Ngân hàng phát hành nhiều trái phiếu, có đáng lo?

Những chuyển động gần đây trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp là tích cực khi khối lượng phát hành đang có xu hướng tăng mạnh.

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề trên, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Bình, Đại học RMIT Việt Nam cho rằng, để thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hồi phục và mang tính lan tỏa trong nhiều ngành nghề, vẫn cần tăng cường tính minh bạch cho thị trường và tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý trong việc giám sát thị trường.

Cú tăng tốc mạnh

Phóng viên: Theo thông tin từ Bộ Tài chính, trong tháng 7-2024, có 56 đợt phát hành TPDN riêng lẻ thành công với khối lượng khoảng 45 ngàn tỉ đồng, giảm 15% so với tháng 6, nhưng tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023. Ông đánh giá thế nào về việc phát hành TPDN đang hồi phục?

+ Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Bình: Việc phát hành TPDN trong những tháng gần đây cho thấy sự hồi phục nhất định của thị trường trái phiếu so với cùng kỳ năm ngoái.

Khối lượng phát hành thành công của TPDN đang gia tăng, cho thấy thị trường TPDN đang dần ấm lên, đồng thời bước đầu xác lập lại niềm tin cho nhà đầu tư, tạo tiền đề cho sự hồi phục dài hạn của thị trường.

Tuy nhiên, để có cái nhìn chính xác hơn về tác động của chuyển biến này đối với thị trường TPDN, chúng ta cần xem xét các yếu tố tạo nên sự tăng trưởng ấn tượng này.

Về cơ cấu tổ chức phát hành, nhóm ngành ngân hàng và bất động sản vẫn chiếm đa số. Tuy vậy, trong khi việc phát hành trái phiếu của nhóm ngành bất động sản có sự sụt giảm đáng kể, thì các ngân hàng lại đóng vai trò là người dẫn dắt thị trường, chiếm phần lớn lượng phát hành TPDN trong thời gian qua.

 Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Bình, Đại học RMIT Việt Nam

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Bình, Đại học RMIT Việt Nam

Phóng viên: Nhìn sâu hơn, hiện ngân hàng đang là tổ chức phát hành TPDN nhiều nhất, ông đánh giá điều này ra sao?

+ Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Bình: Việc các ngân hàng tích cực huy động vốn qua kênh TPDN giúp họ đa dạng hóa nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn dài hạn. Đồng thời, việc phát hành TPDN cũng góp phần gia tăng sự giám sát của thị trường đối với hoạt động của các ngân hàng. Xét về điểm này, đây có thể xem là dấu hiệu tích cực đối với thị trường TPDN cũng như hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, tôi không quá lạc quan về sự phục hồi của thị trường TPDN như một kênh huy động hiệu quả cho các doanh nghiệp ở các ngành khác. Việc các ngân hàng phát hành thành công TPDN có thể do những đặc thù riêng của ngành này mà các nhóm ngành khác không có được.

Chẳng hạn, ngân hàng có lợi thế về xếp hạng tín nhiệm so với các ngành khác nên dễ có được sự tin tưởng của nhà đầu tư. Ngoài ra, cùng với việc phát hành trái phiếu với đa dạng kỳ hạn và cơ chế lãi suất, một số ngân hàng còn cung cấp các sản phẩm hỗ trợ như cho vay cầm cố trái phiếu do chính ngân hàng phát hành.

Một mặt, điều này tạo nên sự hấp dẫn cho nhà đầu tư trong việc lựa chọn trái phiếu ngân hàng như một sản phẩm hiệu quả để bổ sung vào danh mục đầu tư. Mặt khác, việc cho vay cầm cố trái phiếu có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của nguồn vốn dài hạn huy động được từ việc phát hành trái phiếu.

Phóng viên: Doanh nghiệp bất động sản vẫn phát hành được TPDN nhưng với tỉ lệ thấp hơn so với trước đây, điều này có ý nghĩa tích cực nào?

+Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Bình: Mặc dù lãi suất trung bình của trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản cao hơn nhiều so với nhóm ngành ngân hàng, nhưng tỉ lệ phát hành trái phiếu thành công của nhóm ngành này lại thấp hơn.

Điều này phần nào cho thấy nhà đầu tư chú trọng hơn vào rủi ro thay vì chỉ quan tâm đến tỉ suất lợi nhuận TPDN. Ngoài ra, tình hình kinh doanh không khả quan của các công ty bất động sản cũng làm hạn chế khả năng trả nợ, gây ảnh hưởng không tốt đến việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp này.

Ở một mức độ nào đó, đây có thể là một dấu hiệu tích cực, cho thấy các quy định về xếp hạng tín nhiệm, đánh giá rủi ro, và minh bạch thông tin khi phát hành TPDN bước đầu có những tác dụng nhất định.

Trong khi nhiều ngân hàng được nâng hạng tín nhiệm trong thời gian gần đây, xếp hạng tín nhiệm của các công ty ngành bất động sản nhìn chung là không tốt. Điều này góp phần lý giải vì sao tỉ lệ thành công trong việc phát hành TPDN của các ngân hàng cao hơn nhiều so với nhóm ngành bất động sản.

Trái phiếu doanh nghiệp “hạ cánh mềm”

Theo báo cáo mới nhất của FiinGroup, từ đầu năm đến ngày 13-8, tổng giá trị phát hành TPDN đạt 240 nghìn tỷ đồng. Con số này tăng 102% so với cùng kỳ năm ngoái, giúp quy mô lưu hành đạt 1,21 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 11,7% GDP năm 2023.

Về cơ cấu phát hành, trái phiếu do ngân hàng phát hành đạt 136,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 68%; trái phiếu bất động sản đạt 43,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 21,54% tổng giá trị phát hành tính từ đầu năm 2024.

Tình hình chậm trả đã giảm khá nhiều so với đỉnh điểm năm 2023, đặc biệt là trái phiếu bất động sản do các tổ chức phát hành đã chủ động đàm phán với nhà đầu tư tái cơ cấu nợ trái phiếu.

Dự báo trong thời gian tới, trái phiếu ngân hàng sẽ vẫn là nhóm chủ đạo dẫn dắt thị trường, dự kiến chiếm khoảng 70% giá trị phát hành nửa cuối năm 2024. Trong khi đó, trái phiếu bất động sản bắt đầu hồi phục nhờ một số có tiến độ pháp lý và trái phiếu hạ tầng có dấu hiệu khởi sắc.

Trái phiếu ngân hàng có thể là một kênh đầu tư để nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức có thể nhận được lợi suất cao hơn so với lãi suất tiền gửi, với thanh khoản tốt và sự đa dạng về các sự lựa chọn về kỳ hạn và lợi suất.

Thị trường TPDN vẫn cần được giám sát chặt chẽ

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về sức ép với nhiều doanh nghiệp bất động sản khi việc đáo hạn TPDN sắp tới, đặc biệt khi thời gian gia hạn trả nợ gần hết?

+ Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Bình: Có thể thấy rằng nhiều doanh nghiệp bất động sản đang chịu áp lực trả nợ rất lớn khi thời hạn trả nợ đến gần, đặc biệt khi các quy định về nới lỏng hoặc tạm hoãn một số điều kiện của Nghị định 65 hết hiệu lực.

Các yêu cầu chặt chẽ hơn của nghị định này, chẳng hạn như các quy định liên quan đến xếp hạng tín nhiệm, khi được áp dụng sẽ hạn chế sự tham gia thị trường TPDN của các doanh nghiệp có mức độ tín nhiệm thấp và thiếu minh bạch.

Điều này có thể tạo ra sự phân hóa trong việc phát hành TPDN và khả năng trả nợ của các doanh nghiệp bất động sản.

Nhóm các doanh nghiệp bất động sản có sự phục hồi ổn định về tình hình kinh doanh và có khả năng đáp ứng các quy định mới của thị trường sẽ dễ tiếp cận nguồn vốn hơn thông qua việc phát hành trái phiếu.

Ngược lại, nhóm doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong kinh doanh và thiếu minh bạch về thông tin sẽ có khả năng trả nợ thấp, khó thành công trong việc phát hành trái phiếu, và có thể đối mặt với nguy cơ vỡ nợ.

.Phóng viên: Ông có khuyến nghị ra sao để thị trường TPDN hoạt động tốt trở lại và là kênh huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế, bớt gây áp lực lên vốn tín dụng?

+ Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Bình: Để thị trường phát triển ổn định và bền vững trong dài hạn, cần tập trung vào một số nhóm giải pháp cơ bản.

Thứ nhất, tăng cường tính minh bạch cho thị trường, như hoàn thiện các cơ chế liên quan đến việc xếp hạng tín nhiệm tổ chức phát hành, triển khai và hoàn thiện hệ thống giao dịch tập trung.

Thứ hai, phát triển các công cụ bảo hiểm và quản lý rủi ro để giúp giảm bớt rủi ro cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. Ví dụ, chính phủ có thể nghiên cứu và phát triển công cụ hoán đổi rủi ro tín dụng (Credit Default Swap – CDS). Đây là công cụ giúp bảo vệ nhà đầu tư trái phiếu trước rủi ro tín dụng bằng cách cho phép họ hoán đổi hoặc bù đắp rủi ro với người bán CDS, thường là một ngân hàng hoặc tổ chức tài chính.

Thứ ba, tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý trong việc giám sát thị trường và đưa ra các quy định hợp lý để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Các quy định mới cần được nghiên cứu, phản biện, đánh giá tác động, và có lộ trình phù hợp để triển khai.

Thứ tư, khuyến khích đa dạng hóa sản phẩm trái phiếu nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề khác nhau tham gia thị trường trái phiếu, từ đó tăng tính thanh khoản và sự ổn định cho thị trường.

Cần được giám sát hợp lý để giảm thiểu rủi ro

Hiện nay, ngân hàng vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu nhà phát hành trái phiếu. Để có thể phát huy hiệu quả của thị trường TPDN như một kênh huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế, giảm áp lực lên vốn tín dụng, việc đa dạng hóa cơ cấu tổ chức phát hành là điều cần thiết.

Việc ngân hàng tham gia thị trường với vai trò là tổ chức phát hành có thể được xem là chất xúc tác, dẫn dắt sự hồi phục và phát triển của thị trường.

Trong dài hạn, ngân hàng cần phát huy vai trò của mình ở những khía cạnh khác để hỗ trợ cho sự phát triển của TPDN, chẳng hạn ngân hàng có thể tăng cường hơn nữa vai trò bảo lãnh phát hành cho các đợt phát hành.

Tuy nhiên, các hoạt động của ngân hàng trên thị trường trái phiếu cũng cần được giám sát một cách hợp lý để giảm thiểu những tác động tiêu cực đến thị trường trái phiếu cũng như nền kinh tế.

PHƯƠNG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/ngan-hang-phat-hanh-nhieu-trai-phieu-co-dang-lo-post808473.html