Tặng 10.000 radio cho công nhân giải trí, sau 1 năm không còn cái nào
Buổi tọa đàm 'nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho công nhân trong các khu công nghiệp' cho thấy một số chính sách chăm lo cho công nhân cần được giám sát tốt hơn.
Trường Chính trị tỉnh Bến Tre phối hợp cùng Học viện Chính trị Khu vực II tổ chức buổi tọa đàm Khoa học "nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho công nhân trong các khu công nghiệp" diễn ra tại hội trường Học viện Chính trị khu vực II ngày 25-1.
Buổi tọa đàm nhằm hướng tới mục đích giúp nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho công nhân trong các khu công nghiệp, cải thiện năng suất sản xuất trong giai đoạn mới.
Tại tọa đàm, theo báo cáo của đồng chí Lương Thị Tới, Phó GĐ Sở LĐ-TB&XH TP.HCM và đồng chí Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM, các sở ban ngành TP.HCM trong suốt thời gian qua đã thực hiện nhiều hình thức, chính sách, chương trình như: Chợ 0 đồng, nhà lưu trú công nhân, trường mầm non phục vụ cho con em công nhân,… đáp ứng được nhiều kỳ vọng về đời sống tinh thần cho người lao động.
Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM chia sẻ: “Cái nào giúp cho anh, chị em công nhân giải trí, thư giãn được chúng tôi đang rất cố gắng khuyến khích mọi người tham gia. Tuy nhiên, vì nhiều tính chất nên chỉ mới số ít hoặc không có người tham gia. Ví dụ chương trình tặng 10.000 máy radio (thiết bị âm thanh) cho công nhân ở khu chế xuất, khu công nghiệp để người lao động theo dõi thông tin, tin tức, giải trí,… trong và sau giờ làm việc. Sau một năm triển khai thì khi kiểm tra lại hiện không còn cái nào vì nhiều nguyên nhân như gửi về quê hay chỉ dùng điện thoại di động”,
Bà Lượng Thị Tới cho rằng: “Giữa công tác chính sách với công tác tư tưởng, công tác tổ chức, thì ba việc này chúng ta phải phối hợp chặt chẽ. Trong quá trình chúng ta thực hiện các chính sách thì không thể thiếu công tác triển khai giám sát. Chính sách tốt mà giám sát không tốt, chúng ta không kiểm tra thì có khi trong quá trình thực hiện sẽ không đảm bảo”.
Về việc giữ chân người lao động, TS Thân Ngọc Anh - Trưởng khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học cho rằng các địa phương cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền sâu rộng, tận dụng tối đa nguồn nhân lực địa phương.
"Các doanh nghiệp cần liên kết với các trường học ngay từ các cấp học THCS và THPT để định hướng các em học sinh, sau khi các em rời giảng đường. Khi làm việc gần nhà sẽ tạo ra được tinh thần thoải mái về đời sống tinh thần, có sự sẻ chia áp lực cùng người thân, không phải di chuyển xa,..." - TS Thân Ngọc Anh nói.
PGS-TS Nguyễn Tấn Vinh, Phó Bí thư Đảng ủy, phó GĐ Học viện Chính trị khu vực II kỳ vọng với các tham luận tâm huyết của hai báo cáo viên TP.HCM sẽ giúp cho lãnh đạo các cụm, khu công nghiệp tỉnh Bến Tre sẽ có thêm những phương hướng giúp nâng cao đời sống tinh thần của công nhân tại địa phương.