TAND Tối cao nêu những điểm mới về tổ chức, nhiệm vụ quyền hạn của các cấp tòa
Luật mới quy định hệ thống TAND chỉ còn ba cấp, chấm dứt hoạt động của TAND cấp cao và cấp huyện.
TAND Tối cao vừa ban hành Công văn quán triệt thực hiện các quy định mới của luật, nghị, quyết, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9.
Đối với Luật Tổ chức TAND, sau những sửa đổi, bổ sung vừa qua, mô hình tổ chức và thẩm quyền xét xử của hệ thống TAND đã có nhiều thay đổi. Theo đó, hệ thống tòa án chỉ còn ba cấp thay vì bốn như trước, đồng thời mở rộng thẩm quyền và tăng số lượng thẩm phán ở nhiều cấp.

Trụ sở chính của TAND TP.HCM: Số 131 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, TP.HCM. Ảnh: SONG MAI
Chấm dứt hoạt động TAND cấp cao, cấp huyện
Một trong những điểm đột phá của luật lần này là việc tái cấu trúc hệ thống tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Cụ thể, Tòa án nhân dân sẽ chỉ còn 3 cấp: TAND Tối cao, TAND cấp tỉnh và TAND khu vực.
Theo đó, TAND cấp huyện và TAND cấp cao sẽ kết thúc hoạt động. Ngoài ra, không tổ chức TAND sơ thẩm chuyên biệt về Phá sản, Sở hữu trí tuệ, Hành chính như một cấp Tòa án mà tổ chức thành các tòa chuyên trách về Phá sản, Sở hữu trí tuệ tại một số TAND khu vực tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM. Đồng thời, thành lập Tòa án chuyên biệt tại Trung tâm tài chính quốc tế.
Sau khi sắp xếp, cả nước có: TAND tối cao, 34 TAND cấp tỉnh (trong đó 11 giữ nguyên, 23 hình thành sau sáp nhập), 355 TAND khu vực được thành lập từ việc cơ cấu lại 693 TAND cấp huyện; tòa án chuyên biệt tại Trung tâm tài chính quốc tế, cùng các tòa án quân sự.
Luật sửa đổi cũng điều chỉnh rõ ràng nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp tòa án.
Nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức TAND
TAND Tối cao sẽ thêm nhiệm vụ phúc thẩm các vụ án hình sự mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị; giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao, TAND cấp tỉnh; Giao Thẩm phán TAND tại TAND Tối cao nhiệm vụ xét xử các vụ án, vụ việc, trả lời đơn đề nghị, văn bản yêu cầu, kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm theo phân công của Chánh án TAND Tối cao.
Thành lập 3 Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao (đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM). Số lượng Thẩm phán TAND Tối cao sẽ tăng từ 13-17 người lên 23-27 người để đáp ứng khối lượng công việc mới.
TAND cấp tỉnh bổ sung nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND khu vực; phúc thẩm vụ án, vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của TAND khu vực bị kháng cáo, kháng nghị; sơ thẩm vụ án hình sự về các tội phạm có mức cao nhất của khung hình phạt từ trên 20 năm tù, tù chung thân, tử hình và những vụ án khác theo quy định của luật;
Chuyển nhiệm vụ sơ thẩm các vụ án hình sự về các tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt đến 20 năm tù; vụ án hành chính; vụ án, vụ việc dân sự và các vụ việc khác cho TAND khu vực, trừ vụ việc về yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc; giao cho TAND TP Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM thẩm quyền giải quyết đối với yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc.
TAND khu vực sẽ xét xử theo thủ tục sơ thẩm các vụ án hình sự về các tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt đến 20 năm tù; xét xử theo thủ tục sơ thẩm tất cả các vụ án hành chính, vụ án, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án, trừ các vụ việc giải quyết đối với yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc.
Giao thẩm quyền giải quyết, xét xử theo thủ tục sơ thẩm các vụ việc phá sản, sở hữu trí tuệ cho Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ tại một số TAND khu vực ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM.
Bổ sung quy định về bổ nhiệm thẩm phán
Luật sửa đổi quy định rõ hơn về tiêu chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao. Bổ sung trường hợp người đang là Thẩm phán và có ít nhất 5 năm làm Vụ trưởng chuyên môn tại TAND Tối cao có thể được bổ nhiệm, nhưng không quá 10% tổng số thẩm phán của cấp này.
Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia cũng được điều chỉnh, bổ sung thêm các thành viên có kinh nghiệm thực tiễn: gồm một thủ trưởng đơn vị thuộc TAND Tối cao, một Chánh tòa Phúc thẩm và một Chánh án TAND cấp tỉnh do Chánh án TAND Tối cao chỉ định.
Luật cũng sửa đổi cơ chế bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm nhân dân theo hướng TAND cấp tỉnh đề xuất nhu cầu, sau đó Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh giới thiệu nhân sự và HĐND tỉnh thực hiện bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị đã thống nhất.
Đối với Tòa án chuyên biệt tại Trung tâm Tài chính quốc tế, TAND Tối cao cho biết các nhiệm vụ, quyền hạn, thủ tục tố tụng... sẽ do Quốc hội quyết định.