Tăng cơ hội việc làm cho người di cư

Đa số người di cư không có chuyên môn thường làm lao động đơn giản trong các công ty hoặc làm tự do với công việc theo mùa vụ, không có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, kể cả bảo hiểm xã hội tự nguyện, và chưa được hưởng chính sách trợ giúp xã hội ở địa phương điểm đến.

Lao động phi chính thức mưu sinh trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Xuân Lê

Lao động phi chính thức mưu sinh trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Xuân Lê

Phần lớn lao động di cư không có bảo hiểm

Trên đây là một số thông tin từ nghiên cứu về cuộc sống người di cư do Viện Phát triển bền vững (thuộc Trường Đại học Kinh tế quốc dân) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam triển khai khảo sát tại 9 địa phương gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương và Nam Định thuộc Đồng bằng sông Hồng; 4 địa phương gồm Cần Thơ, Long An, An Giang và Sóc Trăng thuộc Đồng bằng sông Cửu Long; và Bình Dương thuộc Đông Nam Bộ, cũng là tỉnh tiếp nhận nhiều người di cư từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Nghiên cứu cho thấy, hiện nay, rất nhiều người di cư đang có một đời sống xã hội hạn chế do thu nhập hạn chế và mức sống thấp, điều kiện nhà ở khó khăn, thiếu thốn tình cảm gia đình... Cụ thể, nếu như ở khu vực chính thức, thu nhập phần lớn khoảng 7 - 8 triệu đồng/tháng và tăng ca được 9 - 11 triệu đồng/tháng, cá biệt có công ty đạt tới 14 triệu/tháng. Khu vực phi chính thức thì thấp hơn, khoảng 5 - 7 triệu đồng/tháng. Điều này khiến người lao động di cư luôn mong muốn làm thêm giờ, mặc dù thời gian làm việc bị kéo dài. Mức lương thấp khiến phần lớn người lao động di cư sống trong các khu nhà trọ không đủ tiêu chuẩn, chật chội, ẩm mốc, không đủ đồ dùng cơ bản, đặc biệt không đảm bảo tiêu chuẩn về phòng chống cháy nổ.

Lý giải vì sao người di cư lựa chọn hoặc chấp nhận sống trong khu nhà như vậy, báo cáo cho biết bởi trước hết là nhà trọ có giá thuê rẻ. Các nhà trọ được xây thành dãy, mỗi phòng có diện tích 9 - 16m2, với giá thuê từ 800.000 đồng đến 1,4 triệu đồng/tháng, không kể điện nước. Cá biệt có nhà trọ cho thuê với giá 500.000 đồng/tháng.

Về tiếp cận dịch vụ giáo dục phổ thông cho con cái, nhiều người di cư khó tiếp cận dịch vụ giáo dục công lập. Các cơ sở giáo dục công lập ở nhiều địa phương có biểu hiện quá tải bởi không dự báo được chính xác số lượng trẻ đến tuổi đi học trong năm học. Trẻ em di cư phải học tập trong cơ sở mầm non tư nhân với chi phí đắt đỏ hơn. Từ góc độ giới, người nữ di cư phải đối mặt với nhiều thách thức về tâm lý, xã hội và hòa nhập cộng đồng hơn người nam di cư.

Đề xuất nhiều giải pháp và khuyến nghị chính sách

Từ thực trạng trên, báo cáo đề xuất nhiều giải pháp và khuyến nghị chính sách, nhằm đảm bảo quyền được công nhận, bảo vệ và hòa nhập cộng đồng của người di cư ở nơi đến. Đơn cử như các cơ quan chức năng cần có quy hoạch và dành quỹ đất xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp. Trong đó, không phân biệt người thường trú hay người tạm trú, bên cạnh việc đa dạng hóa hình thức cung ứng và loại hình nhà ở cho người lao động.

Trên thực tế, hiện nay dù đã có nhiều chính sách được ban hành nhưng vẫn chưa có các chính sách hỗ trợ riêng cho người dân di cư. Hầu hết các chính sách liên quan đến lao động di cư đều được quy định lồng ghép trong các văn bản và thực hiện ở các địa phương với nhiều nội dung khác nhau. Trong khi đó, do nguồn lực nên các chính sách an sinh xã hội cho người nhập cư tại cơ sở, địa phương còn nhiều hạn chế. Do đó, phần lớn lao động di cư khó tiếp cận dịch vụ giáo dục công lập, đáng lo ngại là giáo dục phổ cập cho trẻ em…

GS.TS Lê Quang Cảnh - Viện trưởng Viện Phát triển bền vững cho rằng, để có thể xây dựng và hoàn thiện chính sách cho người dân di cư, đảm bảo phát triển kinh tế - an sinh xã hội, cần tăng cường hiểu biết về quyền của người di cư trong đội ngũ quản trị địa phương; nâng cao trách nhiệm hướng dẫn của cán bộ, công chức nơi tiếp nhận người di cư. Ngoài ra, cần kết nối cơ quan quản lý cư trú và cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc: Lồng ghép di cư vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quyền lợi của người di cư trong lập kế hoạch, ra quyết định quản trị địa phương; thực hiện hiệu quả Đề án 06 theo hướng bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ hành chính công của người di cư nội địa.

Đồng thời, xây dựng chính sách tăng cơ hội việc làm ở khu vực chính thức cho người di cư bằng cách cung cấp thông tin thị trường lao động tại điểm đến, chuyển đổi lao động di cư từ khu vực phi chính thức sang chính thức; tăng điều kiện tiếp cận nhà ở cho người di cư; khuyến khích di cư theo mạng lưới và có những chế tài hỗ trợ, bảo vệ người nhập cư hòa nhập cộng đồng.

“Chúng ta cần khuyến khích di cư “con lắc”, tạo việc làm trong khu vực nông nghiệp ở các vùng nông thôn nhằm giữ lao động ở lại. Để thực hiện việc này, các địa phương cần tạo việc làm trong khu vực nông nghiệp, nông thôn; đồng thời thực hiện tốt chính sách giảm nghèo đa chiều và nghèo an sinh thông qua các biện pháp bảo trợ xã hội” - GS.TS Lê Quang Cảnh đề xuất.

Các nghiên cứu trong và ngoài nước gần đây đều cho thấy, người di cư thuộc nhóm dân cư dễ bị tổn thương, nhất là phải đối mặt với nhiều vấn đề như hạn chế di chuyển, giảm lương, mất việc làm, sự chậm trễ và gián đoạn trong việc chăm sóc sức khỏe...

Do đó, theo bà Nguyễn Hải Ninh - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dân số, lao động, việc làm (Viện Khoa học Lao động và Xã hội), cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động thông minh, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm dịch vụ việc làm. Phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chính sách việc làm và an sinh xã hội. Hoàn thiện hệ thống định danh để tích hợp hệ thống thông tin về việc làm, an sinh xã hội.

Khanh Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tang-co-hoi-viec-lam-cho-nguoi-di-cu-10291153.html