TAND TP Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu): Công tác hòa giải, đối thoại đạt hiệu quả cao

TP. Vũng Tàu là trung tâm kinh tế - văn hóa - du lịch của tỉnh Bà Rịa- Vũng tàu, vì vậy, các quan hệ xã hội cũng trở nên phức tạp hơn, nhất là các tranh chấp về dân sự, hành chính. Tuy nhiên, với nỗ lực vượt bật, Tòa án đã giải quyết trên 91,35%, trong đó hòa giải thành đạt 81,34%.

Tập thể TAND TP Vũng Tàu

Tập thể TAND TP Vũng Tàu

Thẩm phán Nguyễn Thanh Sơn, Chánh án TAND Tp Vũng Tàu cho biết, lãnh đạo, thẩm phán, CBCC TAND TP Vũng Tàu luôn xác định, hòa giải, đối thoại đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Hòa giải, đối thoại thành góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân. Hòa giải, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; vụ việc không phải trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo quy định của các luật tố tụng; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước.

Năm 2019, Ban cán sự Đảng TAND tỉnh đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 15 về lãnh đạo việc nâng cao chất lượng hiệu quả công tác giải quyết các vụ án. Sau đó, TAND tỉnh và UBND tỉnh ký kết quy chế phối hợp công tác. Nghị quyết đã chỉ đạo các phường xã, địa phương có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ Tòa án trong các hoạt động của Tòa án có liên quan đến địa phương. Từ đó TAND TP. Vũng Tàu đã triển khai, tạo các đường dây nóng kết nối với địa phương, UBND phường, xã, tổ dân phố; lập danh sách số điện thoại các đồng chí tổ trưởng tổ dân phố, các đồng chí cán bộ tư pháp xã, phường để thuận lợi cho cán bộ Tòa án liên lạc, xác minh và hỗ trợ Tòa án vận động, thuyết phục người dân là đương sự trong các vụ án dân sự, lao động, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, hành chính tại Tòa án.

TAND Tp. Vũng Tàu đã chủ động triển khai ngay nhiều giải pháp thực hiện, đặc biệt là giải pháp “Công tác dân vận trong việc hòa giải các vụ án dân sự” mang tính đột phá. Kết quả, năm công tác 2020, đơn vị đã thụ lý 2.521vụ, việc; đã giải quyết 2.303 vụ, việc; đạt tỷ lệ 91,35%. Trong đó, tỷ lệ hòa giải thành đạt 81,34%, vượt chỉ tiêu TANDTC đề ra là 21,34%; Tỷ lệ đối thoại thành trong án hành chính là 61,54%, vượt chỉ tiêu TANDTC đề ra là 31,54%.

Chánh án Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ, để hòa giải, đối thoại thành, trước tiên, Thẩm phán phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, thu thập thông tin, xác định địa vị pháp lý của người tham gia tố tụng, xác định quan hệ pháp luật cần giải quyết và tìm hiểu nguồn gốc sâu xa dẫn đến tranh chấp để từ đó đưa ra cách thức hòa giải, đối thoại phù hợp. Tòa án luôn phối hợp với chính quyền địa phương cùng tham gia hòa giải. Với các vụ án hôn nhân và gia đình, Tòa án cũng phối hợp với những người có uy tín trong dòng họ của các đương sự, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự có thời gian suy nghĩ, lựa chọn và đi đến quyết định cuối cùng.

Chánh án TAND TP Vũng Tàu Nguyễn Thanh Sơn

Chánh án TAND TP Vũng Tàu Nguyễn Thanh Sơn

Các thẩm phán luôn dành thời gian cho các bên nói rõ quan điểm, ý kiến, tâm tư, nguyện vọng. Phân tích rõ cho các đương sự biết được lợi ích mà họ sẽ có nếu thỏa thuận giữa hai bên thành công tại phiên hòa giải. Bên cạnh đó, các thẩm phán cũng chủ động đặt vấn đề cho các bên đương sự suy nghĩ, tự thương lượng, thỏa thuận mà không cần tòa án xét xử. Thẩm phán luôn giữ chuẩn mực là người không đứng về một bên nào; biết tăng giảm liều lượng căng thẳng hoặc mềm dẻo, duy trì mức độ trung hòa để đạt được mục đích hòa giải và biết lắng nghe cả hai bên, chắt lọc và gợi ý để đi đến thỏa thuận chung.

Đặc biệt, kỹ năng giao tiếp của Thẩm phán trang bị khi hòa giải, đối thoại rất quan trọng. Kỹ năng lắng nghe, Thẩm phán luôn phải tôn trọng ý kiến của các bên đương sự, dành thời gian hợp lý để các bên nói rõ quan điểm của mình và xem điều đó ảnh hưởng đến họ như thế nào; lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của các bên; đặt vấn đề để các bên suy nghĩ, bàn bạc để tìm ra những điểm chung, ý kiến trung hòa nhất. Những thông tin Thẩm phán tiếp nhận được từ đương sự phải được chắt lọc và tổng hợp đúng với ý định mà họ đã trình bày. Điều này giúp Thẩm phán lựa chọn phương án giúp họ giải quyết mâu thuẫn một cách có hiệu quả, đạt kết quả tích cực về lợi ích chung của các bên và cũng là mục đích của phiên hòa giải.

Kỹ năng đặt câu hỏi, thẩm phán lên kế hoạch hỏi đối với từng bên sao cho phù hợp, hiệu quả. Thẩm phán có thể lựa chọn sử dụng như: Câu hỏi đánh giá, câu hỏi gợi ý, câu hỏi gián tiếp, câu hỏi trực tiếp, câu hỏi chuyển tiếp, câu hỏi yêu cầu, câu hỏi đóng, câu hỏi mở… Tùy từng trường hợp, Thẩm phán phải sắp xếp, lên kế hoạch hỏi bên nào trước, hỏi vấn đề gì trước… sao cho phù hợp với từng tranh chấp, khiếu kiện. Ngoài ra, các Thẩm phán phải là những người có tinh thần trách nhiệm, có tính kiên trì với phương châm “làm hết việc, không làm hết giờ”.

Với những thành tích đã đạt được, năm 2020, TAND Tp Vũng Tàu được khen thưởng danh hiệu Cờ thi đua của Chính phủ và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Quang Trung

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/toa-an/tand-tp-vung-tau-ba-ria-vung-tau-cong-tac-hoa-giai-doi-thoai-dat-hieu-qua-cao-70686.html