TAND Cấp cao tại TP HCM phán quyết 'kỳ án' một chi nhánh ngân hàng ở Trà Vinh
HĐXX cấp phúc thẩm xác định nhóm bị cáo Aquafeed thực hiện mua bán lòng vòng, mua bán nhưng không có hàng hóa để lập hồ sơ vay vốn của Agribank Trà Vinh, từ đó chiếm đoạt tiền vay
Ngày 6-6, TAND Cấp cao tại TP HCM xét xử phúc thẩm lần 2 đã tuyên bác kháng cáo của 8 bị cáo gây thiệt hại hơn 54 tỉ đồng cho Ngân hàng Agribank Chi nhánh Trà Vinh (Agribank Trà Vinh). Tại tòa, 8 bị cáo đều kêu oan.
HĐXX cho rằng lời khai của các bị cáo cũng như bào chữa của các luật sư không phù hợp với chứng cứ trong hồ sơ vụ án, mà có đủ căn cứ để xác định: Các bị cáo Nguyễn Hữu Lộc (Chủ tịch HĐQT Aquafeed từ khi thành lập đến tháng 8-2010), Trần Hữu Dũng (Chủ tịch HĐQT Aquafeed từ tháng 8-2010), Đỗ Thái Hòa (cựu Tổng Giám đốc Aquafeed), Nguyễn Hồng Nam (cựu Tổng Giám đốc Aquafeed), Bùi Thị Tuyết Mai (cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp Thủy sản - Công ty Thủy Sản) đã có hành vi gian dối khi lập hồ sơ vay vốn không đúng tình hình tài chính doanh nghiệp, kinh doanh lỗ nhưng báo lãi, kê khống số tài sản thế chấp nguyên liệu, thành phẩm thức ăn, cá tra thu hoạch…
Sau khi Agribank Trà Vinh giải ngân 100 tỉ đồng, các bị cáo không sử dụng đúng mục đích kinh doanh mà lập 42 ủy nhiệm chi để chuyển cho Công ty Thủy Sản 28 tỉ đồng, Công ty Cổ phần Biển Tây (Công ty Biển Tây) 26 tỉ đồng (tổng cộng hơn 54 tỉ đồng).
Tòa án nhận định các hợp đồng mua bán hàng hóa mà Aquafeed sử dụng để Agrbank Trà Vinh giải ngân không có thật, hợp đồng mua bán lòng vòng.
Tại tòa, các cựu lãnh đạo Aquafeed sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng để chứng minh hợp đồng mua bán có thật. Tuy nhiên, tòa án khẳng định các bên chỉ ký xác nhận hợp đồng mua bán chứ không giao hàng hóa.
Cũng theo HĐXX, để vay được 100 tỉ đồng của Agrbank Trà Vinh, Aquafeed thế chấp cho ngân hàng các phương tiện máy móc, nhà xưởng, nguyên liệu thành phẩm… với tổng giá trị hơn 62 tỉ đồng cùng khoản nợ phải thu của các hộ dân là 91 tỉ đồng.
Tuy nhiên, tòa án nhận định 91 tỉ đồng phải thu này chỉ là báo cáo của công ty chứ người dân chưa xác nhận về khoản nợ. Từ nhận định Aquafeed chưa có quyền sở hữu khoản nợ này, tòa án tuyên việc Aquafeed dùng tài sản này để thế chấp ngân hàng là không được chấp nhận.
Đối với số tiền 54 tỉ đồng mà các bị cáo bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", HĐXX kết luận sau khi nhận chuyển tiền từ Aquafeed, các bị cáo sử dụng pháp nhân của mình (tại Công ty Thủy Sản và Công ty Biển Tây) để chiếm đoạt số tiền trên.
Tòa án cho biết hồ sơ vụ án thể hiện bị cáo Lộc vừa là Chủ tịch HĐQT Aquafeed vừa là Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy Sản; bị cáo Trần Vũ Dũng vừa là Chủ tịch HĐQT Aquafeed còn là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Biển Tây, ủy viên HĐQT Công ty Thủy sản.
Theo HĐXX, các bị cáo đã thực hiện thủ đoạn: Cá nhân tham gia góp vốn vào nhiều công ty, sử dụng vai trò của mình tại pháp nhân này để chuyển tiền cho pháp nhân kia thông qua hợp đồng khống. Đây được xác định là hành vi chiếm đoạt.
Cũng theo HĐXX, số tiền chiếm đoạt được các bị cáo sử dụng vào việc thanh toán, "trả nợ cho công ty của cá nhân mình", "chính các bị cáo là người chiếm hữu phần lớn". Từ đó xác định các bị cáo Lộc, Dũng, Mai phải chịu trách nhiệm cao hơn các bị cáo khác.
Đối với 3 bị cáo là cựu cán bộ Agribank, HĐXX nhận định các bị cáo đã không thẩm định tài sản doanh nghiệp, nâng lực tài chính của công ty trước khi duyệt hồ sơ cho vay. Sau đó, nhiều khoản nợ trong hợp đồng tín dụng của Aquafeed quá hạn, không có khả năng chi trả. HĐXX cho rằng các bị cáo ngân hàng biết rõ điều này nhưng không chuyển sang nợ xấu mà còn ký hợp đồng che giấu nợ xấu của công ty Aquafeed.
Về việc hơn 300 bút lục hồ sơ vụ án bị mất, HĐXX cho biết có 69 bút lục bị mất liên quan đều bằng chứng về dòng tiết bị cáo Lộc chuyển cho các công ty, một số hồ sơ bị đánh trùng số thứ tự bút lục, số khác bị đánh "nghỉ số", chẳng hạn tiếp sau 209 là 300. Từ đó, HĐXX nhận định việc mất bút lục này không ảnh hưởng đến tính khách quan của vụ án.
Từ những căn cứ trên, HĐXX cấp phúc thẩm tuyên giữ nguyên bán án sơ thẩm của TAND tỉnh Trà Vinh.
Theo đó, nhóm 5 bị cáo là các cựu lãnh đạo Aqufeed được xác định phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; 3 bị cáo nguyên là cán bộ phòng tín dụng Agribank Trà Vinh phạm tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng gây hậu quả nghiêm trọng".
Bản án sơ thẩm tuyên mức án như sau: Nguyễn Hữu Lộc 14 năm tù, Trần Văn Dũng 7 năm tù, Đỗ Thái Hòa 12 năm, Nguyễn Hồng Nam 10 năm; Bùi Thị Tuyết Mai 10 năm. Ba bị cáo là các cựu cán bộ Agribank Trà Vinh gồm: Nguyễn Văn Trực, Nguyễn Quốc Hoàn, Cao Văn Phong cùng nhận mức án 5 năm tù.
Nguyên đơn dân sự là Agribank Trà Vinh yêu cầu Aquafeed, Công ty Thủy sản, Công ty Cổ phần Biển Tây liên đới bồi thường tiền nợ gốc và lãi đến ngày 4-8-2017 hơn 170 tỉ đồng. HĐXX nhận định trong vụ án này chỉ xét hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị cáo đối với số tiền 54 tỉ đồng nên buộc liên đới bồi thường. Các yêu cầu bồi thường khác không thuộc thẩm quyền xem xét của HĐXX nên không được chấp nhận.
Đối với trách nhiệm dân sự của các bị cáo, HĐXX xác định các bị cáo Hòa và Nam giữ vai trò đồng phạm tích cực nhưng không có cổ phần góp vốn, không giữ vai trò gì ở các công ty sai phạm, do đó không bị buộc tội chiếm đoạt số tiền trên. Từ đó, tòa không buộc các bị cáo này liên đới bồi thường thiệt hại vụ án.