Tăng 'chất' cho nhân lực tại doanh nghiệp nhỏ và vừa

Nhằm thúc đẩy phục hồi sản xuất, kinh doanh, việc triển khai hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất cấp thiết .

Tăng cường triển khai hoạt động đào tạo nghề cho lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) theo Thông tư số 32/2018/TT- BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) nhằm thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động trong DNNVV theo quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV, có hiệu lực từ ngày 15/10/2021.

 Chất lượng lao động tại doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều bất cập

Chất lượng lao động tại doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều bất cập

Để thực hiện hiệu quả chương trình, Bộ LĐTBXH đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đào tạo nghề cho lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa; sắp xếp, bố trí nguồn lực, kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; triển khai hoạt động đào tạo nghề cho lao động trong DNNVV bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Trước đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nghề cho người lao động, khôi phục sản xuất do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tại Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 cũng quy định chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. Theo đó, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Mức hỗ trợ tối đa là 1.500.000 đồng/người lao động/tháng; thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng.

Thực hiện Thông tư số 32/2018/TT- BLĐTBXH, một số địa phương đang đẩy mạnh các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghề cho lao động tại DNNVV. Trên địa bàn Hà Nội công tác đào tạo, bồi dưỡng cho lao động trong các DNNVV được thúc đẩy mạnh mẽ. Đến thời điểm hiện tại, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã bồi dưỡng cho gần 3.000 lao động tại DNNVV, trong đó, đào tạo từ nguồn ngân sách thành phố cho 615 lao động với tổng kinh phí 550 triệu đồng; từ nguồn xã hội hóa các doanh nghiệp có liên kết, hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho hơn 2.500 lao động.

Tại Bình Thuận, lãnh đạo UBND tỉnh đã giao Sở LĐTBXH đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong DNNVV. Đồng thời, chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cùng các cơ quan liên quan triển khai thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động trong DNNVV sau khi có hướng dẫn của trung ương. Riêng Sở LĐTBXH tỉnh được yêu cầu có trách nhiệm hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo, doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng kế hoạch, triển khai hoạt động đào tạo nghề cho lao động trong DNNVV bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Còn tại Bắc Kạn, lãnh đạo tỉnh này đã yêu cầu Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp, Liên minh Hợp tác xã phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rà soát, đăng ký nhu cầu, lựa chọn ngành, nghề đào tạo cho lao động đang làm việc trong DNNVV. Hàng năm, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động trong DNNVV, gửi Sở LĐTBXH tổng hợp, hướng dẫn triển khai thực hiện. Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hàng năm, lập kế hoạch thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo; hướng dẫn người lao động làm việc trong DNNVV về hồ sơ tuyển sinh, quản lý đào tạo. Tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp hoặc đào tạo dưới 3 tháng đối với lao động đang làm việc trong DNNVV...

Là hạt nhân quan trọng của quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, song phần lớn DNNVV đang thiếu lao động có kỹ năng.

Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tang-chat-cho-nhan-luc-tai-doanh-nghiep-nho-va-vua-219128.html