Tăng chất lượng hoạt động kinh tế tập thể trong nông nghiệp
Theo các chuyên gia kinh tế, trong nền kinh tế thị trường, kinh tế tập thể (KTTT) mà hạt nhân là những hợp tác xã (HTX) nông nghiệp chính là mô hình tối ưu để hỗ trợ các hộ gia đình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, chất lượng các hoạt động của HTX đang là vấn đề nan giải, cần được sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương.
Nhiều HTX hoạt động hiệu quả
Theo số liệu của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, tính đến hết ngày 30-6-2019, cả nước có 23.280 HTX, 104.861 tổ hợp tác (THT) và 75 liên hiệp HTX (bình quân hằng năm, có hơn 2.000 HTX và 7.000 THT thành lập mới). Ði cùng với đó là doanh thu bình quân của HTX cũng đã tăng từ 461 triệu đồng/năm (2003) lên 1,61 tỷ đồng/năm (2018). Ghi nhận sự gia tăng về số lượng HTX, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Trần Thanh Nam khẳng định, KTTT, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đã có sự phát triển cả về lượng và chất, vượt qua những yếu kém kéo dài trước đây, hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển của kinh tế thị trường. Mô hình hoạt động của HTX đa dạng, đáp ứng được yêu cầu của sản xuất nông nghiệp và nhu cầu của thị trường.
Trên thực tế, để tăng giá trị kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cả nước đã xuất hiện nhiều mô hình THT, HTX, liên hiệp HTX làm ăn hiệu quả trong hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của các thành viên. Những đơn vị này đã vượt qua những khó khăn để vươn lên thành tổ chức kinh tế lớn mạnh nhằm khẳng định uy tín và vị thế trên thương trường. Ðiển hình là HTX Dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng, xã Hải Toàn, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Ðịnh. Hiện HTX có 400 thành viên, sở hữu diện tích canh tác hơn 600 ha, trong đó diện tích hai vụ lúa là 435 ha (chiếm 72,5%) chủ yếu trồng lúa hàng hóa chất lượng cao (gạo Bắc thơm số 7, gạo tám xoan, lúa nếp bắc) và 165 ha trồng màu và trồng cây đinh lăng dược liệu. Ðể bảo đảm đầu vào và đầu ra cho sản phẩm, HTX đã ký hợp đồng liên kết sản xuất lúa giống với Công ty Cường Tân và Công ty Ba Duy, TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) trong bao tiêu sản phẩm gạo đặc sản tám xoan, Bắc thơm cho các hộ thành viên với sản lượng gần 1.000 tấn/ năm. Ngoài ra, HTX liên kết Công ty dược Traphaco bao tiêu sản phẩm cây dược liệu của các hộ thành viên với sản lượng 20 tấn/ năm, góp phần tăng doanh thu của HTX từ tám đến 10 tỷ đồng/ năm, gia tăng lợi ích cho các hộ thành viên thông qua liên kết đạt hơn một tỷ đồng/ năm... Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng Hà Minh Ðức, năm 2018 HTX đã thành lập doanh nghiệp trực thuộc HTX để tổ chức sản xuất và tiêu thụ lúa gạo; xây dựng một xưởng sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản nông sản cho khoảng 2.000 tấn thóc/năm. Thời gian tới, HTX sẽ đẩy mạnh xây dựng chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo đặc sản (tám xoan bao tử, nếp bắc truyền thống) theo phương pháp hữu cơ phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Tại tỉnh Gia Lai, KTTT, HTX cũng đạt những kết quả đáng ghi nhận. Tiêu biểu là HTX Nông nghiệp Chư A Thai, huyện Phú Thiện đang xây dựng cánh đồng liên kết sản xuất gạo an toàn, HTX Nông nghiệp Tân Tiến (huyện Ia Pa) và HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ vận tải Nam Yang (huyện Kông Chro) đang liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản đối với cây mì và cây mía. Các HTX Nam Yang, huyện Ðác Ðoa còn mạnh dạn trồng, chăm sóc cây cà-phê, hồ tiêu theo hướng nông nghiệp hữu cơ; HTX Rau an toàn An Bình, thị xã An Khê đã sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo chia sẻ, mô hình KTTT trong lĩnh vực nông nghiệp đã và đang chiếm ưu thế về số lượng và giữ vai trò quan trọng, thu hút và đem lại lợi ích cho gần 3,8 triệu thành viên, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 304 nghìn người lao động, chủ yếu ở vùng nông thôn. Các HTX nông nghiệp bước đầu xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với các sản phẩm chủ lực của địa phương, mô hình liên kết giữa hộ nông dân - HTX - doanh nghiệp.
Tìm lời giải giữa lượng và chất
Qua quá trình triển khai cho thấy KTTT, HTX đã đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân, đóng góp 6,83% vào GDP cả nước, tuy nhiên mô hình này vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Ðiển hình là lợi nhuận của các HTX còn thấp, một số HTX yếu kém về chuyên môn, chưa linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, dẫn đến có 45% số THT, HTX hoạt động kém hiệu quả. Theo số liệu từ Liên minh HTX Việt Nam, tính đến tháng 6-2019, Liên minh HTX đã giải thể 3.600 đơn vị, chỉ còn khoảng 600 HTX yếu kém đang đợi giải thể hoặc cải tổ trong thời gian tới. Ðây là một thực tế đòi hỏi phải có sự thay đổi trong công tác quản lý, định hướng phát triển KTTT, HTX. Thứ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Võ Thành Thống đánh giá: KTTT trong nông nghiệp, HTX phát triển chưa tương xứng tiềm năng. Phần lớn HTX nông nghiệp quy mô sản xuất nhỏ, chưa tiếp cận thị trường, khó vay vốn trung hạn và dài hạn. Nhiều HTX vẫn trong tình trạng "bình mới, rượu cũ"; mô hình HTX cũ còn nặng nề, trong khi HTX kiểu mới chưa đáp ứng yêu cầu…
Ðể gỡ khó cho HTX, THT, Bộ trưởng NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần tăng nguồn lực để thực hiện những chính sách hỗ trợ phát triển HTX, THT. Ðồng thời tạo điều kiện để các HTX, THT tiếp cận được các chính sách như: hỗ trợ tín dụng, đất đai, hạ tầng sản xuất...
Hiện, Bộ NN và PTNT, Liên minh HTX Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ký và ban hành "Chương trình phối hợp thực hiện mục tiêu 15 nghìn HTX và liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả theo Nghị quyết của Quốc hội". Ðồng thời, sẽ tập trung phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa quy mô lớn. Trong đó, ưu tiên số một là hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ các mặt hàng chủ lực. Ðây chính là giải pháp tối ưu để góp phần tích cực vào quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cân bằng giữa lượng và chất trong phát triển KTTT. Từng bước đưa KTTT trở thành động lực chính trong xây dựng nông thôn mới, cũng như xóa đói, giảm nghèo và cơ cấu lại nền nông nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội bền vững.
Bộ NN và PTNT đặt mục tiêu đến năm 2025 thành lập mới khoảng 8.000 HTX, phấn đấu có khoảng 20 nghìn HTX, liên hiệp HTX hoạt động hiệu quả; 3.000 HTX ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, ít nhất 50% số HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Giai đoạn 2025 - 2030 thành lập mới 4.000 HTX, phấn đấu có khoảng 25 nghìn HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, có hơn 5.000 HTX ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, phấn đấu có ít nhất 70% số HTX nông nghiệp liên kết theo chuỗi.