Tăng ca mắc viêm não Nhật Bản, nhiều trẻ bị di chứng thần kinh nặng

Viêm não Nhật Bản để lại hậu quả nặng nề nếu bị di chứng về thần kinh, nhiều cháu bé sau khi ra viện phải tập phục hồi chức năng với nhiều tổn thương khó lành. Thời tiết nắng nóng trong những ngày qua khiến nhiều ca viêm não Nhật Bản vào nhập viện.

Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận 2 ca viêm não Nhật Bản vào điều trị và đang phải thở máy, nâng tổng số ca bệnh viện tiếp nhận từ đầu năm đến nay lên gần 20 trường hợp.

Ngày 2/7, tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị cho 2 trường hợp, bé gái hơn 3 tuổi ở Bắc Kạn và bé trai 14 tuổi ở Hưng Yên, đều được chẩn đoán viêm não Nhật Bản di chứng. Trước đó, cả hai xuất hiện sốt cao liên tục, co giật, liệt tứ chi. Sau khi khám ở bệnh viện tuyến dưới, các cháu được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung uơng trong tình trạng rất nặng và phải điều trị tăng áp nội sọ. Theo TS.BS Đào Hữu Nam, Trưởng Khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện hai cháu đang phải thở máy, liệt tứ chi do di chứng của viêm não Nhật Bản, tiên lượng còn nặng.

Di chứng của viêm não Nhật Bản rất nặng nề đối với trẻ em, đặc biệt là di chứng về thần kinh và vận động. Ảnh minh họa

Di chứng của viêm não Nhật Bản rất nặng nề đối với trẻ em, đặc biệt là di chứng về thần kinh và vận động. Ảnh minh họa

Khoa Hồi sức truyền nhiễm, Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội (TWQĐ) 108 cũng vừa tiếp nhận nam sinh 16 tuổi (Sơn La) vào viện trong tình trạng nhiễm trùng và tổn thương não cấp tính. Trước đó, nam sinh có biểu hiện sốt cao, hôn mê, liệt tứ chi, rối loạn thần kinh thực vật, được chuyển tuyến lên Bệnh viện TWQĐ 108. Kết quả xét nghiệm xác định nam sinh bị viêm não Nhật Bản B. Sau khi được điều trị hồi sức tích cực, bệnh nhân đã vượt qua giai đoạn cấp tính. Tuy nhiên, hiện tại thiếu niên đã tỉnh, tự thở nhưng còn bị di chứng yếu liệt tứ chi, đặc biệt bên phải, không tự chăm sóc bản thân được.

Trước đó, Hà Nội ghi nhận ca mắc viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm nay là bé gái 12 tuổi ở huyện Phúc Thọ. Mới đầu, cháu bị sốt cao, đau đầu, gia đình cho uống thuốc giảm sốt. Một ngày sau, cháu xuất hiện thêm biểu hiện bị cứng gáy, đi không vững và gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Kết quả xét nghiệm não tủy cho thấy bé gái dương tính với virus viêm não Nhật Bản. Theo gia đình, bé gái đã tiêm 4 mũi vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản và mũi cuối cùng tiêm cách đây 5 năm.

TS.BS Đào Hữu Nam cho biết, viêm não rải rác quanh năm, nhưng mùa hè gặp nhiều hơn. Viêm não Nhật Bản có xu hướng giảm nhiều so với các năm trước. Cách đây 10 năm, mỗi năm Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận hơn 100 ca thì nay khoảng 30-40 ca. Bệnh thường gặp ở trẻ lớn, trung bình từ 5-8 tuổi, lớn hơn nữa là 14 -15 tuổi, thậm chí 16 tuổi vẫn mắc. Trẻ nhỏ nhất là 2 tháng và 5 tháng tuổi, nhưng rất ít.

Viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong cao và để lại di chứng nặng nề, thường gặp là di chứng thần kinh. Theo BS Nam, đa phần trẻ vào nhập viện đều trong tình trạng nặng và rất nặng như sốt cao liên tục, co giật, hôn mê, có thể có thần kinh khu trú. Trong vài năm gần đây, tại Bệnh viện Nhi Trung ương gần như không có ca viêm não Nhật Bản tử vong tại viện, chủ yếu là di chứng gây tổn thương não, triệu chứng lâm sàng nặng hơn, dù điều trị tích cực áp lực nội sọ nhưng tổn thương não vẫn nặng lên. Trong 92 ca viêm não Nhật Bản năm 2022 có tỷ lệ sống và khỏe mạnh gần 50%, di chứng xấp xỉ 50% tùy mức độ nhẹ và nặng (liệt tứ chi, mở khí quản). Di chứng thường gặp là rối loạn tâm thần, liệt, rối loạn ngôn ngữ, co giật, động kinh, nằm liệt giường… Có cháu sau sống sót liệt tứ chi sau khi ra viện phải tập phục hồi chức năng, sau 1-2 năm đi lại được tốt, nhưng có cháu di chứng tổn thương về tri giác và vận động còn chưa đánh giá được.

Viêm não Nhật Bản là căn bệnh nguy hiểm, cũng là căn nguyên hàng đầu gây viêm não virus ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Virus viêm não Nhật Bản được lây truyền qua muỗi đốt, ở Việt Nam được xác định là do muỗi Culex, hay trú ở ruộng lúa nước, nhất là ruộng mạ và phát tán trên cánh đồng, nên còn được gọi là muỗi ruộng đồng. Muỗi gây bệnh sinh sản nhiều vào mùa hè nắng nóng, lúc mưa nhiều (tháng 5,6,7 tại miền Bắc); muỗi thường bay đi hút máu người và súc vật vào lúc chập tối. Vật chủ chính của virus là động vật, quan trọng nhất là chim và lợn (khoảng 80% đàn lợn nuôi trong vùng dịch bị nhiễm virus).

Virus viêm não Nhật Bản lưu hành trong cả nước, nhiều nhất là các tỉnh đồng bằng và trung du miền núi phía Bắc. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, cách phòng tránh viêm não Nhật Bản là không để bị muỗi đốt, đặc biệt người dân trong khu vực gần chuồng trại nuôi lợn, ruộng lúa, lúc chập tối. Vaccine vẫn là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất, và đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng trên cả nước từ năm 2014. Nhiều phụ huynh thắc mắc con họ đã tiêm đủ mũi vaccine viêm não Nhật Bản nhưng tại sao vẫn bị mắc bệnh?

Theo BS Nam, vaccine viêm não Nhật Bản tiêm cho trẻ lúc 12 tháng tuổi, sau khi tiêm đủ 3 mũi cơ bản, 1 năm sau nhắc lại mũi tiếp theo. Ba đến 5 năm sẽ tiêm nhắc lại 1 lần theo khuyến cáo đến năm 16 tuổi.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/tang-ca-mac-viem-nao-nhat-ban-nhieu-tre-bi-di-chung-than-kinh-nang-i736224/