TAND Tối cao đề xuất 3 bậc thẩm phán TAND và điều kiện nâng bậc

Dự thảo Nghị quyết quy định ba bậc thẩm phán từ bậc 1 đến bậc 3 và theo Luật tổ chức TAND 2024 thì thẩm phán cao cấp sẽ quy đổi sang thẩm phán bậc 3.

TAND Tối cao đang lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về bậc, điều kiện của từng bậc, việc nâng bậc và số lượng, cơ cấu tỷ lệ các bậc Thẩm phán TAND.

Ba bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân

Hiện nay, Luật Tổ chức TAND 2024 (có hiệu lực từ 1-1-2024) quy định thẩm phán gồm hai ngạch là Thẩm phán TAND Tối cao và Thẩm phán TAND.

Đối với ngạch Thẩm phán TAND, TAND Tối cao đề xuất tại dự thảo sẽ có ba bậc gồm: Thẩm phán TAND bậc 1, Thẩm phán TAND bậc 2 và Thẩm phán TAND bậc 3.

Trong đó, để trở thành Thẩm phán TAND bậc 1 đáp ứng một trong các điều kiện sau:

Thứ nhất, có đủ điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán TAND theo quy định tại khoản 1 Điều 95 Luật Tổ chức TAND 2024 (công dân Việt Nam là cử nhân luật, đủ tuổi, làm công tác pháp luật đủ 5 năm trở lên, đã đậu kỳ thi tuyển chọn thẩm phán...); có năng lực xét xử, giải quyết những vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của TAND cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực hoặc năng lực thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán TAND công tác tại TAND Tối cao.

Thứ hai, có đủ điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán TAND theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 95 Luật Tổ chức TAND 2024 (tuyển chọn trong trường hợp đặc biệt, có thời gian công tác pháp luật từ đủ 10 năm trở lên); được điều động đến để đảm nhiệm một trong các chức vụ: Phó Chánh án TAND cấp huyện; Phó Chánh án Tòa án quân sự khu vực.

 Theo Luật tổ chức TAND 2024 thì thẩm phán sẽ có ba bậc. Trong ảnh: HĐXX phiên tòa xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát. Ảnh: HOÀNG GIANG

Theo Luật tổ chức TAND 2024 thì thẩm phán sẽ có ba bậc. Trong ảnh: HĐXX phiên tòa xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát. Ảnh: HOÀNG GIANG

Đối với Thẩm phán TAND bậc 2 phải đáp ứng một trong các điều kiện sau:

Thứ nhất, có ít nhất 5 năm làm Thẩm phán TAND bậc 1; có năng lực xét xử, giải quyết những vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh, TAND sơ thẩm chuyên biệt, Tòa án quân sự quân khu và tương đương hoặc năng lực thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán TAND công tác tại TAND Tối cao theo quy định.

Thứ hai, có đủ điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán TAND theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 95 Luật Tổ chức TAND 2024 ((tuyển chọn trong trường hợp đặc biệt, có thời gian công tác pháp luật từ đủ 10 năm trở lên); được điều động đến để đảm nhiệm một trong các chức vụ: Chánh án TAND cấp huyện, Chánh án Tòa án quân sự khu vực.

Thứ ba, có đủ điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán TAND theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 95 Luật Tổ chức TAND 2024 (tuyển chọn trong trường hợp đặc biệt, có thời gian công tác pháp luật từ đủ 15 năm trở lên); được điều động đến để đảm nhiệm một trong các chức vụ: Phó Chánh án TAND cấp tỉnh; Phó Chánh án TAND sơ thẩm chuyên biệt, Phó Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương.

Trong khi đó, để trở thành Thẩm phán TAND bậc 3 thì thẩm phán cần đáp ứng một trong các điều kiện gồm:

Thứ nhất, có ít nhất 5 năm làm Thẩm phán TAND bậc 2; có năng lực xét xử, giải quyết những vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của TAND Cấp cao, Tòa án quân sự trung ương hoặc năng lực thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán TAND công tác tại TAND Tối cao theo quy định.

Thứ hai, có đủ điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán TAND theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 95 Luật Tổ chức TAND 2024 (tuyển chọn trong trường hợp đặc biệt, có thời gian công tác pháp luật từ đủ 15 năm trở lên); được điều động đến để đảm nhiệm một trong các chức vụ: Chánh án TAND cấp tỉnh; Chánh án, Phó Chánh án TAND Cấp cao; Chánh án TAND sơ thẩm chuyên biệt; Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương; Phó Chánh án Tòa án quân sự trung ương.

Điều kiện nâng bậc đối với thẩm phán TAND

Sau khi xây dựng ba bậc thẩm phán TAND, TAND Tối cao cũng dự thảo quy định việc nâng bậc thẩm phán từ bậc 1 lên bậc 2 và từ bậc 2 lên bậc 3.

Đơn cử, Thẩm phán TAND bậc 1 thuộc một trong bốn trường hợp dưới đây được xét nâng bậc lên Thẩm phán TAND bậc 2:

(i) Trong 5 năm công tác tính đến thời điểm xét nâng bậc, không có án quá hạn luật định, số lượng án bị hủy và án bị sửa do nguyên nhân chủ quan không vượt tỷ lệ do Chánh án TAND Tối cao quy định, liên tục được xếp loại công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên (trong đó có ít nhất một năm được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ).

(ii) Được bổ nhiệm giữ chức vụ: Chánh án TAND cấp huyện; Chánh án Tòa án quân sự khu vực.

(iii) Đảm nhiệm chức vụ Phó Chánh án TAND cấp huyện từ năm năm trở lên. Trong nhiệm kỳ giữ chức vụ tính đến thời điểm xét nâng bậc, liên tục được xếp loại công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

(iv) Trong năm hoặc năm liền kề trước thời điểm xét nâng bậc Thẩm phán, đạt một trong các danh hiệu: Thẩm phán giỏi; Thẩm phán tiêu biểu; Thẩm phán mẫu mực.

Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết cũng quy định đối với Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp theo quy định của Luật Tổ chức TAND 2014 được chuyển thành Thẩm phán TAND và được Chánh án TAND Tối cao xếp bậc Thẩm phán TAND theo luật mới.

Cụ thể, Thẩm phán cao cấp được xếp vào Thẩm phán TAND bậc 3; Thẩm phán trung cấp được xếp vào Thẩm phán TAND bậc 2; Thẩm phán sơ cấp được xếp vào Thẩm phán TAND bậc 1.

Quy định bậc thẩm phán để thực hiện Luật mới

Luật Tổ chức TAND 2024 (có hiệu lực kể từ 1-1-2025) đã có sự thay đổi cơ bản về ngạch, bậc của thẩm phán so với Luật Tổ chức TAND 2014. Cụ thể, theo luật hiện hành thì thẩm phán TAND có bốn ngạch gồm: Thẩm phán TAND Tối cao; Thẩm phán cao cấp; Thẩm phán trung cấp; Thẩm phán sơ cấp.

Khi Luật mới được thông qua thì nội dung này đã được điều chỉnh, sửa đổi lại chỉ còn hai ngạch của thẩm phán gồm: Thẩm phán TAND tối cao và Thẩm phán TAND.

Do đó, để Luật Tổ chức TAND 2024 được triển khai thi hành một cách đồng bộ thì cần thiết phải ban hành những quy định hướng dẫn liên quan, trong đó quy định hướng dẫn chi tiết về bậc, điều kiện nâng bậc của thẩm phán là cần thiết.

Về thẩm quyền, theo định hiện nay thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ là cơ quan có thẩm quyền ban hành nghị quyết hướng dẫn trên cơ sở đề nghị, dự thảo do TAND tối cao xây dựng, trình lên.

Vì vậy, dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà TAND đang xây dựng dự thảo là đang thực hiện theo quy định tại Điều 90 Luật Tổ chức TAND 2024

Luật sư Nguyễn Trần Phương, Đoàn Luật sư TP.HCM

HỮU ĐĂNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tand-toi-cao-de-xuat-3-bac-tham-phan-tand-va-dieu-kien-nang-bac-post807761.html