Tăng bệnh nhân nhập viện do thời tiết trở lạnh
Thời tiết chuyển lạnh gây ảnh hưởng rất lớn đến hệ hô hấp. Vì vậy, nếu không biết cách điều trị và dự phòng bệnh thì nguy cơ nhập viện là rất lớn.
Bệnh nhân nhập viện tăng cao
Tại một số bệnh viện tuyến Trung ương trên địa bàn Hà Nội, số lượng người cao tuổi, có tiền sử mắc các bệnh về đường hô hấp nhập viện có xu hướng gia tăng.
Bên cạnh đó, các khoa nhi cũng ghi nhận số lượng bệnh nhi tăng đột biến, nhiều phòng kín giường bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện hữu nghị Việt xô cho biết, vào thời điểm giao mùa, nếu không dự phòng cẩn thận, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể tái phát và tiến triển rất nhanh.
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến mắc COPD bao gồm cả các yếu tố thuộc về cơ địa người bệnh và các yếu tố do tiếp xúc thường xuyên với các yếu tố nguy cơ gây bệnh từ môi trường bên ngoài.
Trong đó, những người hút thuốc lá, thuốc lào có nguy cơ mắc COPD cao nhất. Ngoài phổi tắc nghẽn mãn tính, thời điểm này người cao tuổi cũng thường nhập viện do các bệnh lý hô hấp và tim mạch.
Những ngày gần đây trẻ nhập viện vì viêm phổi, viêm tiểu phế quản, tại nhiều bệnh viện đều tăng khoảng 20 -30% so với bình thường.
Đây là thời điểm khiến sức đề kháng của trẻ giảm cùng với mật độ vi khuẩn, virus trong không khí tăng lên.
Theo PGS-TS.Nguyễn Thị Hoài An, nguyên trưởng khoa Tai mũi họng Trẻ em của Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương hiện là Giám đốc Bệnh viện An Việt, mọi người đặc biệt là trẻ nhỏ và người có sức đề kháng yếu cần cẩn trọng với viêm amidan.
Thời tiết lạnh vào mùa đông khiến cho sức đề kháng của chúng ta cũng bị suy giảm, càng tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn gây bệnh sinh sôi phát triển mạnh gây bệnh. Nhất là đối với những người đã từng mắc viêm amidan rất dễ bị tái phát lại trong thời điểm này.
Mặt khác khi thời tiết lạnh, mọi người có khuynh hướng ít di chuyển ra ngoài đường. Nhiều gia đình còn đóng kín cửa để tránh gió lạnh xâm nhập khiến không khí không được lưu thông, ngẫu nhiên tạo ra môi trường thuận lợi cho các tác nhân vi sinh vật nếu tồn tại dễ dàng gây bệnh cho các thành viên trong nhà.
Những người bị viêm amidan thường có những triệu chứng như: Sáng ngủ dậy cổ họng khô rát, nuốt nước bọt thấy vướng; hơi thở có mùi hôi, khó chịu dù đã vệ sinh răng miệng sạch sẽ; Ho khan hoặc ho có đờ; sốt cao trên 39 độ, kèm đau đầu, mệt mỏi.
Bác sĩ Đỗ Hoàng Hải, Phòng điều trị tích cực, Trung tâm nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các phòng trong trung tâm lúc nào cũng kín giường, trong đó có những bệnh nhi chưa đầy một tháng tuổi bị suy hô hấp nặng, phải thở máy do căn nguyên virus RSV.
Bệnh nhân phải thở oxy dòng cao, hỗ trợ chăm sóc hô hấp và ăn qua xông. Hiện tại bệnh nhân được kết hợp điều trị hai loại kháng sinh. Tại Trung tâm đang có khá nhiều bệnh nhân viêm phổi do RSV.
Các bác sĩ cho biết, không chỉ gây suy giảm miễn dịch, chuyển biến nhanh dẫn đến biến chứng nặng, RSV còn hay đồng nhiễm hơn các loại virus khác.
Vì thế nhiều trường hợp bội nhiễm phải dùng kháng sinh. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, tình trạng viêm đường hô hấp do virus RSV sẽ gây ra những biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng của trẻ.
Hầu hết bệnh nhân nhập viên do nhiễm khuẩn đường hô hấp đặc biệt là viêm phổi do RSV. Bệnh nhân mắc cúm cũng rất nhiều.
Tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh
Bệnh về đường hô hấp là bệnh lý phổ biến, khiến khoảng 1/3 số trẻ nhập viện trong những năm đầu đời. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hằng năm có khoảng 4 - 5 triệu trẻ em tử vong do bệnh về đường hô hấp, phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi.
Ngoài ra, khi chuyển mùa người cao tuổi cũng cần đặc biệt quan tâm tới sức khỏe bản thân.
Bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm khuyến cáo với người cao tuổi vấn đề sử dụng thuốc cần hết sức lưu ý để tránh tình trạng bệnh nặng thêm.
Người cao tuổi thường ngại đi khám bệnh và tự ý đi ra hiệu thuốc kể về tình trạng bệnh và mua thuốc.
Điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và hiệu quả điều trị do không được cá thể hóa. Mỗi người cao tuổi khi đến bệnh viện sẽ được tham khám và có các phác đồ thích hợp với thể trạng và mức độ bệnh khác nhau.
Theo các bác sĩ, thời tiết lúc giao mùa thay đổi thất thường khiến cơ thể không thích ứng kịp, dễ bị vi rút, vi khuẩn tấn công gây bệnh như cảm cúm, viêm mũi họng và nguy hiểm hơn có thể làm tái phát các bệnh lý mạn tính.
Việc phòng bệnh lúc chuyển mùa là vô cùng quan trọng trong cộng đồng và đối với từng người. Nhất là ở người cao tuổi, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ để tránh bệnh diễn tiến nặng.
Ngoài ra, mỗi ngày bạn nên duy trì giấc ngủ đầy đủ từ 7 - 9 tiếng giúp cơ thể được tái tạo năng lượng và luôn giữ được trạng thái tỉnh táo.
Theo các chuyên gia y tế, giấc ngủ giữ vai trò quan trọng đối với sức đề kháng của cơ thể. Ngủ sớm vào buổi tối và ngủ đủ giấc sẽ giúp các tế bào trong cơ thể hoạt động tốt hơn.
Đồng thời tiêm phòng chủng ngừa các bệnh lý về đường hô hấp, điển hình như bệnh cúm mùa, lao phổi,... đúng lịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế sẽ giúp bạn hạn chế được tối đa nguy cơ mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec cho rằng, ngay cả khi có bị mắc bệnh thì triệu chứng cũng sẽ nhẹ hơn rất nhiều và hạn chế được các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
Cùng với việc lưu ý phòng bệnh bằng việc tiêm chủng đầy đủ các loại bệnh theo mùa, theo độ tuổi, thì giữ môi trường sống xung quanh sạch sẽ, thoáng mát và chú ý vệ sinh cá nhân như rửa tay, rửa mũi súc họng cũng góp phần phòng ngừa bệnh từ sớm, từ xa.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tang-benh-nhan-nhap-vien-do-thoi-tiet-tro-lanh-d204335.html