TANDTC đề xuất sửa đổi một số luật, pháp lệnh sau khi rà soát
Ngày 17/9, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, UBTVQH xem xét báo cáo về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật của VKSNDTC, TANDTC và Kiểm toán Nhà nước…
Báo cáo kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) do TANDTC chủ trì soạn thảo, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ cho biết: TANDTC đã tiến hành rà soát 57 văn bản, trong đó 08 bộ luật, luật, pháp lệnh của Quốc hội, UBTVQH; 24 nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, 10 thông tư của Chánh án TANDTC hướng dẫn thi hành các bộ luật, luật, nghị quyết và 15 thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành các bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH..
Sau khi rà soát đã phân tích cụ thể và chỉ ra một số nội dung chưa thống nhất hoặc chưa thực sự phù hợp trong các văn bản QPPL, cần được nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.
TANDTC cũng đề xuất một số kiến nghị xử lý văn bản QPPL như sau: Xây dựng dự án Luật Phá sản (sửa đổi); Sửa đổi một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Bộ luật Tố tụng hành chính, Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu bay 2010, Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án…
Đại diện VKSNDTC cũng cho biết, đã tổ chức rà soát 50 văn bản và chỉ ra những nội dung bất cập, kiến nghị sửa đổi.
Thẩm tra các báo cáo của TANDTC, VKSNDTC, Ủy ban Tư pháp (UBTP) cho rằng, các cơ quan này đã thực hiện nghiêm túc yêu cầu của UBTVQH về việc rà soát văn bản QPPL, tổ chức rà soát công phu, kỹ lưỡng, đồng thời gửi báo cáo kết quả rà soát đến UBTP đúng thời hạn.
UBTP cũng nhất trí với đề xuất của TANDTC, VKSNDTC cho rằng, mặc dù kết quả rà soát phát hiện một số quy định chưa thống nhất, hoặc chưa phù hợp trong VBQPPL, nhưng cơ bản không ảnh hưởng đến thực tiễn thi hành dẫn đến phải sửa đổi, bổ sung ngay các văn bản QPPL. Trên cơ sở đó, đề nghị ghi nhận kết quả rà soát để tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc khi tiến hành sửa đổi tổng thể các văn bản QPPL liên quan cho phù hợp, thống nhất.
Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga cho biết, trên cơ sở báo cáo của TANDTC, VKSNDTC và kết quả trao đổi, thảo luận tại phiên họp thẩm tra, UBTP tán thành với kết quả rà soát của TANDTC về 05 nội dung chưa thống nhất và 09 nội dung chưa phù hợp trong các văn bản QPPL; tán thành với kết quả rà soát của VKSNDTC về 18 nội dung chưa thống nhất trong các các văn bản QPPL.
Báo cáo của TANDTC nêu 08 nội dung và Báo cáo của VKSNDTC nêu 16 nội dung trong các văn bản QPPL chưa thống nhất hoặc chưa phù hợp. Tuy nhiên, UBTP cho rằng, những quy định này đã bảo đảm tính thống nhất và phù hợp. Quá trình xem xét, thông qua các luật, pháp lệnh, nghị quyết, Quốc hội và UBTVQH đã thảo luận kỹ, cân nhắc nhiều mặt và lựa chọn phương án như quy định trong các luật, pháp lệnh, nghị quyết hiện hành để một mặt bảo đảm phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta, mặt khác bảo đảm phù hợp với các luật chuyên ngành quy định về vấn đề này.
Ngoài các luật, pháp lệnh, nghị quyết thuộc trách nhiệm chủ trì thẩm tra của UBTP, VKSNDTC rà soát, báo cáo 10 nội dung chưa thống nhất, chừa phù hợp trong 06 luật, pháp lệnh thuộc trách nhiệm chủ trì thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế và Ủy ban về các vấn đề xã hội.
Kết quả phối hợp thẩm tra, các Ủy ban của Quốc hội tán thành với kết quả rà soát của VKSNDTC về 05 nội dung; đối với 05 nội dung còn lại, các Ủy ban của Quốc hội nhận thấy không có sự mâu thuẫn, bất cập. Sau phiên họp thẩm tra, VKSNDTC thống nhất rút 05 nội dung khỏi báo cáo.
Trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng kết quả rà soát văn bản QPPL, UBTP tán thành với nhiều nội dung rà soát của TANDTC, VKSNDTC và nhận thấy: Một số nội dung chưa có sự thống nhất giữa các văn bản QPPL hầu hết mang tính kỹ thuật và cơ bản không gây khó khăn cho thực tiễn thi hành; một số nội dung trong các văn bản được ban hành từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, nên sau gần 10 năm thi hành đã phát sinh các vấn đề mới, vì vậy không còn phù hợp, cần được tiếp tục tổng kết, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, TANDTC, VKSNDTC phản ánh gặp khó khăn trong thực tiễn thi hành là do khâu tổ chức thực hiện, hoặc chưa kịp thời có văn bản hướng dẫn thi hành, không phải vướng mắc của luật, pháp lệnh, nghị quyết. Trên cơ sở đó, UBTP cũng đã có 04 kiến nghị đối với Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC.
Liên quan đến Báo cáo rà soát văn bản QPPL của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), sau khi thẩm tra, Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, đã phản ánh khá đầy đủ kết quả rà soát các VBQPPL có các quy định liên quan đến hoạt động kiểm toán của KTNN và kiến nghị của KTNN về sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ văn bản QPPL thông qua hoạt động kiểm toán 8 tháng năm 2020.
Ủy ban Tài chính ngân sách cũng đề nghị KTNN rà soát thêm một số văn bản QPPL khác như các luật thuế, Luật Hải quan; các văn bản của Chính phủ (nghị định, nghị quyết); các thông tư của các bộ, ngành, đặc biệt là nghị quyết của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương... có nội dung liên quan đến hoạt động của KTNN…
Sau khi các Ủy viên UBTVQH cho ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các cơ quan tiếp thu ý kiến đóng góp và hoàn thiện báo cáo để trình Quốc hội vào kỳ họp tới.