Tăng chi tiêu công để phục hồi kinh tế
Vực dậy nền kinh tế trong tình trạng 'sức khỏe' bị bào mòn, cung và cầu đứt gãy, suy giảm sau cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, vấn đề quan trọng nhất đối với Việt Nam là phải tận dụng được những tiềm năng hiện có, đồng thời chớp lấy những cơ hội mới xuất hiện để thúc đẩy tăng trưởng.
Phải nghĩ khác, làm khác
Từng trực tiếp tham gia và chủ trì xây dựng các đề án nghiên cứu, đề xuất các chính sách đổi mới cơ chế quản lý kinh tế phù hợp yêu cầu thực tiễn của tình hình kinh tế - xã hội ở nhiều giai đoạn phát triển của đất nước, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Ðình Cung tỏ ra trầm ngâm trước câu hỏi “Chúng ta phải làm gì, làm thế nào để phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19?”. Theo ông, nếu vẫn làm theo cách cũ, tư duy cũ, Việt Nam chỉ có thể gượng dậy thay vì “biến nguy thành cơ” như mục tiêu đã đề ra. Phục hồi kinh tế phải tập trung vào tăng trưởng trên cơ sở tận dụng được tiềm năng hiện có và những cơ hội mới vừa mở ra, hướng đến cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế cũng như ở tầm doanh nghiệp (DN) và tầm sản phẩm. Theo ông Nguyễn Ðình Cung, năm 2020, tổng cầu giảm rất mạnh vì các nền kinh tế là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đều sụt giảm, thậm chí tăng trưởng âm, cầu tư nhân và cầu DN cũng chưa thể phục hồi ngay được. Ðơn cử, chúng ta đang kỳ vọng ngành du lịch bật tăng trở lại nhưng khách quốc tế chắc chắn chưa có, khách nội địa tại thời điểm này cũng chưa đi đến những chỗ đông người hoặc không đi theo đoàn mà chủ yếu là các gia đình đi những chặng ngắn, bằng phương tiện cá nhân. Chỉ có cầu của Chính phủ gần như không bị tác động, đó là chi tiêu công và đặc biệt là đầu tư. Cho nên có thể nói, bài toán phục hồi kinh tế nằm trong tay Chính phủ. Phải có các giải pháp kéo cầu lên để kinh tế phục hồi nhanh. Khó khăn của giai đoạn này là thu ngân sách ít nhưng chi ngân sách nhiều, cần tập trung vào những khoản chi tạo cầu lan tỏa. Cụ thể là triển khai các dự án đầu tư công lớn đã xác định tại Chỉ thị số 11 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và phải làm cho được, theo nguyên tắc vướng đâu gỡ đó.
Các giải pháp quan trọng khác cần thực hiện là kích cầu về đầu tư tư nhân, tiếp tục giảm lãi suất; tháo bỏ mạnh mẽ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh. Ðây là thời điểm cần áp dụng tư duy phi truyền thống về quản lý đầu tư, kinh doanh để mọi hoạt động sáng tạo, mọi mô hình kinh doanh mới được phát huy để từ đó tạo ra tăng trưởng. Theo đó, Nhà nước trao cơ chế để người dân tự tìm cơ hội phát triển, công cụ quản lý nằm ở hậu kiểm và chỉ hạn chế ở những lĩnh vực như Hiến pháp quy định, gồm các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, sức khỏe cộng đồng, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân... “Việc nhiều DN lỡ nhịp trong xuất khẩu các mặt hàng gạo, khẩu trang vừa qua cho thấy, nếu cơ quan quản lý vẫn áp dụng cách thức quản lý truyền thống, DN sẽ không chớp được cơ hội đến rất nhanh. Ðồng thời, cũng có thể không tận dụng được những cơ hội mới xuất hiện về kinh tế số, thay đổi mô hình kinh doanh, tăng cường các hoạt động online trên nhiều lĩnh vực đời sống,... Chỉ là một mặt hàng nhưng hàng trăm DN tận dụng được thì có thể bứt lên. Lúc này cần có sự nhạy cảm của tư tưởng mới từ những việc nhỏ nhất như vậy. Ðó là tư duy mới, cách làm mới”, ông Nguyễn Ðình Cung nhấn mạnh.
Theo PGS, TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Trường đại học Kinh tế quốc dân, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ đã diễn ra từ vài năm nay, phản ánh những bất cập trong quá trình thực hiện Luật Ðầu tư công; thể chế pháp luật về đầu tư công chưa thật sự đồng bộ, thống nhất và hoàn thiện, dẫn đến tình trạng khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là về đất đai, thủ tục hành chính. Ðây chính là những điểm nghẽn cần phải giải quyết để khai thông nhanh dòng vốn này. Tuy nhiên, vẫn cần bảo đảm chất lượng, vì vậy, đầu tư công phải đúng mục đích, tập trung vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng đã được phê duyệt và đúng thời điểm mà nền kinh tế cần. Cần có sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội để tránh xảy ra những hệ lụy tiêu cực và rủi ro đạo đức. Ngoài ra, cần tạo điều kiện để hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ về cơ chế và tạo môi trường đầu tư tốt nhất cho đầu tư tư nhân, bao gồm cả việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, giữ lạm phát và lãi suất ở mức thấp, tỷ giá ổn định.
Phấn đấu tăng trưởng GDP hơn 5%
Trước nhiều kịch bản dự báo tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19 đã được các tổ chức nghiên cứu công bố, Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2020 đạt mức hơn 5%, kiểm soát lạm phát dưới 4%, dựa vào năm “mũi giáp công” thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa. Trong đó, thu hút FDI và đẩy mạnh xuất khẩu là những vấn đề phụ thuộc vào bên ngoài, những vấn đề còn lại Việt Nam có thể chủ động nắm bắt.
TS Nguyễn Ðức Kiên, Tổ trưởng Tư vấn kinh tế của Thủ tướng phân tích: Con số tăng trưởng hơn 5% Chính phủ đặt ra liên quan đến đặc thù của nền kinh tế Việt Nam. Bởi GDP tăng trưởng 5% mới tạo ra được khoảng 900 nghìn đến 1,1 triệu việc làm mới để bảo đảm an sinh xã hội và duy trì sự ổn định của đất nước. Nếu tăng trưởng dưới mức này, sẽ chỉ tạo được khoảng 700 nghìn việc làm mới, khi đó, 400 nghìn lao động từ độ tuổi 18 sẽ thất nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội. Do đó, phải chấp nhận có những biện pháp bất bình thường để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức 5%, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư công. Theo kịch bản của Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nếu giải ngân hết gần 700 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2020 sẽ tạo ra khoảng 1 điểm phần trăm tăng trưởng. Trong khi cầu quốc tế chưa thể phục hồi, tập trung khai thác thị trường nội địa có thể giúp tiêu thụ khoảng 15% sản lượng của nền kinh tế, bảo đảm duy trì việc làm cho người lao động, không gây sức ép lên Quỹ thất nghiệp và giải quyết việc làm mới.
Về các giải pháp hỗ trợ DN, khôi phục kinh tế trong thời gian tới, PGS, TS Tô Trung Thành cho rằng, trước thời điểm dịch Covid-19, dư địa chính sách tài khóa tại Việt Nam đã bị thu hẹp và ở giai đoạn tới sẽ thu hẹp đáng kể hơn. Ðây là cơ hội để cải cách tài khóa mạnh mẽ hơn nữa theo hướng bền vững và hỗ trợ tăng trưởng. Cụ thể, cải cách hệ thống thuế nhằm giảm bớt gánh nặng thuế khóa, tạo nguồn thu ngân sách ổn định và cân bằng cần được coi là quan điểm chủ đạo; cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng ổn định và gia tăng hiệu quả đầu tư phát triển, chỉ bố trí vốn từ ngân sách nhà nước cho những công trình thật sự cần thiết, có hiệu quả cao, đồng thời kiểm soát chặt chẽ đầu tư công nhằm chống dàn trải, lãng phí, thất thoát, tham nhũng. Bên cạnh đó, với nguồn lực ngân sách hạn hẹp hiện nay, để có đủ nguồn lực vừa để đối phó với dịch Covid-19, vừa phải thực thi các gói hỗ trợ kích thích kinh tế, vừa phải duy trì những nguồn lực tăng trưởng dài hạn, Chính phủ cần dựa vào sự tham gia của toàn dân, chứ không thể chỉ dựa vào nguồn lực của Chính phủ. Vì vậy, khuyến khích các hoạt động xã hội hóa, đóng góp của DN và người dân chung tay là rất cần thiết hiện nay,...