữa, và hôm nay là ngày cuối cùng gặp được ông, bạn sẽ tìm ông ở đâu? Tên ông bạn chẳng rành, dáng dấp không có gì đặc biệt, cũng da đen quần áo bạc, và nếu ghé từng công trường hỏi thăm, kiểu gì người ta cũng hỏi cô với ông đó có quan hệ gì mà lùng kiếm. Nói “tụi tui từng cùng coi nước lớn ròng”, thiên hạ nghe xong chắc ngó nhau hoang mang. Không biết họ có nghĩ bạn điên không, khi biết lý do của cuộc kiếm tìm, “cũng không có chuyện gì quan trọng, chỉ muốn cho chú ấy hay con chim bói cá về rồi”.
Tiếng gọi bầy, chỉ kẻ trong bầy mới hiểu.
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tan-van-moi-cua-nguyen-ngoc-tu-ngam-nuoc-42580.html