Tăng 1.000 đồng, giá tiêu chưa vượt mốc 150.000 đồng/kg

Giá tiêu hôm nay (27/7) tiếp tục tăng nhẹ 1.000 đồng/kg tại Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, đưa giá tiêu trong nước dao động quanh ngưỡng 149.000 - 150.000 đồng/kg. Dấu hiệu thiếu hụt nguồn cung sẽ kéo dài cho đến khi giáp hạt.

Giá tiêu tăng 1.000 đồng ở một số địa phương.

Giá tiêu tăng 1.000 đồng ở một số địa phương.

Giá tiêu tại Đắk Lắk giữ ổn định ở mức 150.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Gia Lai cũng được giữ ổn định ở mức 149.000 đồng/kg. Giá tiêu hôm nay tại Đắk Nông đi ngang, đạt 150.000 đồng/kg.

Giá tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai tăng nhẹ 1.000 đồng/kg, đạt 150.000 đồng/kg. Giá tiêu hôm nay tại Bình Phước đi ngang, đạt 149.000 đồng/kg.

Dù giá tiêu tiếp tục tăng nhẹ 1.000 đồng/kg tại các tỉnh Đông Nam Bộ nhưng vẫn chưa thể vượt qua mốc 150.000 đồng/kg. Một số chuyên gia nhận định, dấu hiệu thiếu hụt nguồn cung so với nhu cầu sẽ được thị trường tiếp tục ghi nhận và phản ánh trong thời gian tới cho đến khi giáp hạt.

Trong khi đó, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng nhanh và tắc nghẽn cảng ở châu Á cũng tác động đến giá cả ở các thị trường nhập khẩu, và có thể gây ra sự chậm trễ vận chuyển. Điều này khiến giá tiêu tăng trong trung và dài hạn.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 141.392 tấn hồ tiêu các loại với trị giá thu về là 629.9 triệu USD, giảm 7,4% về lượng nhưng tăng hơn 30% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, Ấn Độ là thị trường tiêu thụ hồ tiêu lớn thứ tư của Việt Nam với khối lượng đạt 6.813 tấn, trị giá 28 triệu USD, tăng mạnh 46,5% về lượng và tăng tới 90,6% về trị giá.

Việt Nam là nguồn cung hồ tiêu lớn nhất cho Ấn Độ trong 5 tháng đầu năm 2024 với khối lượng đạt 5.220 tấn, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này giúp cho thị phần hồ tiêu của Việt Nam tại Ấn Độ mở rộng từ 32,5% lên mức 41,8%.

Tuy nhiên, hồ tiêu Việt Nam khi xuất khẩu sang Ấn Độ gặp trở ngại lớn về thuế. Cụ thể, Chính phủ Ấn Độ đang áp thuế nhập khẩu 25% đối với hồ tiêu có nguồn gốc từ các quốc gia ASEAN như Việt Nam và Campuchia, và 70% đối với hồ tiêu từ quốc gia như Brazil và Trung Quốc.

Trong khi đó, theo Thỏa thuận Thương mại Tự do Nam Á (SAFTA), hồ tiêu Sri Lanka chỉ chịu thuế 8% tại Ấn Độ và xuất khẩu dưới 2.500 tấn không chịu bất kì mức thuế nào. Đây được xem là điểm bất lợi của tiêu Việt Nam so với Sri Lanka tại thị trường Ấn Độ.

Trên thị trường thế giới, giá tiêu đen Lampung của Indonesia tiếp tục giảm 0,15%, xuống còn 7.150 USD/tấn, kéo dài chuỗi 4 ngày giảm liên tiếp; giá tiêu trắng Muntok cũng giảm 0,16%, xuống còn 9.103 USD/tấn.

Giá tiêu đen ASTA 570 của Brazil giảm mạnh 2,46%, xuống còn 6.950 USD/tấn.

Giá tiêu đen ASTA của Malaysia được giữ ổn định ở mức 7.500 USD/tấn; giá tiêu trắng ASTA của nước này đạt 8.800 USD/tấn.

Giá tiêu các loại của Việt Nam tiếp tục đi ngang. Trong đó, giá tiêu đen của Việt Nam loại 500 gr/l đạt 6.000 USD/tấn; loại 550 gr/l đạt 6.600 USD/tấn.

Tương tự, giá tiêu trắng của Việt Nam được giữ ổn định ở mức 8.800 USD/tấn.

NY

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/tang-1-000-dong-gia-tieu-chua-vuot-moc-150-000-dong-kg-1101304.html