Bài tập tốt cho người bệnh bạch cầu cấp

Bệnh bạch cầu cấp là bệnh của hệ thống tạo máu, diễn biến nhanh với các triệu chứng như mệt mỏi, chán ăn, da xanh do thiếu máu, sốt thất thường, đáp ứng kém với kháng sinh. Các bài tập thể dục giúp người bệnh nâng cao hệ miễn dịch, chống lại các mầm bệnh truyền nhiễm và sống khỏe mạnh hơn.

1. Vai trò của tập luyện đối với người bệnh bạch cầu cấp

Bệnh bạch cầu cấp hay còn gọi là Lơxêmi cấp, đây là bệnh của hệ thống tạo máu do sự tăng sinh không kiểm soát được của một hay nhiều dòng tế bào non ác tính. Bệnh nếu không được điều trị sẽ gây ứ đọng trong tủy xương và cản trở quá trình tạo ra các tế bào máu bình thường tiếp theo.

Nội dung

1. Vai trò của tập luyện đối với người bệnh bạch cầu cấp

2. Các bài tập cho người bệnh bạch cầu cấp

3. Những điều cần lưu ý khi tập luyện

Trong bệnh bạch cầu cấp gồm có hai loại bệnh chính:

Bạch cầu cấp dòng tủy do tế bào dòng tủy bị ung thư hóa như bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu.
Bạch cầu cấp dòng lympho do tế bào lympho bị tổn thương ung thư.

Đặc điểm chung của bệnh bạch cầu cấp là bệnh thường diễn biến nhanh với các triệu chứng như mệt mỏi, chán ăn, da xanh do thiếu máu, sốt thất thường, đáp ứng kém với kháng sinh.

Giai đoạn nặng hơn có thể gây rối loạn các yếu tố đông máu dẫn đến tình trạng chảy máu tiêu hóa, nội sọ, xuất huyết nội tạng, sốt kéo dài, dễ bị nhiễm trùng…

Đây là một bệnh lý thường gặp ở trẻ em hơn người lớn, hiện nay điều trị bệnh bạch cầu cấp bằng hóa trị liệu ở trẻ em cho kết quả khả quan, nhưng người lớn thì kém hiệu quả hơn.

Theo nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ lui bệnh và thời gian sống không bệnh 5 năm ở trẻ em khoảng 80%, ngược lại ở người lớn tỷ lệ lui bệnh và sống thêm 5 năm chỉ từ 30 - 40%.

Bên cạnh phác đồ điều trị kịp thời và hiệu quả, chế độ ăn hợp lý và các bài tập thể dục khoa học là vô cùng cần thiết với những người bệnh bạch cầu cấp. Bởi những người mắc bệnh bạch cầu cấp, các tế bào dòng bạch cầu bị tổn thương. Tế bào bạch cầu là tế bào có khả năng tạo thành hàng rào bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh.

Khi tế bào dòng bạch cầu bị tổn thương làm cho hệ miễn dịch suy giảm, các bài tập thể dục giúp người bệnh nâng cao hệ miễn dịch, chống lại các mầm bệnh truyền nhiễm và sống khỏe mạnh hơn.

Tư thế rắn hổ mang giúp cơ thể sản xuất tế bào bạch cầu.

Tư thế rắn hổ mang giúp cơ thể sản xuất tế bào bạch cầu.

2. Các bài tập cho người bệnh bạch cầu cấp

Bài tập 1: Bài tập tư thế em bé

- Cách thực hiện:

+ Bước 1: Quỳ trên mặt sàn đã được trải thảm tập, hai mũi chân khép lại sát vào nhau và hai đầu gối cách xa nhau, đặt tay lên đùi.

+ Bước 2: Thở ra đồng thời hạ thấp thân về phía trước và đặt bụng trên đùi, cùng lúc đó vươn tay lên cao.

+ Bước 3: Hít thở sâu và ép sát bụng vào đùi, đầu chạm vào thảm và hai tay duỗi thẳng.

+ Bước 4: Giữ tư thế này trong 20 - 30 giây, rồi thả lỏng trở về trạng thái ban đầu.

- Tác dụng: Bài tập này hoàn toàn dễ dàng thực hiện cho mọi đối tượng, giúp lưu thông máu trên toàn cơ thể đồng thời điều hòa hơi thở và xoa dịu tâm trí, giải tỏa căng thẳng, thư giãn ngực lưng và vai. Tư thế này còn làm linh hoạt các cơ quan trong cơ thể, điều hòa khí cơ trong cơ thể, giúp thanh lọc phổi và nâng cao hệ miễn dịch hiệu quả.

Bài tập 2: Tư thế rắn hổ mang

- Cách thực hiện:

+ Bước 1: Nằm sấp xuống sàn, hai chân mở rộng bằng hông, hai cánh tay ép sát vào cơ thể, bàn tay duỗi thẳng úp xuống sàn.

+ Bước 2: Hít thật sâu, dùng lực của tay từ từ nâng nửa trên cơ thể lên cao sao cho bụng không chạm sàn, nâng cao đầu, ngửa ra sau, vai và phần thân trên cơ thể lên cao càng nhiều càng tốt.

+ Bước 3: Giữ nguyên tư thế trong vòng 10 giây rồi thở ra, từ từ hạ thân xuống sàn. Lặp lại tư thế này từ 10 - 15 lần, tăng dần khoảng thời gian giữ cơ thể trên cao.

- Tác dụng: Bài tập này giúp vùng ngực người bệnh căng nở, giúp quá trình trao đổi khí ở phổi được tối đa. Ngoài ra, bài tập này còn giúp cơ thể sản xuất tế bào bạch cầu, từ đó làm tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Tư thế uốn lưng này cũng giúp tăng cường sự dẻo dai của cột sống.

Tư thế ngọn núi tăng cường hệ miễn dịch.

Tư thế ngọn núi tăng cường hệ miễn dịch.

Bài tập 3: Bài tập tư thế ngọn núi

- Cách thực hiện:

+ Bước 1: Đứng thẳng, hai bàn chân song song hơi cách xa nhau, hai tay xuôi cùng cơ thể.

+ Bước 2: Siết cơ đùi, nâng gối điều chỉnh vị trí hai chân một cách nhẹ nhàng mà không làm cứng phần cơ bụng, chuyển động nhẹ nhàng và hơi căng mắt cá chân, từ từ nhìn lên trên.

+ Bước 3: Hít vào và duỗi vai, vươn cánh tay lên trên, nâng cao gót chân, đảm bảo cho trọng lượng cơ thể dồn vào các ngón chân của bạn. Cảm nhận sự căng của cả cơ thể từ đầu đến chân.

+ Bước 4: Giữ tư thế trong vài giây, sau đó thở ra và thả lỏng, trở về tư thế ban đầu và lặp lại.

- Tác dụng: Bài tập này giúp giải phóng năng lượng qua các cơ bắp, đồng thời tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Ngoài ra, tư thế này tập trung vào quá trình hít thở, giữ đầu óc luôn tỉnh táo, tập trung, điều hòa tâm trí, từ đó giảm căng thẳng và cải thiện tuần hoàn máu.

Bài tập 4: Bài tập tư thế cái cung

- Cách thực hiện:

+ Bước 1: Nằm sấp trên sàn hoặc thảm, hai chân duỗi thẳng, rộng bằng hông, hai tay đặt ngang hông.

+ Bước 2: Co đầu gối lên trên và thu gót chân về phía mông, dùng bàn tay chạm và giữ chặt mắt cá chân.

+ Bước 3: Hít thở sâu, ngực nâng lên khỏi mặt sàn, uốn cong người về phía sau.

+ Bước 4: Giữ mặt nhìn thẳng, kéo chân hết mức có thể (cơ thể uốn cong và căng như cây cung).

+ Bước 5: Giữ tư thế từ 4 - 5 nhịp thở và sau đó thở ra, nhẹ nhàng thả lỏng buông tay, đưa chân và ngực xuống sàn trở lại vị trí bắt đầu, thư giãn toàn thân.

- Tác dụng: Bài tập này giúp tăng cường sức mạnh của cơ bụng dưới và lưng, cải thiện hệ tiêu hóa, kích thích lưu thông của các tế bào bạch cầu, từ đó có tác dụng làm tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Rất thích hợp với những người mắc bệnh bạch cầu cấp.

Tư thế cái cày giúp tăng cường các tế bào dòng bạch cầu trong máu.

Tư thế cái cày giúp tăng cường các tế bào dòng bạch cầu trong máu.

Bài tập 5: Bài tập tư thế cái cày

- Cách thực hiện:

+ Bước 1: Nằm ngửa, duỗi thẳng người trên thảm hoặc sàn nhà, hai tay xuôi theo thân, lòng bàn tay úp xuống.

+ Bước 2: Hít thở sâu, dùng tay làm chủ lực, từ từ nâng người lên cao hai chân hướng lên trời, nâng bàn chân lên khỏi sàn tạo thành một góc 90 độ, gồng cơ bụng dưới. Dùng tay chống vào hông, hỗ trợ và nâng hông lên khỏi sàn.

+ Bước 3: Cố gắng đẩy chân cao qua khỏi đầu chạm sàn, giữ lưng vuông góc với sàn.

+ Bước 4: Giữ tư thế từ 30 giây đến vài phút, tập trung vào hơi thở. Sau đó thở ra nhẹ nhàng, đưa cơ thể trở về trạng thái ban đầu.

- Tác dụng: Đây là một trong những bài tập giúp tăng cường các tế bào dòng bạch cầu trong máu, giúp nuôi dưỡng cơ thể và làm tăng cường hệ miễn dịch. Ngoài ra, bài tập còn giúp căng giãn các phần cơ thể, giải phóng năng lượng và các stress hiệu quả.

Bài tập 6: Bài tập tư thế con cá

- Cách thực hiện:

+ Bước 1: Nằm ngửa, hai chân đặt sát nhau và duỗi thẳng trên sàn. Hai tay đặt xuống phía dưới mông.

+ Bước 2: Đẩy ngực lên và ngửa cổ ra sau, đồng thời dồn trọng lực lên khuỷu tay và hai cánh tay, mở rộng tối đa lồng ngực.

+ Bước 3: Giữ nguyên tư thế trong 10 - 15 giây, rồi trở về tư thế ban đầu. Lặp lại động tác khoảng 3 - 5 lần.

- Tác dụng: Đây là một bài tập giúp hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch đơn giản và dễ thực hiện. Tư thế này giúp các bộ phận trong lồng ngực được hoạt động hiệu quả hơn, từ đó các quá trình chuyển hóa và trao đổi chất thực hiện được tốt hơn, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

3. Những điều cần lưu ý khi tập luyện

- Chúng ta không nên tập luyện trong tình trạng no căng hoặc đói lả. Có thể ăn nhẹ và uống nước trước giờ tập khoảng 2 giờ và sau giờ tập khoảng 30 phút.

- Những bài tập nêu trên đa phần là những bài tập có tính chất uốn dẻo, chính vì thế người bệnh cần lựa chọn trang phục phù hợp để tập luyện được hiệu quả. Nên lựa chọn những trang phục co giãn tốt, hút mồ hôi, thoải mái, vừa vặn.

- Nên lựa chọn không gian tập luyện đảm bảo nhiệt độ, ánh sáng phù hợp. Có thể tập luyện với âm nhạc nhẹ nhàng và hương thơm của tinh dầu giúp đầu óc thư giãn hơn.

- Trước khi tập luyện, cần làm nóng cơ thể bằng những động tác cơ bản, để các cơ được đánh thức, chuẩn bị cho các động tác sâu hơn và cần nhiều lực hơn, giúp hạn chế tối đa những chấn thương hoặc đau khi tập luyện. Đặc biệt với những người mắc bệnh bạch cầu cấp, khi tập luyện cần nhẹ nhàng, cẩn thận, tránh để bản thân bị thương sẽ làm nặng thêm tình trạng nhiễm trùng và làm cho tình trạng bệnh trở nên khó kiểm soát hơn.

BSNT Phan Bích Hằng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bai-tap-tot-cho-nguoi-benh-bach-cau-cap-169240704155943726.htm