Tăng 30% lương cơ sở từ 1-7
Chiều 20-6, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo thường kỳ 6 tháng đầu năm 2024. Tại đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thông tin, ngày 19-6, Bộ Chính trị đã thông qua hồ sơ về cải cách tiền lương với phương án tối ưu nhất để thực hiện từ ngày 1-7.
Bộ trưởng cho biết, trong 6 tháng qua, Bộ Nội vụ đã có nhiều nỗ lực, với khối lượng công việc khổng lồ, trong khi đây là ngành rất phức tạp, nhạy cảm và khó, có nhiều vấn đề nếu làm được thì thay đổi nền hành chính, cho đất nước phát triển.
Cũng tại họp báo, người đứng đầu Bộ Nội vụ thông tin, ngày 19-6, Bộ Chính trị quyết định chủ trương về cải cách tiền lương. Đây là vấn đề hệ trọng, lớn, phức tạp, tác động tới hàng chục triệu đội ngũ trong khu vực công, tác động tới khoảng 50 triệu đối tượng hưởng cơ chế chính sách gắn với lương cơ sở.
Do đó, theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, việc tính toán điều chỉnh mức lương phải đảm bảo nguyên tắc thận trọng, chắc chắn, kỹ lượng, toàn diện, đồng bộ, cụ thể, không thể nóng vội.
“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương trong những năm qua đã có 21 cuộc họp bàn để cân nhắc, thận trọng ra được phương án tốt nhất có thể. Chúng tôi cũng thực hiện trên tinh thần chung, làm từng bước và theo lộ trình, cái gì khó khăn, vướng mắc, bất cập thì không nôn nóng, phải thận trọng, nếu chưa rõ tiếp tục báo cáo các cấp có thẩm quyền”, bà Trà khẳng định.
Thông tin thêm, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, khi đã nói cải cách tiền lương thì phải bám sát Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương (về cải cách chính sách tiền lương) để các đối tượng liên quan được tăng lương. Từ đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ban chỉ đạo đã quyết phương án: từ 1-7, các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ tăng lương theo Nghị quyết 27 để điều chỉnh mức lương cho người lao động.
Đối với thực hiện trong khu vực công, bà Trà cho hay, thực hiện phải không gây xáo trộn. Theo đó, Bộ Chính trị thống nhất 4/6 nội dung của Nghị quyết 27 đã rõ thì nâng lương theo vị trí việc làm, năng lực; bố trí 10% quỹ tiền thưởng bằng tổng quỹ lương cơ bản, thủ trưởng cơ quan đơn vị có thể thưởng đột xuất. Đây là quỹ độc lập với quy định ở Luật Thi đua khen thưởng. Việc này đã được các cơ quan cân đối nguồn.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, đã có thống nhất hướng dẫn cụ thể về các nguồn đảm bảo cải cách. Theo đó, có 5 nguồn chính (trong đó có từ nguồn sắp xếp, tinh giản bộ máy…), sẽ có hướng dẫn quản lý tiền lương và thu nhập (trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị).
Với nội dung các nhóm phụ cấp, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà thông tin thống nhất giữ nguyên như quy định hiện hành và tiếp tục rà soát các đối tượng phụ cấp khác… Do đó, từ ngày 1-7, tăng 30% so với mức cơ sở hiện hành. “Không ai thiệt thòi trong việc thực hiện cải cách tiền lương đợt này. Nhiều người nghĩ, vậy với mức tăng 30% thì nguồn tăng rất lớn khoảng 913.300 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2023, Chính phủ và đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng từ năm 2019 trở lại đây cũng đã tiết kiệm được hơn 600.000 tỷ đồng. Để có nguồn tiền trả lương, thời gian tới tiếp tục phải tiết kiệm.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tang-30-luong-co-so-tu-1-7-post745493.html