Tăng chất lượng tín dụng chính sách từ hoạt động giám sát

Chất lượng tín dụng chính sách xã hội được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh được duy trì ở mức thấp là một trong những thành quả quan trọng của việc thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát trong hoạt động tín dụng chính sách.

 Các tổ tiết kiệm và vay vốn kiểm tra chéo hồ sơ vay vốn

Các tổ tiết kiệm và vay vốn kiểm tra chéo hồ sơ vay vốn

Đồng hành

Thuộc diện hộ nghèo, năm 2022, ông Nguyễn Văn Xi Póp, thôn Mu Nú Ta Rá, xã Hương Nguyên, huyện A Lưới được Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hương Nguyên hỗ trợ đã tiếp cận được nguồn vốn vay từ chương trình vay vốn hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện A Lưới. Với 50 triệu đồng vay được, ông Nguyễn Văn Xi Póp đầu tư trồng rừng và mở rộng chăn nuôi. Sau một thời gian, kinh tế gia đình đã khấm khá hơn, ông tiếp tục vay vốn để mở rộng sản xuất, chăn nuôi.

Các hộ thuộc đối tượng chính sách, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, để sử dụng tốt nguồn vốn tín dụng chính sách là một thách thức. Vì vậy, quá trình sử dụng vốn vay cần có sự đồng hành, giám sát của các tổ TK&VV, các đoàn thể cấp xã nhận quản lý vốn ủy thác từ NHCSXH.

Bà Hồ Thị Hồng Sách, Tổ trưởng Tổ TK&VV xã Hương Nguyên cho hay, Ban quản lý tổ vừa hướng dẫn vừa giám sát, đồng hành theo sát từng bước đầu tư vốn vay của người dân để đảm bảo nguồn vốn sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả. Chính quyền địa phương, các đoàn thể cấp xã thường xuyên kiểm tra, giám sát tổ cũng như hộ vay; tuyên truyền, vận động để hộ vay có thói quen tiết kiệm hàng tháng; động viên, hỗ trợ, hướng dẫn người dân về phương án sản xuất, lồng ghép thêm các dự án đầu tư kinh doanh, phát triển sản xuất, chăn nuôi tại địa phương khi có điều kiện. Nhờ thế đã giúp các hộ dân sử dụng vốn đúng mục đích, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý vốn nhận ủy thác, ủy nhiệm của các đoàn thể cấp xã và ban quản lý các tổ TK&VV.

Thực tế, công tác kiểm tra, giám sát trong hoạt động tín dụng chính sách không chỉ được giám sát từ phía cơ sở, tức là chỉ giám sát hộ vay, mà phải được thực hiện một cách toàn diện từ hoạt động của ban quản lý tổ, các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác các cấp, đến phòng giao dịch NHCSXH các cấp huyện, thành phố và Trung ương. Trong đó, các đoàn thể cấp xã thực hiện giám sát quá trình giải ngân, sử dụng vốn, giám sát công tác gửi trả tiền lãi, tiết kiệm hàng tháng của tổ viên, tổ trưởng tổ TK&VV. Các địa phương thực hiện giám sát quá trình hỗ trợ người dân tiếp cận tín dụng cũng như các hoạt động của cán bộ tín dụng tại địa phương.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế) cho rằng, việc phối hợp và giám sát giữa NHCSXH, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội trong quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách nếu thực hiện một cách chặt chẽ, đồng bộ sẽ giúp nâng cao chất lượng ủy thác, phát huy được vai trò của tổ TK&VV trong việc quản lý nguồn vốn và huy động tiền gửi tiết kiệm. Các tổ viên của các tổ TK&VV cũng phát huy hiệu quả sử dụng vốn, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách.

Đảm bảo nguồn vốn sử dụng đúng mục đích

Thực tế cho thấy, việc thực hiện lịch giao dịch cố định hàng tháng tại điểm giao xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát hội viên, ban quản lý tổ; hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động giám sát chéo giữa các tổ, đoàn thể với nhau; giữa chính quyền với hoạt động tín dụng chính sách xã hội và ngược lại.

Theo số liệu từ Chi nhánh NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế), chỉ riêng năm 2024, Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp đã phân công 233/246 thành viên kiểm tra, giám sát tại 9 huyện, thị xã và TP. Huế cũ, nay là 2 quận Thuận Hóa và Phú Xuân, tại 141 đơn vị cấp xã.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Tuấn cho biết thêm, kết thúc các đợt kiểm tra, giám sát, các thành viên ban đại diện các cấp đều ban hành thông báo kết luận kiểm tra, giám sát để chỉ đạo thực hiện. Đồng thời, gửi về Ban đại diện HĐQT để báo cáo và gửi cho đơn vị được kiểm tra để tổ chức thực hiện. Các thông báo kết luận kiểm tra, giám sát kiến nghị của các đoàn kiểm tra được các đơn vị được kiểm tra thực hiện chỉnh sửa, khắc phục kịp thời. Nhờ vậy, hiệu quả và chất lượng của công tác kiểm tra, giám sát ngày một nâng cao. Đồng thời, qua công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị cũng đề xuất với HĐQT NHCSXH đề nghị Chính phủ sửa đổi một số cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách phù hợp với tình hình thực tế hiện nay tại địa phương.

Thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát, hiệu quả hoạt động của tín dụng chính sách được nâng cao, không chỉ đảm bảo nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, mà còn nâng cao được chất lượng, hiệu quả của tín dụng chính sách được đầu tư tại địa phương. Đến nay, nguồn vốn này đã đồng hành với trên 97 ngàn khách hàng đang còn dư nợ để đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách theo hướng ổn định và bền vững.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/kinh-te/tang-chat-luong-tin-dung-chinh-sach-tu-hoat-dong-giam-sat-150036.html