Tăng chi bồi thường giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công TP.HCM vẫn chậm
Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do xuất khẩu giảm, thiếu đơn hàng, phải cắt giảm lao động. TP.HCM đã tập trung tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, tăng cường giải ngân đầu tư công các dự án trọng điểm... Dù vậy, TP.HCM vẫn khó có thể hoàn thành kế hoạch vốn được giao cả năm...
Cục Thống kê TP.HCM vừa công bố báo cáo về tình hình kinh tế xã hội của Thành phố tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023. Theo đó, nền kinh tế Thành phố trong bối cảnh chung là kinh tế vĩ mô đang dần ổn định khi chính sách tiền tệ được cải thiện tốt; các ngân hàng giảm lãi suất, cam kết tài trợ vốn cho một số dự án.
CÔNG NGHIỆP KHỞI SẮC HƠN
Tình hình sản xuất công nghiệp trong tháng 5/2023 khởi sắc hơn so với tháng trước. Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn phải đối diện nhiều khó khăn khi thiếu đơn hàng sản xuất, công nhân thiếu việc làm, áp lực trả lãi vay ngân hàng.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2023 ước tính tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 5,5% so cùng kỳ 2022. Trong đó, khai khoáng tăng 2,0% so với tháng trước nhưng giảm 4,6% so cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,6% so tháng trước và tăng 5,6% so cùng kỳ; sản xuất và phân phối điện tăng 0,2% so tháng trước và tăng 5,6% so cùng kỳ; cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 1,8% so tháng trước nhưng tăng 2,6% so cùng kỳ.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, IIP của Thành phố tăng 1,6% so cùng kỳ. Bao gồm: Ngành khai khoáng giảm 0,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,5%; sản xuất và phân phối điện tăng 3,4%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 5,2%.
Báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM cũng cho biết, trong 30 ngành công nghiệp cấp II có 17 ngành có IIP tháng 5 tăng, một số ngành tăng cao. Cụ thể: Sản xuất xe có động cơ tăng 26,2%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 24,6%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 24,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 18,7%. Ngược lại cũng có một số ngành có IIP giảm mạnh, như: Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 17,7%; sản xuất trang phục giảm 15,7%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 14,9%; sản xuất đồ uống giảm 11,2%.
Đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, IIP 5 tháng đầu năm 2023 tăng 3,8% so cùng kỳ; trong đó, hóa dược tăng 12,7%, cơ khí tăng 3,9%, sản xuất hàng điện tử tăng 4,3%, lương thực thực phẩm và đồ uống giảm 4,7%.
Các ngành công nghiệp truyền thống hầu hết giảm. Cụ thể: Ngành dệt giảm 0,2%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 6,4%; sản xuất trang phục giảm 15,7%.
Một điểm sáng trong tháng 5/2023, đó là chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 1,6% so với tháng trước cho thấy tín hiệu tích cực về sự phục hồi của ngành công nghiệp TP.HCM. Tuy nhiên, nếu tính chung 5 tháng đầu năm 2023 thì chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp giảm 4,9% so cùng kỳ. Ngoài ra, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 5/2023 ước tăng 4% so tháng trước và tăng 11,6% so cùng kỳ. So với cùng kỳ, xét theo ngành công nghiệp cấp II thì 17 ngành có chỉ số tồn kho tăng, 6 ngành có chỉ số tồn kho giảm.
THƯƠNG MẠI, DỊCH VỤ TĂNG TRƯỞNG CHẬM
Theo báo cáo của Cục Thống kê Thành phố, thời gian vừa qua nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi diễn ra nhằm kích thích tiêu dùng của người dân trong dịp lễ 30/4 và 1/5 và du lịch mùa hè khi kết thúc năm học; tuy nhiên mức tăng trưởng của hoạt động thương mại, dịch vụ còn chậm.
Lượng khách quốc tế đến TP.HCM không nhiều. Các hoạt động ăn uống, vui chơi giải trí chưa phục hồi mạnh như trước đại dịch. Một số dự án bất động sản được tháo gỡ về pháp lý góp phần làm thị trường ấm lên; nhưng nhìn chung vẫn giảm so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2023 ước tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023 tăng 6,2% so với cùng kỳ và tăng 1 điểm phần trăm so với mức tăng 4 tháng. Trong đó, nhóm lương thực thực phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất 19,6% và tăng 0,1%; kế đến là nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình chiếm 13,3% và tăng 6,5%...
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 277.627 tỷ đồng, tăng 9,4% so cùng kỳ. Tăng cao nhất là nhóm ô tô tăng 25,3%; kế đến là nhóm hàng lương thực thực phẩm tăng 24,7%, nhóm xăng dầu và may mặc tăng lần lượt là 8% và 6,1%.
Dịch vụ lưu trú và ăn uống tháng 5/2023 ước đạt 9.381 tỷ đồng, chiếm 9,5% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ và tăng 7,9% so với tháng trước. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023 tăng 34,8% so cùng kỳ; trong đó dịch vụ ăn uống tăng 33,7% và dịch vụ lưu trú tăng 46%.
Tăng cao nhất là dịch vụ lữ hành. Cụ thể, trong tháng 5 ước đạt 846 tỷ đồng, tăng 12,2% so với tháng trước và tăng 71,8% so cùng kỳ; tính chung 5 tháng đầu năm 2023 dịch vụ lữ hành tăng 78,7%. Tuy nhiên, doanh thu lĩnh vực này chỉ chiếm khoảng 1% nên ảnh hưởng của mức tăng này lên tổng mức chung là không đáng kể.
GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG CHƯA CAO
Trong tháng 5/2023, vốn đầu tư thực hiện xây dựng cơ bản, sửa chữa lớn từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý, ước thực hiện đạt 2.419,5 tỷ đồng, tăng 4,3% so với tháng 4 và tăng 9,5% so cùng kỳ.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư xây dựng cơ bản, sửa chữa ước thực hiện 10.160,5 tỷ đồng và tăng 24,2% so cùng kỳ. Chia ra, vốn ngân sách cấp thành phố thực hiện 9.989,2 tỷ đồng và tăng 23,3%; vốn ngân sách cấp huyện ước thực hiện 171,3 tỷ đồng và gấp 2,1 lần so cùng kỳ.
Theo báo cáo, tính đến cuối tháng 4/2023, tổng số vốn đầu tư đã được giải ngân là 2.475 tỷ, đạt 6% so với kế hoạch vốn năm 2023 được Ủy ban nhân dân Thành phố giao thực hiện giai đoạn I và đạt 3,5% so với kế hoạch vốn do Chính phủ giao. Dự ước thực hiện hết tháng 5 năm 2023, tổng số vốn giải ngân là 9.086,0 tỷ đồng, đạt 21,9% so với kế hoạch vốn năm 2023 của Ủy ban nhân dân Thành phố giao và đạt 12,8% so với kế hoạch vốn do Chính phủ giao.
Cũng trong tháng 5/2023, đặc biệt nửa đầu tháng 5, tình hình giải ngân vốn đeầu tư công của Thành phố tăng vọt do chi bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 3 TP.HCM. Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.HCM (TCIP) đã chuyển kinh phí bồi thường đợt 1 cho các địa phương với số tiền hơn 5.624 tỷ đồng để chi trả cho các tổ chức, cá nhân trong phạm vi giải tỏa của dự án đường Vành đai 3. Tính đến ngày 14/5, các địa phương đã chi trả hơn 1.749 tỷ đồng cho 401 trường hợp với tổng diện tích bàn giao mặt bằng hơn 189,701 ha (đạt 46,22%). Dự kiến sẽ bàn giao 70% mặt bằng trong tháng 6/2023 để đáp ứng tiến độ khởi công 4 gói thầu xây lắp.