Tăng 30% lương cơ sở là khó khăn lớn đối với các đơn vị sự nghiệp công lập
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, chiều 25-6, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1-7-2024.
Cải cách tiền lương phải đi cùng vị trí việc làm
Bày tỏ sự nhất trí với việc thực hiện tăng lương từ ngày 1-7-2024, đại biểu Lê Quân (Đoàn Hà Nội) cho rằng, bản chất của cải cách tiền lương phải đi cùng vị trí việc làm, năng lực làm việc và kết quả làm việc.
Nghị quyết số 27-NQ/TƯ hướng tới trả lương theo vị trí việc làm, cải cách được việc phân công, bố trí công việc. Trong đó, năng lực chuyên môn sáng tạo, kỹ năng tốt... thì đòi hỏi phải lương cao hơn. “Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang dùng bằng cấp để xếp lương”, đại biểu nêu thực tế. Việc tăng 30% lương cơ sở là quan trọng, Chính phủ thực hiện 4/6 nội dung cải cách tiền lương có nhiều điểm tiến bộ, trong đó đã bù đắp thu nhập cho những người hưởng mức lương dưới 3,2-3,5 triệu đồng/tháng.
Nêu một số khó khăn thực tế của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có thực trạng tại Đại học Quốc gia Hà Nội, đại biểu Lê Quân đề nghị nên cho phép đơn vị nào xây dựng vị trí việc làm thì thực hiện luôn và cần cân nhắc đối với các đơn vị sự nghiệp, nhất là đơn vị đã thực hiện tự chủ, đơn vị khối giáo dục, y tế…
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và Bộ Nội vụ, nhấn mạnh trong tình hình hiện nay thì phương án Chính phủ trình là khả thi nhất, bảo đảm ổn định khi thực hiện.
Đại biểu cũng đồng ý với những khó khăn của Chính phủ nêu báo cáo trong xây dựng bảng lương mới, phê duyệt vị trí việc làm. Theo đại biểu, thực tế cho thấy việc xây dựng vị trí việc làm còn nhiều khó khăn, có nhiều vị trí chưa xây dựng được do các bộ, ban, ngành chưa hướng dẫn vị trí việc làm đó.
Về 5 nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng, tổng nhu cầu kinh phí cho tăng lương cơ sở khoảng 913 nghìn tỷ đồng, được cân đối trong ba năm 2024-2026. Tuy nhiên, trong báo cáo Chính phủ chưa làm rõ có làm tăng tổng chi ngân sách nhà nước không, hay làm giảm các nguồn chi khác.
“Tôi cũng băn khoăn về việc áp dụng với các đơn vị sự nghiệp, cụ thể với ngành Y tế, tăng lương sẽ làm tăng giá dịch vụ y tế. Đề nghị Chính phủ đánh giá tác động về tăng giá tiêu dùng khi tăng lương và tính lại thuế thu nhập cá nhân, xem xét mức giảm trừ gia cảnh...”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà nêu quan điểm.
Các đơn vị sự nghiệp công lập gặp khó khăn
Theo đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn Hà Nội), Chính phủ đã nhìn thấy các bất cập, khó khăn và thẳng thắn nêu trong báo cáo. Chính phủ cần đánh giá sâu hơn về cải cách tiền lương theo vị trí việc làm, đồng thời tích cực tinh giản biên chế; giảm dần phụ cấp một số ngành không phù hợp...
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) cho rằng với các đơn vị sự nghiệp công lập khối y tế, giáo dục thực hiện tự chủ, việc tăng 30% lương cơ sở là rất lớn. Với các trường khối nông nghiệp, tự chủ đã là rất cố gắng, khi tăng lương, cơ sở giáo dục sẽ tăng học phí, ảnh hưởng đến sinh viên... “Đề nghị nếu bắt đầu thực hiện từ ngày 1-7-2024, đơn vị nào đã sẵn sàng thì thực hiện, còn lại nên vận động tuyên truyền”, đại biểu kiến nghị.
Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho biết, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục báo cáo Quốc hội đánh giá tác động kỹ phương án nguồn thực hiện với đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, có ý kiến đề nghị đơn vị nào sẵn sàng thì thực hiện ngay, còn những đơn vị còn khó khăn thì phải có phương án khả thi. Cùng với đó, xem xét giảm trừ gia cảnh khi thực hiện thuế thu nhập cá nhân; có biện pháp kiểm soát giá tiêu dùng, tránh tình trạng lương chưa tăng nhưng giá đã tăng...
Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn Thanh Hóa) thẳng thắn cho rằng: "Chúng ta chưa trả được mức lương tương xứng với cán bộ, công chức, lương hiện chưa đủ để yên tâm sống với nghề. Có thực trạng cứ tăng lương thì lại trượt giá, lạm phát, mức lương này sẽ quay về mức “đủ để sống”. Chúng ta vẫn chưa có được cái nhìn tổng thể, toàn diện, mỗi ngành lại “xin một chút” để bù đắp vào lương khiến mức sống chuẩn chưa đủ".
Đại biểu cho rằng việc thay đổi trước mắt là hợp lý, còn giai đoạn dài hơi hơn phải tính toán phù hợp, có mức lương “yên tâm công tác” cho cán bộ, công chức; đồng thời với việc cải cách biên chế, vị trí việc làm…
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (đại biểu Quốc hội đoàn Yên Bái) khẳng định, cải cách chính sách tiền lương là một vấn đề lớn, hệ trọng, liên quan trực tiếp đến kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế và liên quan trực tiếp đối với gần chục triệu cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người có công.
Đồng thời, tác động trực tiếp tới khoảng trên 5-10 triệu đối tượng thực hiện các chính sách xã hội hiện nay, gắn với mức lương cơ sở và cũng tác động trực tiếp khoảng gần 15 nghìn lao động trong doanh nghiệp (Nhà nước và tư nhân). Vì thế, Chính phủ đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, thận trọng, chắc chắn, bài bản, khoa học. Đặc biệt, đánh giá rất nhiều chiều tác động liên quan khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo đúng nội dung của Nghị quyết số 27-NQ/TƯ.