Tăng cơ hội tiếp cận thuốc điều trị cho bệnh nhân ung thư
Các chương trình hỗ trợ thuốc thực hiện trong 5 năm qua được đánh giá là có giá trị thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn cao cả, giúp người bệnh giảm chi phí điều trị, số người bệnh được tiếp cận thuốc điều trị, đặc biệt là các loại biệt dược gốc, thuốc sinh phẩm có chi phí cao mà chưa được quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả. Tuy nhiên, sau gần 5 năm thực hiện, chương trình bộc lộ những bất cập cần sửa đổi.
Hơn 6.000 bệnh nhân được hỗ trợ thuốc điều trị
Tại hội thảo tổng kết 5 năm thực hiện chính sách về hỗ trợ thuốc mới đây, GS, TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Sau gần 5 năm thực hiện chính sách hỗ trợ thuốc cho cơ sở khám, chữa bệnh để điều trị cho người bệnh theo Thông tư số 31/2018/TT-BYT (gọi tắt là Thông tư 31: Quy định thực hiện chương trình hỗ trợ thuốc miễn phí cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để điều trị cho người bệnh. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2019), Bộ Y tế đã phê duyệt 18 chương trình hỗ trợ thuốc, hơn 6.000 người bệnh mắc các bệnh hiểm nghèo được tiếp nhận hỗ trợ với tổng số tiền hơn 1.600 tỷ đồng.
Các chương trình hỗ trợ thuốc được đánh giá là có giá trị thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn cao cả, giúp người bệnh giảm chi phí điều trị, số người bệnh được tiếp cận thuốc điều trị, đặc biệt là các loại biệt dược gốc, thuốc sinh phẩm có chi phí cao mà chưa được quỹ BHYT chi trả. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, bên cạnh những ý nghĩa tích cực, việc triển khai thực hiện Thông tư 31 cũng bộc lộ một số vấn đề vướng mắc, bất cập cần thiết phải điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế, như: Quy định về phạm vi áp dụng của hình thức hỗ trợ thuốc một phần; quy định về hồ sơ, thủ tục phê duyệt chương trình; quy định về việc đề xuất thay đổi nội dung chương trình trong thời gian đang thực hiện chương trình...
Đơn giản hóa các thủ tục phê duyệt
Là đơn vị đang triển khai 11 chương trình hỗ trợ thuốc, đại diện Bệnh viện K cho biết: Mỗi chương trình hỗ trợ thuốc có thủ tục hành chính và quy trình thực hiện khác nhau nên mất nhiều thời gian để hoàn thiện các thủ tục hành chính trước khi được nhận thuốc viện trợ. Thuốc thương mại không trong danh mục thuốc đấu thầu của Bệnh viện nên người bệnh phải mua tại nhà thuốc. Theo Thông tư 31, người kê đơn phải được người đứng đầu của bệnh viện giao tham gia chương trình bằng văn bản. Do vậy, hằng năm, Bệnh viện phải bổ sung danh sách để bác sĩ có thể kê đơn cho người bệnh.
Bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh cho biết, tính đến tháng 10-2023, Bệnh viện đã triển khai 14 chương trình hỗ trợ thuốc, trong đó 2 chương trình đã kết thúc, 12 chương trình đang thực hiện. Sau ngày 31-12-2023, dự kiến có 2 chương trình sẽ kết thúc. Với 14 chương trình hỗ trợ thuốc đã hỗ trợ được 1.102 bệnh nhân ung thư với tổng số tiền thuốc hơn 290 tỷ đồng. Sự hỗ trợ này có ý nghĩa rất lớn đối với những bệnh nhân mang trọng bệnh có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ có thêm khả năng, điều kiện để kiên trì trong quá trình điều trị. “Vì tính nhân văn của chương trình nên Bệnh viện xin kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục là đầu mối thẩm định, phê duyệt các chương trình trong thời gian tới. Đồng thời, thông tư cũng nên quy định đối với các chương trình đã triển khai có điều khoản bảo đảm quyền lợi sử dụng thuốc của bệnh nhân đã tham gia chương trình cho đến khi kết thúc điều trị để chương trình càng mang rõ ý nghĩa nhân văn hơn nữa”, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh kiến nghị.
Đại diện Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư-Ngày mai tươi sáng cho biết, hiện nay, chương trình quản lý khá phức tạp, nhiều đơn vị tham gia. Chi phí điều trị của thuốc điều trị bệnh ung thư vẫn còn cao so với điều kiện kinh tế của bệnh nhân. Cùng với đó, thời gian điều trị kéo dài khiến nhiều người bệnh dừng chương trình vì không đủ điều kiện kinh tế để duy trì chi trả... Do đó, đại diện Quỹ đề xuất cần xây dựng hệ thống quản lý, giám sát, ứng dụng công nghệ thông tin. Đẩy nhanh việc phê duyệt các chỉ định mới, cập nhật phác đồ được thế giới phê duyệt. Công ty tài trợ tiếp tục thực hiện những chương trình hỗ trợ để người bệnh có cơ hội tiếp tục điều trị đến khi BHYT chi trả hoặc có thuốc khác thay thế. Cùng với đó, cần có lộ trình đưa thuốc vào danh mục thuốc bảo hiểm, nếu thuốc có bảo hiểm một phần thì vẫn duy trì chương trình hỗ trợ thuốc.
Theo đại diện AstraZeneca tại Việt Nam: “Hiện nay, Thông tư 31 hỗ trợ thuốc miễn phí một phần đối với thuốc biệt dược gốc còn trong thời hạn bảo hộ độc quyền hoặc thuốc chưa có thuốc generic cùng hoạt chất hoặc dạng bào chế tại Việt Nam. AstraZeneca tại Việt Nam cũng mong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ xem xét hỗ trợ thuốc miễn phí áp dụng cho tất cả các mặt hàng thuốc nhằm tạo điều kiện để người bệnh được tiếp cận với thuốc có chất lượng tốt, giảm gánh nặng chi phí, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Ngoài ra, còn bảo đảm tính liên tục cho việc điều trị của người bệnh khi tham gia chương trình. Mặt khác, còn bảo đảm sự thống nhất với những chương trình hỗ trợ thuốc tại các quốc gia trong khu vực và trên thế giới”. Đại diện AstraZeneca tại Việt Nam cũng kiến nghị giảm các quy trình thủ tục hành chính để người bệnh nhanh chóng tiếp cận các chỉ định mới được Bộ Y tế phê duyệt thông qua chương trình hỗ trợ thuốc.
Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) khẳng định: “Chúng ta triển khai chương trình dựa trên Luật Dược và Thông tư 31 nên phạm vi của chương trình có những cơ sở pháp lý. Dù vậy, cuộc sống vẫn luôn vận động, thay đổi nên luật cũng phải thay đổi để đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống. Do đó, sau 5 năm triển khai, Thông tư 31 có những hạn chế nhất định và cần thảo luận, rà soát lại để có cơ sở pháp lý đầy đủ hơn, rõ ràng hơn và linh hoạt hơn trong triển khai chương trình nhằm bảo đảm cung ứng thuốc cho người bệnh với giá cả hợp lý, giảm chi tiền túi của người dân”.