Tăng chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam từ 11/11
Chi phí đưa xăng dầu về Việt Nam được Bộ Tài chính đề xuất tăng thêm từ 60 - 660 đồng/lít, kg tùy theo từng mặt hàng, áp dụng từ ngày 11/11.
Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Minh Tiến đã ký văn bản gửi Bộ Công thương thông báo về việc điều chỉnh chi phí định mức để tính giá cơ sở xăng dầu.
Cụ thể, trên cơ sở kiến nghị của Bộ Công thương, kết quả tổng hợp báo cáo chi phí kinh doanh xăng dầu của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và ý kiến của Bộ Công thương, Bộ Tài chính thông báo chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam để tính giá cơ sở xăng dầu (đối với nguồn xăng dầu nhập khẩu) tăng 5 - 83%, tương ứng với 60 - 660 đồng/lít, kg, so với hiện hành.
Theo đó, xăng nền để phối trộn xăng E5RON92 tăng lên 640 đồng/lít.
Xăng RON95 là 1.280 đồng/lít. Dầu diesel 0,05S: 730 đồng/lít.
Dầu hỏa có mức tăng cao nhất lên 1.740 đồng/lít. Dầu madut 180cst 3,5S là 1.350 đồng/kg.
Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương nghiên cứu áp dụng từ kỳ công bố giá cơ sở xăng dầu ngày 11/11.
Đối với chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng và chi phí kinh doanh định mức để tính giá cơ sở xăng dầu, theo Bộ Tài chính, ngày 21/10 đã có công văn yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu báo cáo chi phí thực tế phát sinh tại đơn vị.
Qua tổng hợp thông tin và số liệu của các thương nhân đầu mối xăng dầu báo cáo, đối với chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng, Bộ Tài chính xác định các khoản chi phí này không phát sinh đột biến. Mặt khác, các khoản chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về cảng mới được tăng từ ngày 7/10. Do đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá theo định kỳ vào cuối năm 2022 và thông báo áp dụng vào 10/1/2023.
Đối với chi phí kinh doanh định mức, để đánh giá biến động tại thời điểm hiện nay, Bộ Tài chính đã đề nghị các thương nhân báo cáo tình hình thực hiện.
Kết quả tổng hợp báo cáo của các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối, trong số 28 đơn vị gửi báo cáo cho thấy: Chỉ có 2 đơn vị báo cáo số liệu tăng chi phí kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022 (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty Dầu khí Nam Sông Hậu).
Có 2 đơn vị báo cáo chi phí tăng nhưng do sản lượng tăng nên chi phí bình quân trên sản lượng giảm (Tổng công ty Dầu Việt Nam (giảm 6 đồng/lít), Công ty Anh Phát (giảm khoảng 136 đồng/lít).
3 đơn vị báo cáo không có biến động bất thường (Công ty TNHH MTV Dầu khí TP. Hồ Chí Minh, Tổng công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ, Công ty TNHH xăng dầu Tây Nam S.W.P).
21 đơn vị còn lại không có số liệu cụ thể về chi phí kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022.
Theo Bộ Tài chính, trên thực tế, do tính chất của khoản chi phí này phụ thuộc vào khâu tổ chức vận hành của cả hệ thống từ công ty mẹ đến các đơn vị trực thuộc và một số tác động từ chính sách (lương, tiền thuê đất, tỷ giá...) nên phải sau khi năm tài chính kết thúc mới phản ánh được đầy đủ và mới có đủ cơ sở để rà soát đánh giá diễn biến.
Vì vậy, thời gian tới sau khi nhận được báo cáo kiểm toán chuyên đề về chi phí kinh doanh xăng dầu của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính theo dõi, nắm bắt cập nhật các số liệu, diễn biến để rà soát và công bố vào kỳ tiếp theo theo đúng quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Thông tư số 104/2021/TT-BTC