Tăng cân quá nhiều khi mang thai ảnh hưởng đến tim mạch như thế nào?
Theo một nghiên cứu được công bố gần đây trên Tạp chí Sức khỏe Phụ nữ (Journal of Women's Health), phụ nữ tăng cân quá mức khi mang thai có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn sau này.
Tại Mỹ, bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Loại bệnh tim phổ biến nhất ở Mỹ là bệnh mạch vành, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Huyết áp cao, cholesterol trong máu cao và hút thuốc là một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Nghiên cứu gần đây cũng cho thấy tăng cân quá mức khi mang thai cũng có khả năng làm tăng nguy cơ mắc biến chứng tim mạch ở người mẹ.
Tiến sĩ Franya Hutchins tại Đại học Y tế Công cộng thuộc Đại học Pittsburgh (Mỹ) và các đồng nghiệp đã sử dụng hai biện pháp chính để xác định nguy cơ mắc bệnh tim mạch của phụ nữ: điểm nguy cơ bệnh tim mạch xơ vữa động mạch (ASCVD) và định lượng protein phản ứng C (CRP), một dấu ấn sinh học gây viêm. Các nhà nghiên cứu đã đánh giá những yếu tố này tại thời điểm ban đầu và tại 10 lần tái khám trong thời gian 20 năm.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, phụ nữ có tiền sử tăng cân quá mức khi mang thai có liên quan đến điểm nguy cơ ASCVD cao hơn 29,6% so với lúc ban đầu.
Các nhà nghiên cứu cho biết: “Trong mô hình bao gồm các yếu tố gây nhiễu và béo bụng ở tuổi trung niên, tăng cân quá mức khi mang thai vẫn liên quan đến điểm ASCVD cao hơn 9,1%. Tăng cân quá nhiều khi mang thai cũng khiến mức CRP cơ bản cao hơn 89,2%. Đối với yếu tố béo bụng ở tuổi trung niên, lên nhiều cân khi mang thai vẫn liên quan đến CRP trung bình cao hơn 31,5%”.
G. Kornstein, Giám đốc Điều hành của Viện Sức khỏe Phụ nữ thuộc Đại học Khối thịnh vượng chung Virginia, cho biết ở nhóm phụ nữ này, tiền sử tăng cân quá mức khi mang bầu có liên quan đến điểm ASCVD cao hơn một chút nhưng có ý nghĩa thống kê. Trong khi đó, mức CRP trung bình cao hơn vừa phải, có ý nghĩa thống kê ở tuổi trung niên”./.