TAND huyện Kỳ Sơn (Nghệ An): Vượt khó, nâng cao uy tín Tòa án qua công tác giải quyết án
Là đơn vị có địa bàn rộng lớn thuộc huyện miền núi Nghệ An, có nhiều dân tộc cùng sinh sống, dân trí còn thấp…nhưng công tác giải quyết án tại TAND huyện Kỳ Sơn luôn vượt chỉ tiêu đề ra, từ đó nâng cao uy tín và ngày càng củng cố niềm tin của nhân dân đối với Tòa án.
Công tác xét xử gặp khó vì dân trí thấp, địa hình rộng lớn
Trao đổi với PV Báo Công lý, ông Lê Hữu Lộc - Chánh án TAND huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết, là huyện miền núi rẻo cao, thuộc một trong những huyện nghèo nhất nước nên điều kiện kinh tế - xã hội, địa lý, tự nhiên của huyện còn gặp nhiều khó khăn, phần nào ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.
Đặc biệt trình độ dân trí, nhận thức pháp luật của đồng bào còn nhiều hạn chế nên đã bị kẻ xấu lợi dụng khiến cho tình hình tội phạm có chiều hướng gia tăng, nhất là tội phạm về ma túy và tội phạm buôn người diễn biến ngày một phức tạp.
Các loại tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình ngày càng gia tăng về số lượng, phức tạp về tính chất.
Mặt khác, do địa bàn huyện rộng, đi lại khó khăn nên ảnh hưởng nhiều đến quá trình công tác. Các hủ tục, tập tục lỗi thời vẫn chưa được xóa bỏ, nhiều tranh chấp hay vụ án xảy ra cũng vì sự cố chấp, bảo thủ của đương sự. Lượng án phải giải quyết so với định biên đang quá tải, áp lực hoàn thành nhiệm vụ là rất nặng nề trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về đội ngũ cán bộ, Thẩm phán và điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện kinh phí, ngân sách được cấp còn hạn hẹp.
“Chỉ trong một huyện nhưng có những xã ở xa phải đi cả ngày đường mới tới trung tâm, những xã xa xôi khác còn phải qua đò, lội suối, không có sóng điện thoại vì thế trong quá trình xét xử, cái khó nhất là mời đủ được các nhân chứng, đây là một vấn đề rất nan giải. Thêm vào đó là trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật của bà con còn hạn chế, họ nghĩ vụ việc không liên quan đến mình nên không đi. Việc thiếu vắng nhân chứng ảnh hưởng đến quá trình định tội của bị cáo” - ông Lê Hữu Lộc, Chánh án TAND huyện Kỳ Sơn cho biết.
Hạn chế lớn nhất đối với công tác xét xử trong năm qua tại TAND huyện Kỳ Sơn là việc triển khai và tổ chức thực hiện phiên tòa bằng hình thức trực tuyến theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội ngày 12/11/2021 chưa được thực hiện vì điều kiện kinh phí của đơn vị còn hạn chế, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin còn thấp ...
“TAND huyện Kỳ Sơn mong muốn HĐND, UBND huyện Kỳ Sơn cũng như cấp trên tiếp tục quan tâm hơn nữa, hỗ trợ một phần kinh phí để TAND huyện Kỳ Sơn chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác xét xử trực tuyến của Tòa án vì trên thực tế TAND huyện Kỳ Sơn đã xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn kinh phí để tiến hành tổ chức phiên tòa trực tuyến theo đúng chủ trương của Quốc hội. Tuy nhiên do điều kiện kinh phí của đơn vị còn hạn chế, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin còn thấp, hệ thống máy tính, camera, thiết bị âm thanh chưa có nên rất khó khăn trong việc triển khai thực hiện chủ trương”, Chánh án Lê Hữu Lộc nói.
Nâng cao uy tín, củng cố niềm tin của nhân dân qua công tác giải quyết án
Khó khăn là vậy, nhưng trong năm 2022, với niềm tin và sức mạnh đoàn kết của cán bộ, công chức và người lao động trong đơn vị, đặc biệt luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo TAND tỉnh Nghệ An, của Đảng bộ huyện, sự giám sát chặt chẽ của HĐND huyện và sự phối hợp có hiệu quả với UBND huyện Kỳ Sơn, các cơ quan ban ngành và chính quyền địa phương cơ sở…, TAND huyện Kỳ Sơn đã đạt và vượt các chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra.
Cụ thể, tổng các vụ, việc đơn vị đã thụ lý trong năm 2022 (số liệu từ 01/10/2021 đến 30/9/2022), 400 vụ án, vụ việc các loại. Đã giải quyết 397 vụ án, vụ việc, còn lại 3 vụ, việc chưa giải quyết, (giảm 128 vụ án, vụ việc các loại so với năm 2021). Tỷ lệ giải quyết đạt 99,25%.
Trong đó, công tác giải quyết các vụ án hình sự: Tổng số thụ lý: 105 vụ/150 bị cáo (giảm 41 vụ/52 bị cáo so với năm 2021). Đã giải quyết: 105 vụ/150 bị cáo; Đạt tỷ lệ: 100%. Xét xử lưu động 36 vụ án/44 bị cáo, chiếm tỷ lệ 34,2%.
Về công tác giải quyết các vụ án dân sự (bao gồm các tranh chấp, yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hòa giải thành theo Luật Hòa giải đối thoại): Tổng thụ lý 60 vụ, việc, đã giải quyết, xét xử 57 vụ, việc (giảm 20 vụ án so với năm 2021), còn lại 3 vụ án, đạt tỷ lệ chung 95%.
Về xem xét áp dụng các biện pháp xử lý hành chính: Thụ lý 148 hồ sơ/148 đối tượng (giảm 62 hồ sơ so với năm 2021), đã giải quyết 148 hồ sơ/148 đối tượng; đạt tỷ lệ 100%, trong đó: Áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 146 đối tượng; Đưa vào cơ sở giáo dưỡng 2 đối tượng.
Về xét miễn, giảm thời hạn chấp hành biện pháp xử lý hành chính: Thụ lý: 84 hồ sơ/84 đối tượng (tăng 5 hồ sơ so với năm 2021); đã giải quyết 84 hồ sơ/ 84 đối tượng; đạt tỉ lệ 100%.
Về xét miễn, giảm thi hành án dân sự đối với các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước: Thụ lý: 3 hồ sơ; đã giải quyết 3 hồ sơ; đạt tỉ lệ 100%; Tổng số tiền miễn, giảm nộp vào ngân sách Nhà nước: 16.979.000 đồng.
Trong số vụ án dân sự, hôn nhân gia đình và kinh doanh thương mại đã giải quyết, xét xử, Tòa án đã hòa giải thành 39 vụ, tỷ lệ hòa giải thành đạt 68,4%. Đơn vị không có bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan.
Trong năm 2022, TAND huyện Kỳ Sơn tổ chức 6 phiên tòa rút kinh nghiệm trên tổng số 3 Thẩm phán, và các Thẩm phán đã giải quyết 397 vụ án, vụ việc các loại, trung bình mỗi Thẩm phán giải quyết 132,3 vụ án, vụ việc các loại trong một năm. Công bố 220 bản án, quyết định.
Về công tác thi hành án hình sự (số liệu từ 01/10/2020 đến 30/9/2021): Tổng số bị án có hiệu lực pháp luật phải thi hành: 157 bị án, đã ra quyết định thi hành án 157 bị án, đạt tỉ lệ 100% (giảm so với năm 2021: 27 bị án), trong đó: Thi hành hình phạt tù có thời hạn 120 bị án; thi hành hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo 15 bị án; phạt cải tạo không giam giữ 1 bị án; phạt tiền 21 bị án; ủy thác cho Tòa án khác ra quyết định 5 bị án, nhận ủy thác từ Tòa án khác để ra quyết định 1 bị án; đình chỉ thi hành án 3 bị án.
Nhìn chung, các phiên tòa đều được thực hiện theo tinh thần cải cách tư pháp về đẩy mạnh tranh tụng tại phiên tòa, các chứng cứ cần được chứng minh tại phiên tòa đảm bảo việc xét xử và ra bản án, quyết định đúng pháp luật, vì vậy việc giải quyết các loại vụ án đạt tỷ lệ cao (đạt 99,25%), đảm bảo chất lượng.
Việc xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng người đúng tội, đúng pháp luật. Đối với các vụ án lớn, trọng điểm được Tòa án phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát để sớm hoàn tất hồ sơ đưa ra xét xử kịp thời nghiêm minh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Đặc biệt đã đưa một số vụ án ra xét xử lưu động ở một số xã vùng sâu vùng xa và trung tâm cai nghiện ma túy tự nguyện, có ý nghĩa rất lớn trong công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật đối với đồng bào dân tộc và các học viên đang học tập, lao động và chữa bệnh, đem lại hiệu quả phòng chống, ngăn ngừa các loại tội phạm trên địa bàn.
Công tác thi hành án hình sự đã giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, đảm bảo 100% bị án có hiệu lực pháp luật được thi hành. Việc hoãn chấp hành hình phạt tù đều có căn cứ theo quy định của pháp luật. Làm tốt việc phối hợp với các cơ quan liên quan trong rà soát danh sách những người đã có quyết định thi hành án phạt tù hiện còn tại ngoại chưa bị bắt thi hành án để đôn đốc bắt thi hành án cũng như phối hợp với chính quyền địa phương trong việc quản lý các đối tượng thi hành án treo tại địa phương.
Việc giải quyết các loại án và công tác thi hành án hình sự đảm bảo nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành cũng như đơn vị, địa phương.
Bằng sự nỗ lực phấn đấu, tinh thần đoàn kết của tập thể cán bộ, công chức và người lao động trong đơn vị, kết quả hoạt động của TAND huyện Kỳ Sơn trong những năm qua có nhiều chuyển biến rõ nét, tỷ lệ giải quyết các loại vụ án luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, uy tín của Tòa án trong hệ thống chính trị huyện Kỳ Sơn được nâng cao, niềm tin của nhân dân đối với Tòa án ngày càng được củng cố, đời sống cán bộ, công chức trong đơn vị từng bước được cải thiện.
Hơn hết, phong trào thi đua yêu nước tại TAND huyện Kỳ Sơn đã huy động được sức mạnh và khả năng sáng tạo của đông đảo cán bộ, công chức và người lao động, tạo động lực mạnh mẽ để cùng hoàn thành nhiệm vụ được giao, hạn chế những tiêu cực nảy sinh, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của huyện nhà cũng như góp phần vào sự phát triển lớn mạnh của hệ thống Tòa án nhân dân các cấp.